Cách nuôi vỗ béo bê đực

Kỹ thuật chăn nuôi bê đực lai hướng sữa lấy thịt

I/.Giống và đặc điểm giống: 

Bê đực lai hướng sữa, là những bê đực lai sinh ra giữa những bò Holstein Friesian (HF) hoặc tinh bò Holstein Friesian (HF) phối với bò cái nền Lai Sind, tùy theo tỷ lệ máu bò HF, ta có bò Lai HF  F1, F2, F3…

Chọn những con giống tốt, thân hình cân đối, đầu cổ thanh, ngực sâu và nở, bụng gọn, dài đòn, lông mịn, đuôi luôn cử động, lông đuôi dài, mắt tinh, dáng vóc nhanh nhẹn, mông, vai phát triển, mình tròn hình trụ… nên biết rõ nguồn gốc và tính năng sản xuất đời bố mẹ. 

Ở các nước chăn nuôi tiên tiến, kể cả những nước đã có giống bò thịt chất lượng cao, việc chăn nuôi và vổ béo bê đực hướng sữa lấy thịt, ngày càng phổ biến, vì năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

II/. Chuồng trại, thức ăn, nước uống:

2.1. Chuồng trại: Chuồng trại, nên có nhiều gian để phân đàn theo lứa tuổi, bảo đảm, sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, dễ vệ sinh, tránh mưa tạt, gió lùa và nắng nóng, không gây ô nhiểm môi trường, làm xa nhà và quay về hướng Đông Nam, để có ánh sáng và thông thoáng tốt. Diện tích cho mỗi bê thịt 2,5-3,0 m2/con (cầm cột trong chuồng), 4-6m2/con (đi lại tự do trong chuồng) chưa kể diện tích máng ăn, uống và hành lang phân phối thức ăn. Nền chuồng làm bằng xi măng không tô láng, có độ nhám, hơi dốc 3-40 về phía có rảnh thoát nước dẫn về hố ủ phân. Lối đi và sân vận động cho bê làm ở ngoài trời. Phân và nước thải cần được xử lý bằng hố ủ hoặc biogas vừa tận dụng được khí đốt vừa hạn chế ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh, cỏ dại… Định kỳ vệ sinh, sát trùng chuồng trại và môi trường xung quanh… Máng ăn, uống (50 x 50 x 50 cm/con) làm bằng xi măng láng gạch men, có lỗ thoát nước đảm bảo vệ sinh và tiện lợi...

2.2. Thức ăn và khẩu phần thức ăn: Thức ăn cho bê phong phú và đa dạng bao gồm thức ăn thô xanh như rơm cỏ tươi, rơm cỏ khô, rơm cỏ ủ urea hoặc kiềm hóa, thức ăn ủ chua, thức ăn củ quả bầu bí, phế phụ phẩm Công, Nông nghiệp, thức ăn tinh… nên người ta phải qui ra đơn vị thức ăn (ĐVTĂ) (mỗi loại thức ăn có chỉ số ĐVTĂ khác nhau) để so sánh thành phần, giá trị dinh dưỡng và phối hợp xây dựng khẩu phần thức ăn (KPTĂ) hợp lý cho bê. 

Trong tổng số ĐVTĂ hàng ngày (tuỳ theo giai đoạn), nên cân đối 55-80% TAHH (khoảng 1,5-2,0% thể trọng), 20-45% thức ăn thô xanh (khoảng 6-7% thể trọng) và không nên thay đổi thức ăn và KPTĂ đột ngột, để bình ổn môi trường dạ cỏ, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển và ổn định tiêu hóa… Trong mỗi ĐVTĂ cần 80-100g Protein tiêu hóa, 9-10g Can xi, 5-6g Phospho, 5-6g Natri.

KPTĂ hợp lý cho bê đực lai hướng sữa nuôi thịt, cần đảm bảo những nhu cầu cơ bản để duy trì, sinh trưởng, phát triển và sản xuất thịt. 

 * KPTĂ cho bê sữa (giai đoạn sơ sinh đến sau cai sữa 4, 5 tháng tuổi: Chủ yếu là sữa mẹ và thức ăn tinh thay thế sữa mẹ giàu dinh dưỡng, nhất là protein, muối, khoáng, sinh tố…  

  +Tiêu chuẩn KPTĂ cơ bản cho bê sữa:  

  - Nhu cầu về lượng sữa:  Số lượng sữa và số lần bú (bú bình) trong ngày phụ thuộc vào tuổi bê: Số lượng sữa trong ngày, trung bình 1,5 lít cho 10 kg thể trọng; Số lần cho bú, 3-4 ngày đầu 4-5 lần/ngày, mỗi lần 1 lít; Ngày thứ 4-7: 3-4 lần/ngày, mỗi lần 1,5 lít; Tuần thứ 2-4: 2-3 lần/ngày, mỗi lần 2-3,0 lít; Tháng thứ 2: 2 lần/ngày, mỗi lần 4-5 lít; Tháng thứ 3: 2 lần/ngày, mỗi lần khoảng 3-4 lít, giảm dần số lượng sữa và số lần bú trong ngày, tăng dần lượng thức ăn tinh, thức ăn thô xanh và thức ăn bổ sung khác thay thế sữa mẹ.

  - Thức ăn tập ăn sớm: Muốn cai sữa sớm bê con thì phải tập cho bê con biết ăn sớm: Để hệ vi sinh vật trong dạ cỏ của bê phát triển tốt và bê biết ăn sớm, ta phải tập cho bê ăn sớm. Thức ăn tập cho bê con là cỏ non phơi tái hoặc cỏ khô, thức ăn tinh chất lượng tốt, không quá nhuyễn và không có urea. Sau 3-4 ngày hoặc 1 tuần chúng ta có thể tập cho bê con liếm láp thức ăn  bằng cỏ non phơi tái hoặc cỏ khô, đến tuần thứ 2 bê con đã bắt đầu nhấm nháp những cọng rơm, cỏ… Từ tuần thứ 2, cũng nên tập cho bê làm quen với thức ăn tinh, nhưng phải là thức ăn tinh chất lượng tốt (thức ăn có thể thay thế sữa mẹ). 

  * KPTĂ cho bê nuôi thịt (giai đoạn 5, 6 tháng tuổi đến 18 hoặc 24 tháng tuổi): KPTĂ cho bê nuôi thịt là KPTĂ tinh cao. KPTĂ tinh cao là khẩu phần có tỷ lệ thức ăn tinh 55-90%, hiện đang được giới chăn nuôi quan tâm nhất. 
Khi áp dụng KPTĂ tinh cao cần lưu ý: KPTĂ tinh cao thường thiếu khoáng đa lượng (Ca, Na, P, S…), vi lượng (Fe, Cu, Zn, Co, Si…), vitamin A, D, E… và có thể thiếu protein do môi trường PH dạ cỏ thấp, vi sinh vật hoạt động kém. Chính vì vậy, cần phải điều chỉnh KPTĂ hợp lý: Năng lượng 10-11 MJ/kg; Protein 13-15% (1/3 protein có thể bổ sung bằng Urea); Bổ sung thêm Premix khoáng dạng đá liếm, Premix sinh tố và các chất điện giải (như sodium bicarbonate 50g/con/ngày…) nhằm, cân đối thành phần và giá trị dinh dưỡng, cải thiện môi trường dạ cỏ, khai thác tiềm năng vi sinh vật dạ cỏ hữu hiệu nhất, nâng cao hiệu quả chuyển hoá thức ăn. Bê sẽ hay ăn, chóng lớn, tức đạt được khối lượng cao hơn trong cùng thời gian nuôi.
 

Khi sử dụng các thực liệu trong khẩu phần, nếu loại thực liệu này không có, khó kiếm hay giá cao, có thể thay thế bằng thực liệu khác, nhưng phải thay đổi từ từ tránh làm xáo trộn môi trường dạ cỏ và hệ vi sinh vật dạ cỏ: Các loại cỏ voi, cỏ tự nhiên, thân bắp… có giá trị gần như nhau, nên có thể thay thế cho nhau; Rơm khô, thân bắp khô, cỏ khô có thể thay thế cho nhau; 1 kg cỏ khô thay thế được 4-5 kg cỏ tươi; 1 kg rơm (không ủ) thay thế được 2 kg cỏ tươi; 1 kg bánh dầu bông vải bằng 750 g bánh dầu phộng; 1 kg bánh dầu phộng  bằng 2 kg bánh dầu dừa; 4,5 kg hèm bia thay thế 1 kg cám; 6,0 kg xác mì thay thế 1 kg cám; 7,0 kg xác đậu thay thế 1 kg cám. Nếu không có TĂHH ta có thể tự trộn theo công thức: Cám bắp 50%, cám gạo 20%, bột đậu nành 15%, bột cá10%, bột xương, bột sò 3%, muối, khoáng 2%.  

  * KPTĂ vỗ béo cho bê (3 tháng trước khi xuất chuồng): Giai đoạn vỗ béo, có thể tăng nhanh khẩu phần thức ăn tinh từ 55% lên 75% rồi 80%. Trong khoảng 15-21 ngày bê có thể được nuôi với khẩu phần vỗ béo có tỷ lệ thức ăn tinh lên đến 80%. Khẩu phần có tỷ lệ thức ăn tinh trên 75% được gọi là khẩu phần khởi đầu vỗ béo. Khẩu phần có tỷ lệ thức ăn tinh trên 80% mới thực sự là khẩu phần vỗ béo. Tuy nhiên, vỗ béo với khẩu phần có tỷ lệ thức ăn tinh trên 90% sẽ tạo ra quầy thịt có nhiều mỡ. Lợi ích của phương thức này là sức tăng trọng nhanh và hiệu quả chuyển hoá thức ăn cao, phẩm chất thịt cao, giá nhân công và khấu hao chuồng trại thấp…

2.3.Nước uống: Bê uống rất nhiều nước trung bình 40-50 l/ngày, nhất là khi nắng nóng bê cao sản có thể cần trên 50 l/ngày, cho nên phải cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho bê uống tự do, tốt nhất nên sử dụng nước máy, nước giếng, không nên sử dụng nước sông, ao hồ.

III/. Chăm sóc nuôi dưỡng: 

Trong kỹ thuật chăn nuôi bê thịt, thời gian nuôi và khối lượng khi giết thịt là những yếu tố quan trọng, cần có những hiểu biết nhất định để tác động kỹ thuật sao cho bê thịt chóng lớn trong thời gian ngắn, có tỷ lệ thịt xẻ cao, thịt mềm thơm ngon thu hút người tiêu dùng và người chăn nuôi cũng có lợi. Bởi, bê lớn nhanh từ sơ sinh đến 24 tháng tuổi. Trong giai đoạn này tốc độ phát triển nhanh nhất là tế bào cơ, sau đấy là tế bào mỡ. Cho nên, thời điểm kết thúc nuôi thịt dưới 24 tháng tuổi tỷ lệ nạc cao nhất, có lợi nhất. Ở các nước chăn nuôi phát triển, nhờ giải quyết được giống tốt, thức ăn tốt và quy trình kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, người ta đã rút ngắn được thời gian chăn nuôi bê thịt xuống dưới 24 tháng tuổi. Bê thịt phải là những bê tơ dưới 15-18 tháng tuổi đạt 400-450 kg ở bê lai, 450-500 kg ở bê thuần, tăng trọng bình quân 700-900 gr/con/ngày. Tỷ lệ thịt xẻ 55-57% ở bê lai và 62-65% ở bê thuần… Ở nước ta, do hạn chế bởi yếu tố giống, thức ăn, kỹ thuật và tập quán chăn nuôi… nên thời gian chăn nuôi bê thịt thường kéo dài 24 tháng tuổi, có khi hơn. Tuy nhiên, nếu phấn đấu chăn nuôi và vỗ béo bê thịt dưới 24 tháng tuổi hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. 

Có nhiều phương thức vỗ béo bê thịt, trong đó phương thức nuôi nhốt, đầu tư thâm canh tại chuồng đang được giới chăn nuôi quan tâm. Đặc biệt, 3 tháng vỗ béo cuối cùng trước khi giết thịt, ngoài thức ăn xanh, non, ngon giàu dinh dưỡng (dưới 20% KPTĂ), cần bổ sung thêm thức ăn tinh hổn hợp (trên 80% KPTĂ). Thức ăn tinh nên trộn lẫn với thức ăn thô xanh để bê ăn từ từ, đảm bảo bình ổn môi trường dạ cỏ có lợi cho quá trình tiêu hoá và hấp thu dinh dưỡng và như vậy hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.

Mỗi tháng nên cân hoặc đo bê một lần theo công thức Kaxiulo, Jinson hoặc dùng thước của FAO hay thước của Viện KHKTNN Miền Nam để kiểm tra tốc độ tăng trọng và điều chỉnh KPTĂ hợp lí cho bê. 

  Nuôi dưỡng theo tiêu chuẩn dinh dưỡng là một khâu kỹ thuật quan trọng trong quá trình chăn nuôi bê đực lai hướng sữa lấy thịt, tránh tập quán chăn nuôi hoàn toàn dựa vào thức ăn tự nhiên, no đói thất thường, ảnh hưởng không tốt đến sinh trưởng, phát triển của bê. Tùy theo giống, thị hiếu tiêu dùng, ở mỗi giai đoạn, bê đực lai hướng sữa lấy thịt cần được chăm sóc nuôi dưỡng theo một qui trình kỹ thuật nhất định.

3.1.Bê sữa (giai đoạn sơ sinh đến 4, 5 tháng tuổi): Bê sơ sinh, dạ dày chưa phát triển, sữa là nguồn dinh dưỡng duy nhất trong những tháng đầu sinh trưởng khi bê chưa ăn được các loại thức ăn khác. Do đó, cùng với việc xây dựng tiêu chuẩn và khẩu phần thức ăn cho bê, cần chú ý: Bê mới đẻ ra phải lau sạch nhớt ở mồm, mũi cho bê thở, lau khô mình (hoặc cho bò mẹ liếm), bóc móng, cắt rốn, sát trùng cuống rốn bằng iod… cho bê con vào ổ rơm, nếu trời lạnh phải sưởi ấm; Sau khi đẻ khoảng 1 giờ, cân lấy khối lượng bê sơ sinh; Cho bê bú ngay sữa đầu, càng sớm càng tốt, vì trong sữa đầu rất giàu dinh dưỡng, nhất là Protein, khoáng và sinh tố… đặc biệt, trong sữa đầu có Globulin là kháng thể tự nhiên giúp cho bê con kháng bệnh sớm; Có thể cho bê bú bình hoặc bú xô: 1-2 tuần đầu cho bê bú bình, sau đó tập cho bê bú xô; Số lượng sữa và số lần bú (bú bình) trong ngày phụ thuộc vào tuổi bê; Sữa phải có nhiệt độ ổn định trong các lần bú (không phải bữa ấm bữa lạnh), tốt nhất là sữa vừa vắt ra cho bê bú ngay, khi đó nhiệt độ của sữa 36-370C. Bê bú sữa lạnh hoặc bú nhiều sữa trong một lần dễ bị tiêu chảy; Từ 15-30 ngày có thể kìm hảm sừng phát triển bằng cách đốt hoặc dùng xút đậm đặc (Na0H) và nhớ bôi vazelin xung quanh gốc sừng, không cho xút lan ra; Tuổi cai sữa bê con: Muốn cai sữa sớm phải tập cho bê con biết ăn sớm. Tập cho bê ăn sớm sẽ kích thích hệ tiêu hoá của bê phát triển và có thể cai sữa sớm lúc bê 3 tháng tuổi. Thường thì hết 3 tháng tuổi người ta vẫn chưa cai sữa hẳn mà cho bê uống sữa giảm dần xuống 2 lít/ngày, rồi 1lít/ngày trước khi cai sữa 4, 5 tháng tuổi. Chỉ cai sữa cho bê khi bê đã tiêu tốn khoảng 400 lít sữa, 80-100 kg thức ăn tinh, thể trọng đạt 80-100 kg và ăn được 1,5-2,0 kg thức ăn tinh (thức ăn có thể thay thế sữa mẹ) trong ngày. Bê được tập ăn sớm và đầy đủ dinh dưỡng sẽ dễ nuôi và sinh trưởng phát triển tốt ở giai đoạn sau.

Hàng ngày, nên tắm chải cho bê và cho bê đi lại, chạy nhảy, vận động nhiều, ít nhất 2-3 giờ/ngày, vì giai đoạn này bê đang phát triển mạnh... Nuôi dưỡng bê cai sữa tốt 5, 6 tháng tuổi có thể đạt 120-150 kg/con.

3.2. Bê lỡ (5, 6 - 12 tháng tuổi): Bê lỡ sau khi cai sữa đã có thể ăn được thức ăn thô xanh, thức ăn tinh và những thức ăn bổ sung khác. Bê lỡ 5, 6 tháng tuổi, sau khi chích ngừa, xỗ lãi, chích ADE, bổ sung sữa, trứng, thức ăn tinh hỗn hợp… đảm bảo khẩu phần thức ăn tinh cao trên 55% thì bê tăng trưởng nhanh, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, thịt mềm thơm ngon, người chăn nuôi và người tiêu dùng đều có lợi.

Để bảo đảm cho bê lỡ phát triển tốt, trên cơ sở KPTĂ cơ bản hàng ngày cần bổ sung muối, premix sinh tố, premix khoáng dạng đá liếm cho bê liếm tự do… Tắm chải và cho bê vận động 1-2 giờ/ngày, vì giai đoạn này bê đang phát triển mạnh. Nuôi dưỡng bê lỡ tốt 12 tháng tuổi có thể đạt 250-300 kg/con.

3.3. Bê tơ (12 - 18 hoặc 24 tháng tuổi): Để bảo đảm cho bê tơ phát triển tốt, trên cơ sở KPTĂ cơ bản hàng ngày cần bổ sung muối, premix sinh tố, premix khoáng dạng đá liếm cho bê liếm tự do… Tắm chải và cho bê vận động giảm dần hoặc không cho vận động, nhất là giai đoạn vỗ béo. Nuôi dưỡng bê tơ tốt 18 tháng tuổi có thể đạt 400-450 kg/con.

3.4.Vỗ béo Bê tơ (3 tháng trước khi xuất chuồng): Trước khi đưa vào vỗ béo, bê cần được tiêm phòng và tẩy ký sinh trùng. Tăng KPTĂ vỗ béo lên từ từ trong vòng 2-3 tuần. Kích thích cho bê ăn càng nhiều càng tốt, cho ăn tự do, vận động ít hoặc không cho vận động, để bê tăng trọng nhanh. Đảm bảo KPTĂ tinh cao để vỗ béo, bê tơ có thể tăng trọng 1,0 kg/con/ngày.

V. Thú y - phòng bệnh: 

Tắm chải cho bê sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, ngày 2 lần, định kì phát quang khu vực xung quanh chuồng trại, khai thông cống rảnh và sát trùng chuồng trại…định kì tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm như tụ huyết trùng, lỡ mồm long móng (FMD)… theo đặc điểm dịch tể học của vùng và qui định của cơ quan thú y. Phòng và xử lý tốt các bệnh thông thường, kiểm soát nội, ngoại kí sinh trùng như ve, ghẻ, ký sinh trùng đường ruột, đặc biệt là ký sinh trùng đường máu (Tiêm mao trùng, biên trùng, lê dạng trùng)…

Nguồn: Theo http://www.khuyennongtphcm.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác