Cách phòng chống dịch bệnh cho bò sữa

Phòng bệnh axit hoá dạ cỏ bán cấp ở bò sữa

Cách đây vài ba năm, tại lớp tập huấn về bò sữa ở Ba Vì, ông chuyên gia cố vấn Orskov nêu câu hỏi nên cho bò sữa ăn thức ăn tinh vào lúc nào. Theo tập quán ngàn đời nay "thô trước, tinh sau" nên một chủ trại trả lời cho bò sữa ăn thức ăn tinh sau lúc cho ăn thức ăn thô. Ông chuyên gia cố vấn cho biết, cách cho ăn như vậy không đúng, nên cho bò sữa ăn thức ăn tinh cùng một lúc với thức ăn thô.

Ngày 19/9/2007 trong Báo Nông nghiệp Việt Nam có bài "cần thay đổi tập quán cho trâu bò ăn" giới thiệu kinh nghiệm của ông Nguyễn Văn Phú (Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) đã thay đổi tập quán cho bò ăn riêng lẻ từng loại thức ăn bằng cách trộn đều các loại thực liệu với nhau (cỏ, cám, hèm bia) rồi mới cho bò sữa ăn, kết quả bò sữa của ông Phú đã cải thiện đáng kể về năng suất, chất lượng sữa và hiệu quả kinh tế.

Ngày 5/11/2007 Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng bài "Bệnh bò sữa do ăn uống không hợp lý". Bài báo này nêu vấn đề bệnh dạ cỏ toan do cho bò sữa ăn quá nhiều thức ăn tinh và ít thức ăn thô xanh.

Ba sự kiện nêu trên đều liên quan đến bệnh toan dạ cỏ (pH dạ cỏ thấp). Theo các tài liệu nước ngoài bệnh này có tên gọi là bệnh axit hóa dạ cỏ bán cấp (SARA).

Không riêng Việt Nam, bệnh này rất phổ biến ở các nước giàu truyền thống nuôi bò sữa Âu - Mỹ và gây thiệt hại kinh tế lớn. Theo điều tra tiến hành ở Âu - Mỹ, trong 10 - 12 năm gần đây, do liên quan đến bệnh axit hóa dạ cỏ bán cấp mà một năm mỗi con bò sữa thiệt hại về tài chính 40.

Nếu bò bị bệnh axit hóa dạ cỏ, người chăn nuôi bò sữa nhận thấy bò sữa kém ăn, ít nhai lại, phân lỏng. Hậu quả tiếp theo là sữa giảm về số lượng và chất lượng, đau chân, sinh sản kém. Trong trường hợp bị bệnh axit hóa dạ cỏ bán cấp, pH dạ cỏ thấp (pH dưới 5,5) làm giảm tính thèm ăn của bò sữa, bò ít ăn, tần số giữa các lần ăn giảm. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh có sự liên quan chặt chẽ giữa tiếp nhận thức ăn và pH dạ cỏ. Giữa các bữa ăn pH dạ cỏ xuống thấp. Cứ giảm tần số ăn sau đó đến lượt pH dạ cỏ giảm. Đường xoắn ốc theo hướng đi xuống đó là chu trình của bệnh axit hóa dạ cỏ bán cấp.

Để phòng bệnh axit hóa dạ cỏ bán cấp phải điều chỉnh pH dạ cỏ, nhất là trong trường hợp bò sữa dễ cảm nhiễm bệnh như ăn nhiều thức ăn tinh hoặc bị stress nóng.

Nghiên cứu gần đây của Viện IRTA - Barcelona (Tây Ban Nha) đã chứng minh với việc bổ sung nấm men vào khẩu phần thức ăn bò sữa có thể phòng bệnh axit hoá dạ cỏ bán cấp ở những con bò sữa cao sản (bò sữa cao sản thường phải cho ăn nhiều thức ăn tinh). Công trình này cũng giúp tìm hiểu cách tác động của nấm men và nêu ra sự liên quan thú vị giữa bệnh axit hóa dạ cỏ và hành vi ăn uống của bò sữa.

Theo sơ đồ thí nghiệm, bò cái sữa thí nghiệm thay nhau ăn khẩu phần không có nấm men và khẩu phần có bổ sung nấm men Saccharomyces Cerevisiae 1 - 1077 trong 2 chu kỳ, mỗi chu kỳ 2 tuần lễ. Thí nghiệm có mẫu thiết bị chuyên dùng ghi biến đổi pH dạ cỏ cách nhau 15 phút. Kết quả biến đổi dạ cỏ thể hiện ở hình vẽ dưới đây:

 

Nghiên cứu của Viện IRTA - Barcelona đã khẳng định có sự liên quan giữa lần tiếp nhận thức ăn với ph dạ cỏ. Khi bò ăn thường xuyên, pH ở mức cao, khi khoảng cách giữa 2 bữa ăn dài, pH dạ cỏ thấp. Khi bò được bổ sung nấm men, bò ăn nhiều lần hơn, khoảng cách giữa các lần ăn ngắn. pH tối đa và tối thiểu ở bò cái vắt sữa được ăn bổ sung nấm men cao hơn nhiều so với bò cái vắt sữa không được bổ sung nấm men (xem hình vẽ pH dạ cỏ). Ngoài ra ở bò cái vắt được bổ sung nấm men pH dạ cỏ giữa các lần ăn không thấp bằng bò cái sữa không được bổ sung nấm men.

Phân tích số liệu thí nghiệm cho thấy, trong 1 ngày thời gian pH dạ cỏ dưới 5,5 (điều kiện gắn liền với axit hóa dạ cỏ bán cấp) ở bò cái sữa không được bổ sung nấm men tỷ lệ cao hơn so với bò sữa được bổ sung nấm men. Cũng như vậy, không gian dưới đường biểu diễn pH trung bình (pH - 5,5) ở bò cái sữa không được bổ sung nấm men lớn hơn bò cái sữa được bổ sung nấm men.

Như vậy, bò không được bổ sung nấm men, thời gian chịu đựng điều kiện axit hóa dạ cỏ dài hơn bò có bổ sung nấm men, điều kiện axit hóa dạ cỏ sẽ trầm trọng hơn nếu không được bổ sung nấm men.

 

 

Tác động của nấm men trong dạ cỏ:

- Nấm men bổ sung đều chỉnh pH dạ cỏ bằng cách tạo điều kiện thuận lợi để cho nhóm vi khuẩn sử dụng axit lactic (Megasphera elsdenii) cạnh tranh với nhóm vi khuẩn sản sinh ra axit lactic (Streptococcus bovis); Do vậy giảm quá trình sản sinh ra axit lactic trong dạ cỏ.

- Nấm men cải thiện quá trình tiêu hóa chất xơ trong dạ cỏ bằng cách tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển vi sinh vật phân hủy chất xơ. Do vậy, thức ăn trong dạ cỏ chuyển dịch nhanh hơn, tăng tính thèm ăn, ăn nhiều thức ăn hơn.

 

 

Kết luận của thí nghiệm:

- Tăng nhịp độ ăn là yếu tố quan trọng điều chỉnh pH dạ cỏ.

- Nhờ có nấm men mà có thể tăng tần suất = lần ăn.

- Bổ sung nấm men làm tăng đáng kể pH bình quân dạ cỏ, giảm nguy cơ xuất hiện axit hóa dạ cỏ bán cấp.

Báo cáo tác dụng bổ sung nấm men đối với pH dạ cỏ đã được TS. Alex Bach, cán bộ chuyên nghiên cứu về dinh dưỡng dạ cỏ và thú y của Viện IRTA - Barcelona trình bày tại Hội nghị bò sữa toàn nước Mỹ năm 2005.

Do tác động điều hòa pH dạ cỏ của nấm men mà Liên minh Châu Âu đã quyết định phổ biến dùng chế phẩm lên men Levucell.sc cho bò sữa, bò thịt; Levucell.sc là chủng nấm men dạ cỏ đặc hiệu do hàng Lallemand sản xuất. Nếu dùng chế phẩm này pH dạ cỏ luôn luôn ổn định ở mức trên 6 (pH > 6). Theo khuyến cáo của Hãng Lallemand, thông qua nhiều thí nghiệm Levucell.sc có tác dụng:

- Giảm nguy cơ bị bệnh axit hóa dạ cỏ bán cấp

- Tăng năng suất sữa.

Ngoài ra, còn có chế phẩm BIOSAF của Hàng LESAFFRE (Pháp).

 

 

Chăn nuôi bò sữa ở nước ta dùng quá nhiều thức ăn tinh đã được nhiều chuyên gia cảnh báo nhiều lần. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, bò sữa nuôi ở Thành phố Hồ Chí Minh do bị stress nóng mà năng suất sữa không đạt được tiềm năng suất của bò lai 7/8 máu Hà Lan, sinh sản kém (Tạp chí Chăn nuôi số 12/2007). Bò ăn quá nhiều thức ăn tinh, bị stress nóng là điều kiện gây bệnh axit hóa dạ cỏ. Theo kinh nghiệm Châu Âu, các chế phẩm men là cứu cánh để phòng bệnh này. Để tận dụng cơ hội giá sữa tăng hiện nay, thiết nghĩ các chủ trang trại nuôi bò sữa, các cơ quan nghiên cứu nên quan tâm tìm hiểu tác dụng của các loại chế phẩm men dùng cho bò sữa. Biết đâu ở Việt Nam các chế phẩm này cũng có tác dụng tăng năng suất sữa như ở Châu Âu.


Đ.H (Hội KHKT Chăn nuôi Việt Nam) - Tạp chí chăn nuôi 2-08

Nguồn: vcn.vnn.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác