Các thiết bị sử dụng trong chăn nuôi bò sữa

Kiểm tra trực quan máy vắt sữa

Máy vắt sữa có lẽ là thiết bị quan trọng nhất của mỗi hộ chăn nuôi bò sữa.

Do có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh  viêm  vú,  máy  vắt  sữa  cần  phần  được  bảo dưỡng và bảo trì định kỳ, giống như bất kỳ một loại máy móc nào khác.

Tuy nhiên, việc bảo trì, bảo dưỡng không quá phức tạp như người ta vẫn nghĩ. Chỉ cần tiến hành một vài bước kiểm tra đơn giản một cách thường xuyên là có thể đảm bảo các bộ phận khác nhau của máy vắt sữa ở tình trạng tốt.
 
Việc kiểm tra không yêu cầu phải có kỹ năng đặc biệt vì chỉ dựa trên quan sát bằng mắt thường. Nếu tiến hành đều đặn, thường xuyên theo phương châm phòng hơn chữa, việc này có thể giúp tìm ra những nơi có thể có vấn đề.

Nên kiểm tra máy vắt sữa bằng mắt thường hàng tuần và ghi lại những gì quan sát được và đưa ra biện pháp khắc phục.

Bơm chân không

Đây là bộ phận quan trọng nhất hay chính là trái tim của cả máy vắt sữa. Chức năng của bơm chân không là đẩy hết không khí trong hệ thống ra ngoài, để từ đó tạo ra môi trường chân không. Bơm chân không có thể chia làm hai loại, bơm dầu hoặc bơm nước.

Đối với bơm dầu, cần phải kiểm tra dây cu-roa (đứt, sờn, độ căng, dầu nhớt). Kiểm soát van xả. Không để bụi vẩn bám vào động cơ và bộ phận lọc mô-tơ và bộ lọc. Chú ý thay dầu thường xuyên.

Đối với bơm nước, phải kiểm tra đường ống và thay ống mới nếu có dấu hiệu bị rò rỉ. Cặn bẩn hoặc tảo có thể làm bơm bị kẹt. Nhiệt độ nước phải đảm bảo chính xác (ở mức 40°C).

Đảm bảo trong nước không có cặn đá vôi hoặc tảo. Kiểm tra thùng nước cân bằng, lỗ thoát nước ở đáy thùng phải được bịt kín. Nếu thùng đã cũ hoặc han rỉ, nên thay thùng mới.

Bộ điều hòa chân không

Bộ phận này sẽ giữ cho mức chân không ổn định bằng cách đẩy không khí ra khỏi hệ thống. Kiểm tra màng lọc và hệ thống lọc khí xem có bị bụi bẩn không (cả bên trong lẫn bên ngoài).

Bộ phận giữ nhịp chân không

Bộ phận giữ nhịp chân không có chức năng luân chuyển trạng thái chân không với không khí trong khoang co bóp (khoảng cách giữa lớp lót cao su và lớp vỏ kim loại của cốc chụp vú). Quá trình vắt sữa được thực hiện nhờ có quá trình co bóp của lớp lót cao su này. Kiểm tra xem bộ phận này có sạch không, kiểm tra hệ thống lọc không khí và phần làm bằng cao su. Có thể đánh giá sự hoạt động của bộ phận giữ nhịp chân không qua việc kiểm tra đầu núm vú ngay sau khi
vắt xong: những dấu hiệu như đầu vú bị tổn thương, tắc hay phù nề chứng tỏ bộ phận này bị trục trặc.

Cụm vắt sữa

Bộ phận này bao gồm lớp lót cao su, lớp vỏ kim loại của cốc chụp núm vú và van ngắt chân không tạm thời. Lớp lót cao su là bộ phận quan trọng nhất vì đây là bộ phận duy nhất trong cả bộ máy vắt sữa tiếp xúc trực tiếp với vú bò. Lớp lót cao su chỉ dùng được trong một khoảng thời gian nhất định và sau đó phải thay mới theo đúng chỉ dẫn.

Kiểm tra tình trạng mặt trong của lớp lót cao su. Kiểm tra mặt trong và mặt ngoài của van ngắt chân không tạm thời và ống hút sữa xem có bị bám bẩn không. Đảm bảo những bộ phận này không bị vỡ, hỏng hóc hay biến dạng. Ngoài ra cần phải kiểm tra tình trạng của các ống nối cao su.

Mức chân không trong đường ống hút sữa

Mức chân không khi vắt sữa có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vắt sữa. Có thể dùng dụng cụ đo chân không hoặc áp kế thủy ngân để xác định được chính xác mức chân không. Tuy nhiên cả hai dụng cụ này có thể cho kết quả không đúng. Nếu bị ướt và/hoặc bẩn, dụng cụ đo chân không sẽ không còn chính xác nữa. Sự dao động bất thường của mức chân báo hiệu bộ phận điều hòa chân không bị bẩn hoặc bị kẹt.

Đường ống dẫn sữa

Kiểm tra bên trong đường ống xem có sạch không. Kiểm tra tình trạng của bộ phận lọc. Đảm bảo đường ống dẫn sữa không có chất bẩn, nước hoặc sữa tồn lại. Trong trường hợp hệ thống được điều chỉnh bằng van, cần phải kiểm tra sự chuyển động của van và màng lọc. Kiểm tra tình trạng của các bộ phận làm bằng cao su và van không cho sữa chảy ngược lại, nếu có.

Để có thể đánh giá được tính hiệu quả khi kiểm tra trực quan máy vắt sữa một cách đều đặn, mỗi lần kiểm tra nên ghi lại kết quả và đánh giá kết quả sau khi áp dụng các biện pháp nhất định. Nếu tình hình không có gì khả quan hơn, cần phải kiểm tra thật kỹ toàn bộ những nguyên nhân có thể gây lỗi hay hỏng hóc. Nếu phát hiện thấy máy móc bị hỏng hóc hay trục trặc, cần liên hệ với cơ sở bán máy hoặc nhà sản xuất đến sửa trước khi tiến hành các bước kiểm tra trực quan tiếp theo.

Nguồn: Dairyvietnam
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác