Góc nhìn chuyên gia

“Cung cấp tinh bò miễn phí”! Người dân được gì từ chính sách này?
Quản lý sinh sản tốt là một trong những yếu tố chủ chốt để trở thành người chăn nuôi bò sữa giỏi. Về thực tiễn, điều này có nghĩa là tỉ lệ thụ thai ở bò và bê tơ cái phải cao. Vậy những yếu tố nào ảnh hưởng tới tỉ lệ thụ thai? Sau đây có thể kể tới bốn yếu tố quan trọng:

Phát hiện động dục: Trách nhiệm này thuộc về người chăn nuôi. Người chăn nuôi cần phải quan sát bò thật kỹ vài lần mỗi ngày và ghi chép đầy đủ, rõ ràng những biểu hiện động dục. Cần phải báo ngay cho dẫn tinh viên khi phát hiện bò động dục.

 
Thời điểm phối giống: Phải tiến hành phối giống cho bò đúng lúc. Qui tắc vàng trong phối giống bò sữa là Qui luật sáng – chiều: Bò động dục buổi sáng à phối giống buổi chiều; ngược lại bò động dục buổi chiều à phối giống buổi sáng hôm sau. Nếu buổi tối bò đã được phối giống rồi mà sáng hôm sau vẫn tiếp tục động dục thì cần phải tiến hành phối giống lại.
 
Chất lượng tinh: Dẫn tinh viên có trách nhiệm mua và bán tinh chất lượng cao, có phương pháp bảo quản tinh tốt để đảm bảo chất lượng tinh và tinh sử dụng phải vẫn còn hạn sử dụng.
 
Tay nghề dẫn tinh viên: Một dẫn tinh viên giỏi được đào tạo bài bản và không ngừng nâng cao tay nghề thông qua các lần thực hành mỗi ngày. Dẫn tinh viên nào chỉ thực hành phối giống vài lần trong tuần không bao giờ có thể trở thành dẫn tinh viên giỏi.
 
Chú ý: Thậm chí bò được phối giống đúng lúc, chất lượng tinh đảm bảo, dẫn tinh viên có tay nghề cao chưa chắc có thể đảm bảo luôn luôn thành công. Mục tiêu đặt ra là phải đạt được tỉ thụ thai ở mức trên 70%.
 
Trước đây, một vài chương trình, dự án phát triển các hoạt động chăn nuôi bò sữa đã nghiệm ra rằng có đủ cả hai yếu tố nhân lực (dẫn tinh viên) và vật lực (tinh) đóng vai trò quan trọng trong phát triển chăn nuôi bò sữa. Do đó, nhiều chương trình đã cung cấp tinh miễn phí, thậm chí không thu bất kể một khoản phí dịch vụ thu tinh nào. Liệu chính sách này có thực sự hỗ trợ người chăn nuôi? Theo tôi thì câu trả lời là không. Trên thực tế, chính sách này có lẽ còn có tác dụng ngược lại.
 
Quan điểm của tôi hoàn toàn có cơ sở. Chính sách cung cấp tinh miễn phí có ảnh hưởng gì tới bốn yếu tố kể trên? Liệu người chăn nuôi và các dẫn tinh viên có tích cực hoàn thành trách nhiệm của mình trong phát hiện động dục và đảm bảo phối giống đúng thời điểm hay không? Có thể họ quan niệm: Mọi thứ đều miễn phí, không mất tiền, lần này không được thì còn lần sau. Thực tế đã có những trường hợp phải phối giống tới hơn 10 lần.
 
Còn chất lượng thì sao? Liệu người chăn nuôi có dám lên tiếng yêu cầu về chất lượng tinh và chất lượng dịch vụ hay câu trả lời mà họ nhận được từ phía dẫn tinh viên chỉ là: Mọi thứ đều đã miễn phí, anh chị còn đòi hỏi gì! Và vấn đề cuối cùng: Liệu những dẫn tinh viên này có tích cực làm việc hết sức mình hay không? Có lẽ những gì họ nhận được chỉ là một khoản lương nhất định hoặc một khoản thù lao nhất định cho mỗi ca phối giống. Từ những luận điểm trên, tôi có thể kết luận thẳng thừng rằng: Cung cấp tinh miễn phí không thể cải thiện tình hình quản lý sinh sản, thậm chí còn ngăn trở, khiến chúng ta xa rời trọng tâm, sao nhãng những yếu tố quan trọng.
 
Quyền lợi nhãn tiền duy nhất mà người chăn nuôi được hưởng từ chính sách cung cấp tinh miễn phí đó là họ không phải mất một đồng nào. Nhưng thậm chí điều đó cũng không hoàn toàn đúng bởi mỗi chu kỳ bò bị phối giống hỏng cũng có nghĩa là khoảng cách giữa hai lứa đẻ sẽ dài thêm ba tuần mà trong ba tuần đó vẫn phải cho bò ăn uống đầy đủ nhưng lại không có sữa để tạo thu nhập. Như vậy tinh miễn phí không còn đúng nghĩa miễn phí nữa.
 
Vấn đề mấu chốt trong quản lý sinh sản tốt nằm ở chỗ cả người chăn nuôi và dẫn tinh viên phải cùng nhận thấy tầm quan trọng của việc phải làm cho bò có chửa kịp thời và hiểu rằng chính họ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tỉ lệ thụ thai cao. Mục tiêu đặt ra là mỗi năm mỗi cá thể bò phải sinh được một bê con, điều này có nghĩa là bò phải được phối giống thành công trong khoảng ba tháng sau khi đẻ. Thời gian lý tưởng của lần động dục đầu tiên là 40 ngày sau khi đẻ, nhưng có thể muộn hơn, tức khoảng 60 ngày sau khi đẻ.
 
Một khi người chăn nuôi thực sự ý thức được điều này, họ sẽ sẵn sàng trả tiền công 100.000 đồng, thậm chí nhiều hơn cho dẫn tinh viên giỏi sử dụng tinh có chất lượng. Như vậy người dân cũng sẽ có trách nhiệm giám sát, đảm bảo mỗi lần phối giống mà họ phải trả bằng tiền túi phải được tiến hành đúng lúc. Một vài nông dân ở cả hai miền Bắc Nam cũng đã có chung ý kiến trên tại những hội thảo quan trọng cấp quốc gia. Chi phí cho mỗi lần phối giống cũng quan trọng nhưng cái quan trọng nhất là phải đảm bảo bò có chửa đúng lúc. Một điều chắc chắn người chăn nuôi sẵn sàng trả nhiều hơn nếu chất lượng tinh và dịch vụ phối giống cao hơn.
Nguồn: Raf Somers - Cố vấn trưởng Dự án bò sữa Việt Bỉ
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác