Giải pháp cho hộ nông dân

Sống khỏe với nghề nuôi bò sữa

“Từ đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cho vay, gia đình tôi đã sống khỏe với nghề nuôi bò sữa...”. Đó là thổ lộ của anh Đào Văn Thuần ở thôn Muồng Phú Vàng, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì (Hà Nội).

 Đồng vốn ý nghĩa

Chúng tôi đến thăm  nhà khi anh Thuần vừa xong việc vắt sữa bò. Anh vui vẻ cho hay: “Tôi mới nuôi bò sữa được tròn 3 năm. Trước đây, thấy các hộ dân trong xã nuôi bò sữa có thu nhập cao, tôi cũng “ham” lắm, nhưng đành “bó tay” vì không có vốn. May mắn, tháng 6.2013, tôi được Ngân hàng CSXH cho vay 27 triệu đồng theo chương trình tín dụng hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (SXKD VKK). Cùng với vốn của nhà tích cóp được, tôi mua được 2 con bò sữa về nuôi. Đến nay, chúng đã cho khai thác sữa đều đặn với tổng sản lượng sữa là hơn 40 kg/ngày”.

 song khoe voi nghe nuoi bo sua hinh anh 1

 Từ 30 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, ông Nguyễn Văn Việt đầu tư chăn nuôi bò sữa. Ảnh: Đức Thịnh

Thực hiện chương trình ủy thác của Ngân hàng CSXH huyện Ba Vì, Hội ND xã Vân Hòa đang thực hiện 7 chương trình tín dụng với tổng dư nợ là hơn 8,2 tỷ đồng, trong đó chương trình vay vốn hộ SXKD VKK có số dư nợ nhiều nhất là hơn 4,8 tỷ đồng với hơn 200 hộ đang vay.

 

Với giá bán gần 10.000 đồng/kg sữa, mỗi tháng anh Thuần có nguồn thu nhập hơn 11 triệu đồng, trừ chi phí anh còn bỏ túi 6 triệu đồng. Cũng như nhiều hộ ở xã Vân Hòa, anh Thuần cho rằng, tuy số vốn vay không nhiều, nhưng với thủ tục vay đơn giản, nhanh gọn, phục vụ tận xã, thời gian vay 3 năm, lãi suất thấp, Ngân hàng CSXH đã gỡ khó cho các hộ nuôi bò sữa rất nhiều.

Cùng chung quan điểm với anh Thuần, anh Đào Văn Tùng (xã Vân Hòa) chia sẻ: “Dù không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhưng gia đình tôi cũng rất cần vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Tôi thấy chương trình tín dụng cho hộ SXKD VKK của Ngân hàng CSXH rất ý nghĩa. Với 23 triệu đồng mà Ngân hàng CSXH cho vay hồi tháng 6.2013, tôi đã có điều kiện tăng quy mô nuôi bò sữa từ 2 con lên 5 con. Từ nuôi bò sữa, gia đình tôi cũng có của ăn của để hơn trước”.

Theo 2 anh Thuần và Tùng, để nuôi bò sữa đạt hiệu quả, ngoài chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ thì kỹ thuật vắt sữa bò rất quan trọng. “Việc vắt sữa bò tưởng chừng là công việc đơn giản nhưng thực chất đòi hỏi kỹ thuật cao, phải tạo sự thân thiện và thoải mái cho vật nuôi. Cần cố định người chăm sóc và vắt sữa bò đúng thời gian và địa điểm trong ngày. Trong lúc vắt sữa thì không để người lạ đến gần…” - anh Thuần tiết lộ.

Những cầu nối tận tâm

Ông Đinh Xuân Trường – Chủ tịch Hội ND xã Vân Hòa cho biết, địa phương là một trong những xã miền núi nuôi bò sữa nhiều nhất huyện Ba Vì. Toàn xã có hơn 2.700 hộ dân thì có tới hơn 600 hộ nuôi bò sữa, với tổng đàn bò sữa là hơn 3.500 con, trong đó có hơn 2.000 con đang cho khai thác sữa. Hiện nay, nghề chăn nuôi bò sữa phát triển ở quy mô nông hộ là chủ yếu. Để tạo điều kiện cho các hộ nuôi bò sữa phát triển kinh tế, những năm qua Hội ND xã luôn tạo điều kiện, giúp cho các hộ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi như tín dụng của Ngân hàng CSXH. “Theo đó, hầu hết các hộ vay vốn chương trình tín dụng hộ SXKD VKK đã đầu tư nuôi bò sữa hiệu quả. Điểm đáng chú ý là nhiều năm liền “kênh” vốn ưu đãi qua Hội ND không có nợ quá hạn. Có được điều này là do đội ngũ tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) hết sức thạo việc và tận tâm với công việc” - ông Trường nhấn mạnh.

Hiện tổ TKVV thôn Muồng Phú Vàng do ông Nguyễn Văn Việt quản lý có dư nợ gần 1 tỷ đồng với 32 hộ vay vốn, số dư tiết kiệm hơn 8 triệu đồng. Suốt gần 20 năm đảm nhận vị trí này, ông Việt luôn thực hiện làm tốt việc hướng dẫn đối tượng cho vay, lập hồ sơ, thủ tục đúng quy trình, quy định. Ông Việt chia sẻ: “Trước và sau giải ngân vốn vay, các tổ trưởng tổ TKVV chúng tôi thường xuyên bám sát, gần gũi hộ vay để tư vấn, định hướng họ chọn cách làm ăn thích hợp và động viên họ tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi…”. 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác