Giải pháp cho hộ nông dân

Sức mạnh bắt đầu từ tinh thần hợp tác

47 gia đình ở xã Ka Đô, Đơn Dương đã liên kết lại với nhau thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa với tên gọi Liên hiệp hộ nuôi bò sữa Đơn Dương. Từ đây, sản phẩm sữa của tổ hợp tác có đầu ra ổn định, thu nhập của hội viên cũng được nâng lên.

 Chị Ma Hồng, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương hiện có trên 10 đầu bò sữa, mỗi ngày có 6 con đang chu kỳ vắt sữa. Khi còn là hộ chăn nuôi độc lập, mỗi ngày chị Ma Hồng phải đưa sữa ra trạm thu mua của Công ty Vinamik, rất mất công mất việc và tốn người làm. Giờ đây, sau khi vắt sữa, chị chỉ chờ ít phút để xe ô tô của tổ hợp tác tới tận nhà mang đi với giá 500 đồng/lít sữa. Chi phí thấp mà bớt việc, bớt người, chị Ma Hồng rất an tâm tham gia sinh hoạt trong tổ hợp tác. Không chỉ riêng chuyện bán sữa, mỗi khi có đoàn bác sỹ thú y, chuyên gia bò sữa tới Đơn Dương đều ghé nhà chị chăm sóc giúp đàn bò, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, từ việc cắt móng chân bò, trị bệnh viêm móng cho tới vệ sinh các vết xây xát trên người con bò. Chị bảo, tổ hợp tác là chỗ dựa cho những người nuôi bò như chúng tôi.

 

Anh Nguyễn Hữu Tài, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ka Đô, đồng thời là quản lý của Tổ hợp tác bò sữa kể lại, sự ra đời của tổ là do nhu cầu bức thiết của nhiều hộ chăn nuôi bò sữa trong vùng. Anh kể lại, khi Hội Nông dân tỉnh có nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân cho bà con Ka Đô vay để phát triển nghề chăn nuôi bò sữa, nhiều hộ rất phấn khởi nhận nguồn vốn. Trong số các hộ tham gia, hầu hết là bà con dân tộc thiểu số bản địa như gia đình chị Ma Hồng, Nai Liêm... Nhưng tới lúc bò đã nuôi lớn, sữa đã có mà không có mối thu mua ổn định, sữa phải bán trôi nổi khiến bà con rất khó khăn. Cùng chung tâm trạng đó là hàng chục hộ mới tham gia nghề chăn nuôi bò sữa thuộc các xã Tu Tra, Pró, thị trấn D’Ran chưa tìm được nhà thu mua ổn định… Vậy là hàng chục nông hộ “sáp” lại với nhau, hình thành tổ hợp tác. Lấy sức mạnh tập thể với đàn bò 600 con, sản lượng từ 2,5 - 3,5 tấn/ngày, anh Tài và một vài thành viên chủ chốt đi thương thảo với các công ty thu mua sữa trên địa bàn. Có tập thể mới đủ sức nặng, Công ty Vinamilk chấp nhận thu mua sữa của tổ. Và hành trình bắt đầu bằng việc tổ thuê xe ô tô thu sữa tập trung cho thành viên với giá 500 đ/lít. Hàng ngày, hẹn đúng giờ thu, các thành viên vắt sữa xong chỉ việc đưa ra đầu đường là có xe chở tới thẳng trạm, giảm chi phí vận chuyển đơn lẻ khá nhiều, đồng thời bớt hẳn công việc của nhà nông. Trên xe luôn có thành viên của tổ đi cùng để giám sát sản lượng, giám sát việc vận chuyển, đảm bảo sữa tới trạm đạt nguyên chất lượng tươi sạch.

 

Không chỉ thu sữa tập trung, tổ cũng thu hút nhiều nguồn hỗ trợ cho thành viên, nhất là các nguồn hỗ trợ kỹ thuật. Thông qua tập thể, nhiều đoàn chuyên gia châu Âu, Nhật Bản, Canada đã tới giúp thành viên nâng cao kỹ thuật chăm sóc đàn bò, ủ thức ăn, xử lý một số bệnh ký sinh trùng… mà nếu là hộ cá thể rất khó tiếp cận. Đặc biệt, anh Nguyễn Hữu Tài chia sẻ, khi xảy ra mâu thuẫn giữa nông hộ trong tổ và công ty, tổ hợp tác là giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vướng mắc. Nhiều vấn đề như chất lượng sữa, giá cả hay vi phạm của nông hộ, tổ hợp tác đã ngồi lại với công ty, thương thảo để ra quyết định phù hợp với cả hai bên. Anh Tài nói: “Một nông dân đơn độc thì nói công ty nào nghe. Mình tổ chức thành tập thể, sản lượng lớn, có tổ chức các công ty mới chú ý tới”. Anh khoe thêm, tổ thường xuyên thuê cán bộ thú y siêu âm cho đàn bò đang có bầu để giám sát tình hình phát triển của bò con, đây là kỹ thuật tiên tiến mà rất ít hộ chăn nuôi đơn lẻ thực hiện được. Và niềm vui của bà con thành viên là thu nhập ổn định, đàn bò ngày càng tăng, mang lại no ấm cho người chăn nuôi vùng bò sữa.

 

DIỆP QUỲNH

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác