Giải pháp cho hộ nông dân

Những mô hình chăn nuôi bò sữa cần nhân rộng

Trong Hội thi bò sữa lần 3 năm nay, trang trại chị Phạm Thị Lê, Tân Phú Trung, Củ Chi đã xuất sắc giành Giải Nhất mô hình chăn nuôi bền vững, còn anh Nguyễn Văn Xí, Tân Thạnh Đông, Củ Chi, có bò sữa đoạt danh hiệu “Hoa hậu bò”.

Từ Hội thi bò sữa TP.HCM lần 3:

Thành tích đáng biểu dương này là kết quả của quá trình phấn đấu không ngừng của các nông dân cộng với sự hỗ trợ đúng hướng, tích cực từ phía doanh nghiệp mà cụ thể là từ Cô Gái Hà Lan thông qua Chương trình Phát triển ngành sữa đã được thực hiện trong suốt 15 năm qua tại Việt Nam.

Nuôi bò theo con đường bền vững

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Tìm - Trưởng ban Giám khảo cuộc thi, trang trại chị Lê đoạt giải nhất vì chị đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật để bò cho sữa đạt chuẩn; tạo hầm biogas thân thiện với môi trường; biết tạo nguồn thức ăn dồi dào cho bò bằng phương pháp ủ chua…

Việc quản lý chuồng trại, các biện pháp đảm bảo vệ sinh được thực hiện rất nghiêm túc. Năng suất, chất lượng sữa và hiệu quả kinh tế của việc chăn nuôi ở trang trại này ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy với 70 con bò, trang trại đã tạo nên một cơ ngơi đủ để chị Lê an tâm sống lâu dài với con bò sữa.

Còn “Hoa hậu bò” trao cho bò sữa của trang trại anh Xí là một quyết định xứng đáng vì “Hoa hậu” đã vượt qua 37 chỉ tiêu gắt gao của ban tổ chức đề ra như: Ngoại hình, tổ chức hệ thống cơ thể, sản lượng và chất lượng sữa… với các chỉ tiêu gần như hoàn hảo.

Theo ông Tìm, để tạo nên con bò tốt như thế, anh Xí đã phải trải qua một quá trình tích lũy kinh nghiệm lâu năm, tuân thủ nguyên tắc nuôi bò sữa một cách khoa học, bài bản, kỹ thuật và đặt nhiều tâm huyết.

Những con bò này theo ông Nguyễn Phước Trung - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM “là những hạt nhân nhằm nhân rộng giống bò cao sản để cung cấp giống cho những thành phố và các tỉnh, thành trong cả nước”.

Được biết, hai trang trại trên nằm trong hệ thống các trang trại giao sữa cho Cô Gái Hà Lan, được các cán bộ kỹ thuật của công ty thường xuyên hướng dẫn từ kỹ thuật đến phương pháp quản lý trang trại, trong khuôn khổ của Chương trình Phát triển ngành sữa mà Cô Gái Hà Lan đã triển khai thực hiện từ năm 1995.

Hỗ trợ từ Cô Gái Hà Lan

Để có được thành quả như hôm nay, chị Lê (Tân Phú Trung, Củ Chi) cho rằng, đó là do sự hỗ trợ tích cực từ phía công ty thu sữa Cô Gái Hà Lan.

Chị bộc bạch: “Ngay từ đầu khi tham gia giao sữa cho Cô Gái Hà Lan, tôi đã được các anh em khuyến nông hướng dẫn các bước xây dựng chuồng trại và chăm sóc bò sữa khoa học như thế nào. Thỉnh thoảng còn có các chuyên gia Hà Lan đến chỉ dẫn thêm. Về thực hiện thấy hiệu quả nên cứ thế mà làm suốt hơn 10 năm nay. Càng làm càng thấy hiệu quả và thấy giá trị của nền tảng ban đầu mà Cô Gái Hà Lan đã giúp đỡ.”

Còn với anh Xí cũng nhờ Cô Gái Hà Lan mà anh có được như hôm nay. “Lúc đầu, tôi cũng ngô nghê lắm, may mắn là những bước đầu tiên tôi đã có được sự hỗ trợ của đội ngũ khuyến nông từ Công ty Cô Gái Hà Lan. Những lớp tập huấn thực tế cùng tài liệu hướng dẫn cụ thể đã giúp tôi từng bước nắm vững kỹ thuật. Ngoài ra, khi bí chỗ nào, hỏi anh em bên công ty đều được chỉ dẫn tận tình nên tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn. Từ đó mới gây được đàn bò chất lượng, có của ăn của để như bây giờ” - anh bộc bạch.

Lý giải về sự hỗ trợ này ông Lưu Văn Tân - Trưởng bộ phận Phát triển ngành sữa của Cô Gái Hà Lan cho biết: “Sự hỗ trợ này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Khi nông dân sản xuất sữa tốt, bán được giá cao, sống bền vững với nghề thì chúng tôi cũng có được vùng nguyên liệu ổn định, sữa sản xuất chất lượng cao được người tiêu dùng tín nhiệm. Sự tác động qua lại này là nguyên nhân giúp chương trình phát triển ngành sữa hiệu quả và sống với người nông dân hơn 15 năm qua”.

Nguồn: tinmoi.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác