Chuyên gia tư vấn

Dự án bò sữa ở Sơn La: Phá sản vì sử dụng “tiền chùa”?
Dự án phát triển 6.000 con bò sữa giai đoạn 2002 - 2005 của Sơn La đã hoàn toàn thất bại, khiến ngân hàng phải gánh khoản nợ xấu hơn chục tỷ đồng. Còn nhiều hộ chăn nuôi phải bán nhà trả nợ, doanh nghiệp thì bên bờ phá sản…

Dân và doanh nghiệp lao đao
Anh Mai Văn Hiến (Đội Bình Minh, Nông trường Tô Hiệu, Mai Sơn, Sơn La) dẫn tôi ra chuồng bò nay chỉ còn trơ lại hai chiếc cột. Bốn con bò sữa trị giá gần 80 triệu đồng nhận từ Nông trường Tô Hiệu theo chỉ đạo của tỉnh đã lần lượt… ra đi.

Nguyên nhân là do mua phải giống dởm. “Bò không chửa thì lấy đâu ra sữa. Vợ chồng tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi nhưng do con giống không đảm bảo nên cho sữa ít và kém chất lượng. Càng nuôi càng lỗ. Chúng tôi phái bán tống bán tháo mỗi con vài triệu đồng…”- Chị Nguyễn Thị Liên (vợ anh Hiến) nói trong nước mắt.

Từ khá giả, nay gia đình anh Hiến - chị Liên trở thành con nợ. Căn nhà khang trang xây được từ mấy năm trước vừa phải bán, trả nợ ngân hàng, rồi mượn mảnh đất của nông trường dựng tạm ngôi nhà cho mấy đứa trẻ tá túc qua ngày. Chiếc xe máy, ti vi và các vật dụng đáng giá khác trong nhà cũng lần lượt “đội nón ra đi”.

Biết tin phóng viên đến tìm hiểu thực trạng chăn nuôi bò sữa theo nghị quyết của Tỉnh uỷ Sơn La, nhiều bà con trong vùng đã tìm đến. Ông Đỗ Văn Mạc (55 tuổi, cựu công nhân Nông trường Tô Hiệu) kéo tôi vào nhà, than thở: “Tháng 11/2002, Nông trường Tô Hiệu giao cho gia đình tôi 4 con bò sữa, trị giá 81,6 triệu đồng, trong đó chỉ 1 con chửa. Ba con còn lại sau nhiều lần phối mới chửa nhưng 2 con không đẻ được, 1 con bị chết…”.

Chính vì thế, sau đó ông Mạc phải bán số bò này cho Nông trường Mộc Châu với giá chỉ bằng 1/3 giá mua (7 - 8 triệu đồng/con). Hiện, ông vẫn đang phải nuôi 1 con bò thế hệ F2 không thuần chủng, mỗi ngày tiêu tốn vài chục nghìn mà không mang lại lợi ích gì.

Không chỉ người dân, các doanh nghiệp được tỉnh giao nhập bò sữa cũng lao đao. Thực hiện chủ trương của tỉnh, Cty Phát triển chăn nuôi Sơn La đã nhập 407 con bò giống HF thuần chủng.

Thế nhưng, sau khi nhập về, do chất lượng đàn bò không đảm bảo, Cty đã trả lại 64 con. Số bò sữa giao cho các hộ thông qua Cty này bị chết chiếm tới 33,52% (115 con); 11,66% (40 con) số bò không chửa, sau nhiều lần phối giống…

Hiện Cty Phát triển chăn nuôi Sơn La đang tiến hành các thủ tục phá sản. Cùng đó, trong số 343 con bò mà Nông trường Tô Hiệu nhập theo chỉ đạo của tỉnh thì có 43 con không đủ tiêu chuẩn, 67 con chết và loại thải, 25 con không chửa sau nhiều lần phối giống.

Để gánh khó khăn cho các đơn vị này, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã đề nghị các doanh nghiệp khác nhận nuôi số bò thải loại. Bảy doanh nghiệp tư nhân đã nhận 117 con bò cái sinh sản và 125 con bê thải hồi từ Cty phát triển chăn nuôi Sơn La. Hai doanh nghiệp khác (Diên Hồng và Thanh Tùng) nhận 93 con từ Nông trường Tô Hiệu. Số bò này chết dần chết mòn; các DN trên lại thành con nợ.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Khi triển khai thực hiện dự án bò sữa, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã giao cho các doanh nghiệp: Cty Phát triển chăn nuôi Sơn La, Nông trường Tô Hiệu và Cty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu làm chủ đầu tư.

Dự án phát triển đàn bò sữa Sơn La ngay từ đầu đã thiếu tính khả thi. Thế nhưng, vì căn bệnh thành tích, chạy theo phong trào, dự án đã làm thất thoát của Nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Đáng buồn hơn, nhiều hộ dân và doanh nghiệp không gượng dậy nổi sau cơn “bạo bệnh” mà dự án này gây ra… Tuy nhiên không hiểu sao đến nay vẫn chưa ai chịu trách nhiệm?

Để có vốn, tỉnh này đã đề nghị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Sơn La cho 3 doanh nghiệp trên vay 32 tỷ đồng. Hai DN tư nhân khác (Thanh Tùng và Trường Giang) cũng được vay 5 tỷ đồng đầu tư chăn nuôi bò sữa. Theo đó, trong 2 năm 2002 - 2003, tỉnh đã nhập được 1.134 con (theo hợp đồng ban đầu là 1.530 con).
Thế nhưng, các bước thực hiện đã không được giám sát chặt chẽ khiến chất lượng đàn bò và các điều kiện chăn nuôi không đảm bảo.

Đàn bò nhập về có nhiều con trên 30 tháng tuổi, một số đã già; tỷ lệ có chửa 3-5 tháng chưa đạt 100%; trọng lượng tối thiểu chưa đạt 380 kg/con; đa số mắc bệnh nấm, viêm vú, đau mắt, đau chân, dáng gầy, ngoại hình xấu; điều kiện nuôi không đáp ứng. Từ đó, chất lượng bê không đạt tiêu chuẩn HF thuần; sữa không đạt tiêu chuẩn…

Đến tháng 1/2006, 5 doanh nghiệp trên mới chỉ trả được trên 3 tỷ đồng cho ngân hàng. Bà Phạm Thị Kim Dung - Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Sơn La cho biết: Hiện, số nợ xấu (không có khả năng thanh toán) của các đơn vị này khoảng 16 tỷ đồng (chủ yếu của Cty Phát triển chăn nuôi Sơn La và Nông trường Tô Hiệu – 2 doanh nghiệp Nhà nước).

Vấn đề ở chỗ tại sao Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Sơn La lại dễ dàng cho các đơn vị vay với số tiền lớn như vậy? Bà Dung cho biết: Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý dùng vốn ngân sách để xử lý nợ cho các đơn vị Nhà nước. Tuy nhiên, “tôi không hy vọng sẽ thu hồi được số nợ này” - Bà Dung nói. Vậy, ai phải chịu trách nhiệm trước số tiền thất thoát này?

Ở lĩnh vực quản lý Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã quá dễ dàng khi cam kết lấy vốn ngân sách xử lý nợ (thực chất là thế chấp) cho 3 doanh nghiệp Nhà nước.

Theo hợp đồng với Cty TNHH Nông Việt (đơn vị được các doanh nghiệp của Sơn La ký hợp đồng nhập khẩu bò sữa), mặc dù chưa có con bò nào cập cảng nhưng đã được ngân hàng cho ứng trước tới 90% vốn vay.

Chính điều này đã tạo cơ sở để Cty TNHH Nông Việt vi phạm hợp đồng trong việc cung cấp không đủ số lượng bò. Số tiền vượt so với giá trị bò đã nhập trên 11 tỷ đồng mà Cty TNHH Nông Việt ứng trước hiện vẫn chưa được thu hồi.

Nguồn: http://tin247.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác