Các thông tin tinh bò trong và ngoài nước

Phương pháp khám thai cho bò qua trực tràng

Bò sữa khi mang thai sẽ không động dục trở lại. Có một vài ngoại lệ (4-5% bò đã có chửa vẫn có biểu hiện động dục lại ở vài chu kì đầu). Nhiều bò sữa sau khi phối giống không động dục lại nhưng vẫn không đậu thai. Người chăn nuôi nghĩ rằng bò đã mang thai. Một bò cái không mang thai nhưng không động dục lại sẽ kéo dài khoảng cách lứa đẻ, thực chất là kéo dài thêm thời gian nuôi không cho sữa (cạn sữa).

Chẩn đoán sớm bò sữa có chửa để có kế hoạch theo dõi động dục, phối giống cho những con chưa đậu thai hoặc không loại thải nhầm những bò đã có chửa là việc làm có ý nghĩa kinh tế quan trọng. Chẩn đoán sớm bò có thai bằng phương pháp đo hàm lượng progesterone trong máu hoặc trong sữa vào ngày 22-24 sau khi phối giống. Phương pháp này có độ chính xác cao và thời gian chẩn đoán rất sớm. Tuy vậy cần đến thiết bị và kít chuyên dụng nên chưa thể áp dụng rộng trong các trại. Chẩn đoán bằng máy scan có màn hình có thể chẩn đoán sớm bò có thai lúc 30 ngày tuổi. Trên màn hình ta có thể nhìn thấy kích thước của thai khoảng 1cm, thấy được hoạt động của tim thai. Phương pháp này cũng chỉ sử dụng trong những trại lớn vì cần đến đầu tư thiết bị đắt tiền. Những bác sỹ thú y, dẫn tinh viên, chủ trại có tay nghề cao họ có khả năng chẩn đoán sớm bò có thai mà không cần đến dụng cụ và thiết bị phòng thí nghiệm, chỉ đơn giản bằng khám qua trực tràng. Bài viết này giới thiệu phương pháp khám thai qua trực tràng.

Thời gian khám: Theo tài liệu của Hà Lan, thời gian tốt nhất để khám thai là 42-60 ngày sau khi phối giống. Khám thai sớm trước 40 ngày sẽ làm mất đi phôi của 10-11% số bò có thai. Khám thai vào khoảng thời gian từ 60-100 ngày, tỷ lệ mất phôi chỉ 2%. Ở Việt Nam, những kỹ thuật viên có kinh nghiệm thường khám thai cho bò sau khi phối 60 -70 ngày. Nếu còn nghi ngờ kết quả thì khám tiếp lần 2 sau đó 15 ngày.

Phương pháp khám: Khám thai qua trực tràng cho bò là một nghệ thuật. Bước quan trọng nhất là phát hiện cổ tử cung. Cổ tử cung có cảm giác cứng và hình trụ dài 5-7cm rất dễ cảm nhận. Giai đoạn chửa 42-70 ngày dễ tìm cổ tử cung hơn so với sau 90 ngày.

Khám sừng tử cung: Cầm cổ tử cung kéo lùi tử cung về phía sau. Đưa bàn tay tiến dần về phía trước tiếp tục kiểm tra sừng tử cung. Kiểm tra toàn diện sừng tử cung từ chiều dài, kích thước và sự đồng nhất của chúng. Nếu bò không có thai, hai sừng tử cung đồng nhất về hình dạng và kích thước. Nếu bò có thai, một hoặc cả 2 sừng tử cung có chứa dịch lỏng và cảm giác mềm hơn bình thường. Thường chỉ có một sừng tử cung chứa thai, khi đó hai sừng mất đối xứng, sừng tử cung chứa thai lớn hơn. Mức độ mất đối xứng cũng như độ lớn của sừng tử cung chứa thai tuỳ thuộc vào tuổi thai. Người có tay nghề cao có thể cảm nhận được dấu hiệu của núm nhau thai gồ lên trên sừng tử cung mang thai. Đây là dấu hiệu có ý nghĩa nhất để xác định bò có thai. Sự nở to của động mạch giữa tử cung có thể cảm nhận được vào lúc thai 90-120 ngày tuổi.

Khám buồng trứng: Cuối hai sừng tử cung, cong lên và lùi về phía sau là vị trí của 2 buồng trứng. Thông thường một buồng trứng hoạt động có kích thước dài 4cm và rộng 2cm. Ở bò có chửa, ta cảm nhận thấy thể vàng tồn tại trên buồng trứng phía sừng tử cung mang thai. Thể vàng nhô lên bề mặt buồng trứng hình thù một chiếc mũ hơi bằng đầu, cảm giác như sờ vào gan. Đây là cảm nhận cần thiết để phân biệt với trứng chín chưa rụng. Sau 2 tháng thể vàng trở nên nhẵn, tròn. Sự có mặt của thể vàng trên buồng trứng cũng chỉ là một dấu hiệu bổ sung, không có ý nghĩa quyết định. Nhiều bò không có chửa vẫn có thể vàng tồn tại.

Kích cỡ và vị trí của thai: Không phải lúc nào ta cũng có đầy đủ ghi chép ngày phối giống cuối cùng cho bò. Trong trường hợp này khám thai ngoài việc xác định bò có chửa người khám còn dự đoán tuổi thai. Căn cứ vào độ lớn của sừng tử cung mang thai, vị trí bọc thai và độ lớn của thai để dự đoán tuổi thai.

Thai 1 tháng tuổi: Không khuyến khích khám thai giai đoạn này. Tuy nhiên khi lỡ khám rồi thì có vài dấu hiệu sau có thể tham khảo. Tử cung nằm trên xoang chậu. Thai chỉ to bằng hạt đậu cove. Sừng tử cung chứa thai hơi to hơn và duỗi ra hơn so với sừng còn lại. Buồng trứng bên sừng tử cung mang thai có thể vàng tồn tại. Nghi ngờ có thai thì dừng không khám nữa để tránh sẩy thai.

Thai 2 tháng tuổi: Tử cung vẫn nằm trên xương chậu. Kích thước thai từ 6-7cm. Rãnh giữa tử cung cạn.  Hai  sừng  mất  cân  đối  về  độ  cong  và  kích thước. Sừng mang thai to hơn gấp 2-3 lần, mềm và khi sờ thấy sánh nước. Buồng trứng bên có thai to hơn và có thể vàng.

Thai 3 tháng: Bọc thai khá to và ở vị trí cuối xoang chậu. Sừng chứa thai to như trái bưởi, vỗ nhẹ vào sẽ đụng thai. Kích thước thai dài 13-17cm.

Thai 4-6  tháng tuổi:  Bọc  thai  to  và  đi  vào xoang bụng. Khi khám dễ nhầm với chưa có thai. Khi sờ không thấy cổ tử cung, không thấy sừng tử cung, nhưng nếu nắm được âm đạo nhấc lên thấy nặng chứng tỏ thai đã to và đi xuống dưới. Gặp trường hợp này ta không cố gắng sờ cho thấy thai, cũng không cần khám tiếp để dự đoán chính xác tuổi thai.

Thai 7-9 tháng tuổi: Từ tháng thứ 7 đầu thai ngoi lên xoang chậu. Tùy vị trí thai vào xoang chậu và độ lớn đầu thai, độ căng của vú ta sẽ đoán được gần đúng tuổi thai.

Chú ý:

Ghi chép đầy đủ ngày phối giống cho bò là công cụ hỗ trợ tốt nhất để chủ động khám thai, phát hiệm sớm những bò chưa mang thai, chậm sinh.

Mục đích của khám thai là để xác định sớm bò có chửa, vì vậy chủ động khám thai ở tuổi 60-70 ngày là có ý nghĩa lớn hơn cả.

TS. Đinh Văn Cải (Viện KHKTNN miền Nam)

Nguồn: Dairyvietnam
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác