Các tỉnh phát triển ngành sữa

Hội nghị đánh giá tiến độ Dự án Phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2015-2019

Sáng ngày 22/8/2018, tại Hội trường UBND huyện Ba Tri, Ban quản lý Dự án Phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị đánh giá các chỉ tiêu thực hiện của Dự án bò sữa giai đoạn 2015-2019. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Dự án Phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre, bà Đặng Thị Đoan Trang - Giám đốc Tổ chức Heifer Việt Nam, ông Nguyễn Văn Trai - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, ông Dương Minh Tùng - Chủ tịch UBND huyện Ba Tri.

 Dự án Phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2015-2019 được triển khai thực hiện vào tháng 02/2015. Mục tiêu của dự án là đầu tư phát triển đàn bò sữa trên địa bàn huyện Ba Tri với quy mô 7.341 con, nhằm nâng cao thu nhập, tiến đến ổn định sinh kế bền vững, cải thiện cuộc sống của người chăn nuôi, góp phần thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Tổng nguồn vốn thực hiện Dự án trên 98.200 tỷ đồng, trong đó tổ chức Heifer hỗ trợ 18.000 tỷ đồng, vốn Ngân sách tỉnh là 18.000 tỷ đồng, vốn đối ứng của các hộ dân tham gia dự án là 62.200 tỷ đồng.

 

Qua 4 năm triển khai thực hiện, hiện nay Dự án phát triển đàn bò sữa Bến Tre, giai đoạn 2015-2019 được triển khai tại 16 xã của huyện Ba Tri (gồm: An Bình Tây, An Phú Trung, Phú Lễ, Phú Ngãi, Mỹ Nhơn, Mỹ Thạnh, An Hiệp, An Đức, Vĩnh Hòa, Mỹ Hòa, Mỹ Chánh, Tân Xuân, Vĩnh An, An Ngãi Tây, Phước Tuy và An Hòa Tây) và 3 xã của huyện Giồng Trôm (Tân Thanh, Bình Thành và Hưng Nhượng); có 1.310 hộ tham gia, với tổng đàn bò cái nền là 2.432 con; tổng số đàn bò sữa F1, F2, F3 là 1.401 con (trong đó đã mua 690 con bò sữa F2, số còn lại do đàn bò nền Dự án sinh sản). Hiện nay, Dự án kêu gọi Công ty Vinamilk xây dựng và đưa vào hoạt động Trạm Thu trung chuyển sữa tươi nguyên liệu Ba Tri đặt tại xã An Bình Tây, mỗi ngày Trạm trung chuyển thu mua bình quân 2,5 tấn sữa của người chăn nuôi, với giá bán 12.000 đ/kg; bình quân người chăn nuôi bò sữa thuộc Dự án có thu nhập từ 400.000đ đến 700.000đ/ngày.

 

16865_2282018163117_201882216757324_XL.jpg

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: Trà Dũng)

 

Tuy nhiên, Dự án còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt như: Tỷ lệ hộ dân tham gia dự án còn thấp chỉ có 1.310/1.500 hộ theo kế hoạch; quy mô phát triển tổng đàn bò sữa còn thấp 3.833/7.341 con; tỷ lệ phối giống đàn bò nền đạt thấp 52%;.... Nguyên nhân dẫn đến các chỉ tiêu chưa đạt là do công tác tuyên truyền về Dự án còn hạn chế, công tác tập huấn kỹ thuật có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu; một số Ban quan lý Dự án xã chưa sắp xếp thời gian dự sinh hoạt nhóm; giải quyết các vấn đề phát sinh của hộ tham gia dự án còn chậm; một số hộ tham gia mô hình bò sữa nhưng chưa chăm sóc nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn.

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập đánh giá tiến độ thực hiện dự án khá tốt, dự án đã thực sự mang lại hiệu quả tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng đây là Dự án có tác động rất lớn đến việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân, do đó, Ban quản lý Dự án và chính quyền địa phương các xã cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm đạt mục tiêu Dự án đề ra. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Dự án, vận động người dân tham gia vào Dự án; tổ chức tốt các buổi sinh hoạt tổ, nhóm để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, giải đáp thắc mắc của người chăn nuôi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất cho chủ trương kéo dài thời gian thực hiện Dự án thêm 3 đến 5 năm nữa; thống nhất chủ trương thành lập Hợp tác xã bò sữa, đối với hai chủ trương này giao cho Ban quản lý Dự án tham mưu Ban chỉ đạo triển khai thực hiện.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác