Các tỉnh phát triển ngành sữa

Bò sữa cho tiền tỷ ở Ba Vì

Những năm gần đây, đàn bò sữa ở Ba Vì, Hà Nội phát triển nhanh chóng, nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.

Có được thành công này, phải kể tới mô hình chăn nuôi do Công ty cổ phần sữa Quốc tế gây dựng, cam kết hỗ trợ vốn, giống, mạng lưới thú y, thu mua giá sữa theo thị trường… để bà con yên tâm phát triển đàn bò.

Nuôi bò sữa là nghề để làm giàu

Trước đây, vì không nắm được quy trình nuôi bò sữa nên nhiều hộ dân bị thua lỗ nặng. Nuôi bò sữa không giống như nuôi trâu, bò nhà. Nghĩa là, không thể thả rông bò sữa ra ngoài đồng, muốn ăn gì thì ăn. Phải nuôi bò sữa đúng quy trình kỹ thuật, mới có sữa chất lượng tốt. Có sữa rồi, việc giữ sữa đảm bảo vi khuẩn không xâm nhập khó không kém. Chẳng may vài gram sữa nhiễm khuẩn rơi vào téc chứa hàng nghìn lít sữa, vài chục tiếng đồng hồ sau cả téc sữa đó coi như bỏ đi. Hơn nữa, các công ty thu mua có máy móc hiện đại nên thừa sức phát hiện và không dại gì mua sữa bò bị nhiễm khuẩn.

Nhiều hộ dân ở Ba Vì coi nuôi bò là để làm giàu

Nuôi bò sữa khó khăn là vậy, song bà con ở huyện Ba Vì, Hà Nội, đã nắm vững quy trình chăn nuôi, thu hoạch sữa bò như trong lòng bàn tay. Họ được Công ty cổ phần sữa Quốc tế (IDP), các nhà khoa học chăn nuôi, tận tình giúp đỡ vốn, giống, cỏ, dạy kiến thức và thực hành nuôi bò sữa. Mỗi học viên tham gia khóa học, IDP bồi dưỡng 50 ngàn đồng, coi đó là phí để ăn trưa, tiền xăng. Đi học được kiến thức, lại được tiền, vì thế nhiều hộ dân nô nức, phấn khởi tới lớp nghe thầy giảng bài.

Trên những cánh đồng trước đây chỉ trồng lúa, khoai, lạc… thì giờ đây lại có một màu xanh của cỏ Voi, loại thực phẩm để nuôi bò sữa. Chị Đinh Thị Xuyến, nhà ở thôn Đức Thịnh, xã Tản Lĩnh, Ba Vì kể với chúng tôi về câu chuyện nhờ nuôi bò sữa mà gia đình trước đây hết sức khó khăn thì nay đã có của ăn, của để. Năm 1989, chồng chị sang Liên bang Nga lao động, còn chị làm công nhân Trung tâm bò giống Quốc gia. Đồng lương ít ỏi, chị phải thức khuya, dậy sớm để làm nông nghiệp, buôn bán vặt nên cũng giúp gia đình đủ ăn. Vất vả là vậy, song chị luôn tự an ủi, sẽ có ngày chồng ở xứ người sẽ gửi tiền về cho gia đình. Sự hy vọng của chị đã không thành sự thực khi chồng liên tiếp thất bại trong làm ăn, rồi bị bệnh liệt giường và về nước năm 2007.

Nhờ gia đình, họ hàng động viên, anh chị chuyển sang chăn nuôi bò sữa. Năm 2010, chị được IDP cho vay vốn không lãi suất để mua thêm 3 con bò sữa nâng tổng đàn bò gia đình lên 9 con. Năm 2012, chị lại được IDP hỗ trợ vốn để mua thêm 5 con bò sữa, nâng tổng số đàn bò lên 14 con. Giờ đây, đàn bò nhà chị đang có 7 con bò chửa, 7 con bò cho sữa. Với giá thu mua sữa của IDP hiện nay vào khoảng 12.000 – 13.000 đ/kg, doanh thu trung bình mỗi tháng của chị vào khoảng 30 triệu đồng. Sau khi, trừ chi phí gia đình chị còn 15 - 17 triệu đồng.

Gia đình anh Nguyễn Thái Trung ở xã Tản Lĩnh, có truyền thống nuôi bò hơn 20 năm nay. Từ ngày IDP cam kết mua sữa theo giá thị trường, hỗ trợ vốn, giống…, gia đình anh đã mạnh tay đầu tư đàn bò từ 4 con bò lên đàn bò 20 con. Mỗi ngày, gia đình thu hoạch 150 kg sữa. Doanh thu sữa hàng tháng vào khoảng 54 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí gia đình thu lại 30 - 35 triệu đồng.

Nguyện gắn kết cùng hộ nuôi bò

Trao đổi với phóng viên TNVN, ông Phan Sỹ Minh, Phó tổng giám đốc IDP vui mừng cho biết, ngay từ những ngày thành lập chúng tôi đã xác định nguyện gắn kết với người dân nên sau 7 năm thành lập, IDP đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường và có một vùng nguyên liệu ổn định. Từ cách làm cho dân vay vốn không lấy lãi suất, dậy dân nuôi bò, phối hợp với cơ quan chức năng nâng cao mạng lưới thú y để phòng chống dịch bệnh… nên cách đây 4 năm, tổng đàn bò nguyên liệu của IDP chỉ vào khoảng 11.000 con thì hiện nay đã lên tới 15.000 con.

Những năm gần đây, IDP nhận thấy cần định hướng phong trào nuôi bò sữa không những mạnh, nhanh mà còn phải bền vững. Từ đó, IDP đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu đồng cỏ Ba Vì thuộc Viện chăn nuôi Quốc gia thành lập Trung tâm hợp tác phát triển bò và đồng cỏ quốc tế Ba Vì. Trên cơ sở này, IDP đầu tư trang trại bò và đồng cỏ mẫu Ba Vì với diện tích ban đầu 25 ha, với vốn đầu tư giai đoạn một 2011 - 2013 là 40 tỷ đồng. Có được cơ ngơi này, IDP sẽ chủ động trong con giống cung cấp cho bà con chăn nuôi, rồi là nơi tập huấn, thực nghiệm cho người dân ở các vùng nguyên liệu.

Nói về phát triển sự phát triển ngành chăn nuôi của huyện nhà, ông Lê Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, trước đây cũng có Công ty Nestlé đầu tư vào để phát triển đàn bò nhưng do giá thu mua sữa không linh hoạt, người nuôi bò không có đủ thu nhập để sống nên họ không tha thiết nuôi bò nữa. Từ ngày, IDP “thế chân” Nestlé, cam kết mua sữa dài hạn, giá thị trường, hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật chăn nuôi… hộ nuôi bò yên tâm làm ăn, đàn bò, sản lượng sữa bò của huyện bỗng dưng tăng nhanh đột biến. Nếu năm 2005, đàn bò của huyện chỉ vào khoảng 700 – 800 con thì nay đã lên tới gần 7.000 con. Giá trị sản lượng sữa lên tới cả tỷ đồng.

Còn nhớ cuối năm 2008, khi hộ chăn nuôi bò còn bị ảnh hưởng “bão sữa Menamile”. Thời điểm đó nhiều công ty đã từ chối mua sữa, IDP xác định không thể để người dân đổ sữa. Ngày 28 Tết năm 2008, ông Nguyễn Tuấn Khải, Tổng Giám đốc IDP đã “cắm” căn nhà ở Đại Cồ Việt để lấy tiền mua sữa cho bà con. “Chính cách làm việc chuyên nghiệp và vì cái Tâm, hộ chăn nuôi ở Ba Vì hoàn toàn tin tưởng ở IDP vì đã không bỏ rơi họ trong những lúc khó khăn. Giờ đây, nuôi bò ở Ba Vì đang là cách làm giàu của nhiều hộ dân…” – ông Lê Văn Minh cho biết.

Quang Tuấn

Nguồn: vietlinh.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác