Các tỉnh phát triển ngành sữa

Sóc Trăng- Lão nông thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ bò sữa

STO - Với sự kiên trì, ham học hỏi cùng ý chí vươn lên làm giàu chính đáng, ông Tăng Ương ở ấp Tiếp Nhựt, xã Viên An (Trần Đề) đã thành công với mô hình chăn nuôi bò sữa, cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.

Xuất thân từ một gia đình nông dân Khmer, đông anh em, ít ruộng đất canh tác nên cuộc sống gia đình ông rất khó khăn. Nhưng với tính cần cù, chăm chỉ, không ngại khó khăn, sau nhiều năm tích lũy, đến nay, ông Ương đã sở hữu 15 công đất. Ông Ương dành 10 công đất trồng cỏ làm thức ăn cho bò, còn lại 5 công trồng lúa.


Được biết năm 2004, gia đình ông Ương được Dự án Cida (Canada) hỗ trợ một con bò sữa. Từ đó, ông Ương thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do ngành chức năng tổ chức. Vào năm 2012, ông học thêm lớp Trung cấp chăn nuôi thú y ở Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng và lớp gieo tinh nhân tạo cho đàn gia súc lớn. Cùng với kiến thức học được và kinh nghiệm học hỏi từ những người nuôi trước, ông đã vận dụng vào nuôi bò sữa, đàn bò sữa của gia đình ông không ngừng tăng lên và hiện tại ông sở hữu 16 con bò sữa.

 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Ương thổ lộ: “Khi mới bắt tay vào nghề nuôi bò thấy cũng khá khó khăn vì chưa có kinh nghiệm, vốn ít nhưng nhờ sự hỗ trợ từ dự án nên tôi được đi học tập kinh nghiệm nhiều nơi, từ đó nắm được quy trình kỹ thuật nuôi”. Cũng theo ông Ương, muốn cho bò phát triển khỏe mạnh thì khâu chọn giống là rất quan trọng. Để bò cho sữa nhiều và chất lượng sữa tốt thì khẩu phần ăn phải đảm bảo ngày 2 lần thức ăn thô và cỏ cho ăn không giới hạn. Hệ thống chuồng trại cũng phải đảm bảo vệ sinh, tiêm phòng dịch bệnh cho bò.

 

Với phương pháp chăm sóc khoa học như trên, mỗi ngày, đàn bò của ông Ương cho khoảng 90kg sữa, giá bán khoảng hơn 11.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông thu về 500.000 đồng đến 600.000 đồng. Ông Ương vui vẻ cho biết: “Bây giờ, có Hợp tác xã Nông nghiệp Evergowth thu mua sữa mỗi ngày 2 lần và nguồn thức ăn cho bò cũng được cung cấp luôn nên rất yên tâm và tiện lợi”. Theo tính toán của ông Ương, chỉ cần mỗi hộ nghèo có khoảng từ 1 đến 2 con bò sữa có thể thoát nghèo nhanh chóng. Nuôi bò sữa mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa và vật nuôi khác.

 

 Nhờ cần kiệm trong chi tiêu nên công sức và ý chí của vợ chồng ông được đền bù xứng đáng. Với mức thu nhập từ bò sữa và lúa mỗi năm vài trăm triệu đồng, gia đình ông Ương đã có của ăn của để, các con được học hành đến nơi đến chốn. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác ấp Tiếp Nhựt 1, ông Ương sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò sữa cho nhiều bà con cùng phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống. Trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, một năm ông tạo công ăn việc làm thời vụ cho khoảng 50 lao động nông nhàn ở địa phương.

 

 Đề cập đến những bí quyết đưa đến sự thành công, ông Tăng Ương khiêm tốn: “Muốn kinh tế gia đình ổn định, ngoài yếu tố cần cù, chịu khó thì mình còn phải biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”.

 

 Chủ tịch Hội Nông dân xã Viên An Danh Thị Phương Lan nhận xét: “Chăn nuôi bò sữa ở địa phương ngày càng phát triển, góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều người dân, nhất là bà con Khmer nghèo ở địa phương. Trong đó, ông Tăng Ương là hộ chí thú làm ăn, ham học hỏi vươn lên làm giàu chính đáng. Khi có điều kiện, ông Ương luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền để giúp đỡ bà con cùng làm ăn và đóng góp tích cực đối với phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

 

Với sự nỗ lực phấn đấu sau nhiều năm liền, ông Tăng Ương đã trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung  ương giai đoạn 2007 đến năm 2011 và nhiều năm liền là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh.K.Thoa

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác