Cách phòng chống dịch bệnh cho bò sữa

Bệnh lở mồm long móng ở bò sữa (Aphtae epizootica)

Bệnh lở mồm long móng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh, rất rộng của nhiều loài thú nuôi và thú hoang nhất là trâu bò, do virut lở mồm long móng gây ra. Virut này làm hình thành những mụn nước ở niêm mạc mồm và da móng (lở mồm long móng) gây tổn thất lớn về kinh tế, làm trở ngại cho sản xuất nông nghiệp ở những vùng rộng lớn.

Triệu chứng.
Sau khi nhiễm virut, trâu bò có thời gian nung bệnh: 2-7 ngày, thường bệnh phát ở hai thể: Thể nhẹ và thể nặng.
1. Thể nhẹ.
Con vật mệt mỏi, ủ rũ, lông dựng, mũi khô, da nóng do sốt cao 40-42oC kéo dài trong 2-3 ngày. Tiếp đó con vật tỏ ra khó khăn, nặng nề khi nằm xuống đứng lên, ăn ít và ăn rất khó khăn. Sau 3-4 ngày, những mụn nước bắt đầu mọc ở niêm mạc mồm, chân và chỗ da mỏng.
ở miệng khi con vật sốt, lưỡi dày lên và cử động khó. Niêm mạc miệng, môi, lợi, răng bị viêm đỏ khô nóng. Mụn nước bằng hạt đỗ xanh, hạt ngô, có khi lớn bằng đầu ngón tay bắt đầu mọc ở hàm trên phía trong má, mép, môi, lợi, răng và chân răng, trên mặt lưỡi và cuống lưỡi. Mụn nước trong vàng, dần dần vẩn đục, sau vài ngày thì vỡ ra, làm cho niêm mạc bị bong ra từng mảng thượng bì, để lộ những vết loét đỏ.
Do bị mụn loét trên niêm mạc miệng và lưỡi nên vật bệnh ăn uống rất khó khăn, ít nhai lại.
ở mũi, mụn nước cũng mọc trên niêm mạc và vỡ loét ra như ở niêm mạc miệng và lưỡi, nhưng nhẹ hơn ở miệng.
Nước mũi chảy ra có mùi hôi thối. ở chân, mụn nước cũng xuất hiện cùng thời gian mọc mụn nước ở miệng. Những mụn này nhỏ như hạt gạo, hạt đỗ xanh, hạt ngô mọc dầy đặc xung quanh da, móng, trong kẽ chân, làm thành những vết loét đỏ xung quanh móng chân. Những vết loét này thành sẹo và hồi phục rất nhanh. Nếu điều kiện vệ sinh và chăm sóc kém, những mụn loét ở quanh móng chân có thể bị nhiễm trùng sinh mủ tạo thành những ổ loét sâu trong móng chân và làm rụng móng. Vì những mụn loét ở chân, con vật không đi lại làm việc được, ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp.
ở vú, súc vật cái thường bị mọc mụn ở núm vú, đầu vú, toàn bộ vú bị sưng, da vú tấy đỏ và đau. Mụn to bằng đầu ngón tay, sau 2-6 ngày vỡ ra để lại những vết loét bằng phẳng, hồi phục nhanh. Súc vật cái đang nuôi con sẽ ít cho con bú vì đau đớn và sữa bị cạn dần.
2. Thể nặng.
Bê, nghé thường mắc thể này. Con vật thể hiện viêm ruột cấp tính: ỉa chảy nặng, xuất huyết đường tiêu hóa, làm cho con vật chết sau 2-3 ngày.
Bệnh cũng gây viêm phế quản và viêm phổi cấp làm cho bê, nghé chết sau 2-3 ngày. Con vật cũng có thể bị viêm màng bao tim, viêm cơ tim và bị chết bất ngờ.
2. Điều trị.
2.1. Sử dụng huyết thanh miễn dịch.
Huyết thanh miễn dịch hay huyết thanh súc vật đã khỏi bệnh dùng chữa gia súc vật ốm trong giai đoạn đầu có tác dụng tốt.
Liều dùng: 120-500 ml/ngày tùy trọng lượng vật bệnh, tiêm dưới da.
2.2. Điều trị các mụn loét.
Đối với các vết loét ở miệng: dùng các dung dịch chua, chát như: Focrmol-1%, thuốc đỏ 1%, Axit axêtic-2%, thuốc tím-1%, Axit xitric-1%, phèn chua-1%... để rửa miệng súc vật ốm hàng ngày. Có thể dùng dung dịch nước quả khế, nước quả chanh, nước lá ổi để thay thế các dung dịch hóa chất kể trên cũng có tác dụng tốt.
Đối với vết loét ở móng chân: trước hết rửa sạch sẽ vết loét bằng dung dịch nước muối 10%. Sau đó dùng một trong hai bài thuốc sau đây bôi vào vết loét:
Bài 1: - Nước lá ổi sắc đặc 500ml.
- Phèn xanh: 50g.
- Nghệ: 100g.
- Bột Sunphamit: 150g.
Giã nhỏ phèn xanh, nghệ hòa với nước lá ổi bôi vào vết loét. Sau đó rắc bột sunphamit vào đó.
Bài 2: - Than xoan: 50g.
- Nghệ: 50g.
- Tỏi: 50g.
- Dầu lạc: 200ml.
- Lá đà 50g.
Giã nhỏ than xoan, lá đào, nghệ, tỏi, hòa với dầu lạc bôi vào chân (nơi loét) cho súc vật hàng ngày.
Có thể bôi các dung dịch sát trùng: Iôt-10%, Formol-1%, thuốc đỏ-5%. Đối với mụn loét ở vú: bôi các dung dịch sát trùng nhẹ như xử trí mụn loét ở miệng.
2.3. Chữa triệu chứng và trợ tim mạch.
Súc vật bệnh mệt nhọc cần tiêm các loại thuốc trợ sức như: Cafein, Spartein, vitamin B, vitamin C.
Khi súc vật có biến chứng viêm ruột, cần dùng các loại thuốc sát trùng đường tiêu hóa, bảo vệ niêm mạc ruột như: nước lá ổi sắc đặc, Sunphaguanidin (cho súc vật uống), tetran B.

Nguồn: Dairyvietnam
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác