Các tỉnh phát triển ngành sữa

Tiềm năng và định hướng phát triển bò sữa tỉnh Sóc Trăng

Ngày 11 tháng 7 năm 2013, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị chuyên đề bò sữa 2013, đến dự hội nghị có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và đại diện lãnh đạo UBND các huyện, các sở ban ngành, Trường Đại học Cần Thơ, ngân hàng thương mại, HTX Nông nghiệp Evergrowth (nuôi bò sữa), Cty TNHH DV Công nghệ Á Châu, Cty FrieslandCampina Vietnam (FCV - Sữa Cô gái Hà Lan) và xã viên HTX Nông nghiệp Evergrowth.

 Sóc Trăng là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, khí hậu nóng ẩm, ít bị ngập lũ hàng năm, thực vật phát triển quanh năm, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò. Nông dân Sóc Trăng có truyền thống chăn nuôi bò thịt, riêng bò sữa được nuôi từ năm 2004 với tổng số 477 con, qua 9 năm phát triển đến nay tổng đàn bò sữa ở tỉnh Sóc Trăng có 3.494 con, tổng sản lượng sữa năm 2012 là 3.616 tấn, trong giai đoạn 2004 – 2013 đàn bò tăng bình quân 30%/ năm; địa bàn nuôi chủ yếu trên 4 huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú và Châu Thành, đã mang lại hiệu quả khá cao cho nông dân với thu nhập bình quân 45 – 50 triệu đồng/năm/con bò cho sữa. Hơn nữa, bò sữa là đối tượng dễ nuôi, ít bệnh truyền nhiễm, thức ăn dễ kiếm tận dụng được các phụ phẩm nông – công nghiệp để làm thức ăn như đọt mía, thân cây bắp, thân cây đậu phọng, rơm, bã bia…Quy mô chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phần lớn hộ gia đình với 1.546 hộ chăn nuôi, bình quân 2-3 con/ hộ, có 60 hộ nuôi 6 – 10 con, có 6 hộ nuôi trên 10 con. Đàn bò sữa của tỉnh Sóc Trăng chủ yếu là bò nền lai Sind được phối tinh bò sữa HF cho ra con lai F1, F2, F3.


Đ/c Nguyễn Văn Khởi, PGĐ Sở Nông nghiệp & PTNT phát biểu tại hội nghị


Trong hội nghị này đại diện Cty TNHH DV Công nghệ Á Châu cũng đã báo cáo tham luận giới thiệu về chuyên đề Tinh bò sữa phân giới tính, công nghệ này sẽ giúp cho người nuôi chủ động trong việc lựa chọn giới tính khi phối tinh cho bò, qua đó có thể phát triển đàn bò sữa có chất lượng và tăng đàn nhanh chóng. Đại diện Cty FCV, một đối tác tiêu thụ sữa bò của HTX Nông nghiệp Evergrowth, cũng đã trình bày về Dự án phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Sóc Trăng với tổng quy mô 350 ha, trong đó chia làm nhiều trang trại nhỏ với 80 bò/trại (40 bò cho sữa) và diện tích 6 ha/trại, dự án được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Cty FCV sẽ hỗ trợ kỹ thuật, con giống, mô hình trang trại mẫu và bao tiêu toàn bộ sữa của các trang trại.


Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã cùng nhau trao đổi thảo luận nhiều vấn đề về những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động  phát triển ngành chăn nuôi bò sữa ở địa phương, nội dung kế hoạch phát triển bò sữa đến năm 2020 với mục tiêu: phát triển chăn nuôi bò sữa nhanh và bền vững, theo hướng trang trại, công nghiệp, với quy mô 10.000 con vào năm 2020, sản lượng sữa tươi đạt 17.000 tấn/năm, áp dụng VietGAP trong chăn nuôi bò sữa, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, từng bước cơ giới hóa hiện đại hóa các khu chăn nuôi; Tiếp tục nâng cao chất lượng con giống phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới, áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến; đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác trong chăn nuôi bò sữa; chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô gia trại, trang trại kiểm soát an toàn sinh học, chất lượng sữa và môi trường chăn nuôi tại nông hộ, trang trại; xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông chăn nuôi bò sữa với công nghệ tiên tiến. Các nhóm giải pháp thực hiện bao gồm: quy hoạch vùng nuôi ở các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Châu Thành và Tp Sóc Trăng; tăng đàn sinh học và cơ học đến năm 2015 là 5.000 con, năm 2020 là 10.000 con; mô hình nuôi đa dạng: nuôi nhỏ lẻ 5-6 con/hộ, gia trại 5-6 con đến dưới 40 con, trang trại từ 40 con trở lên, mô hình trang trại mẫu; tận dụng đất vườn tạp, đất nông nghiệp hiệu quả thấp để trồng cỏ tạo nguồn thức ăn xanh cho bò sữa; đa dạng hóa nguồn thức ăn chăn nuôi; tăng cường hiệu quả công tác thú y, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tập huấn nâng cao chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thú y cơ sở; tăng cường hiệu quả mạng lưới tiêu thụ bảo quản sản phẩm sữa tươi; ứng dụng các giải pháp bảo vệ môi trường và xử lý môi trường trong chăn nuôi.


Phát triển ngành chăn nuôi bò sữa ở tỉnh Sóc Trăng là một trong những hướng đi cho chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhằm đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, tăng hiệu quả hoạt động nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.


TRUNG NGUYỄN

Nguồn: ipc.soctrang.gov.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác