Góc nhìn chuyên gia

Thức ăn trong nuôi dưỡng bò sữa
1. Vai trò của thức ăn: Thức ăn của bò sữa, chủ yếu là thức ăn xanh thô. Trong thức ăn xanh thô, trước hết phải nói đến là cỏ tươi. Trường hợp thiếu cỏ tươi, có thể thay bằng lá su hào, cải bắp, cỏ khô loại tốt, cỏ ủ chua và củ quả. Đối với bò sữa, thức ăn nhiều nước có ý nghĩa sinh lý quan trọng vì muốn tạo được một lít sữa phải có 450-500 lít máu vận chuyển các chất dinh dưỡng vào tuyến vú. Củ quả và bã bia là nguồn thức ăn rất tốt cho bò sữa.

Cho ăn bổ sung thức ăn tinh trong nhiều trường hợp là để tăng năng lượng, không phải để tăng lượng protein trong khẩu phần nên phải có thức ăn xanh thô và cho bò ăn tự do.

Còn thức ăn tinh cho ăn trộn lẫn với thức ăn xanh thô (không cho ăn riêng biệt), mới hợp với sinh lý dạ cỏ và hiệu quả sử dụng thức ăn của bò sữa mới cao.

Nhu cầu dinh dưỡng

Được nuôi dưỡng và chăm sóc tốt, bò sinh sản (sữa và thịt) lúc 18-24 tháng tuổi phải đạt khối lượng 180-220 kg ở bò lai Sind và 280-300 kg ở bò lai Holstein Friesian, có thể phối giống chửa lứa đầu, và sau khi đẻ được 2-3 tháng, phối giống trở lại có chửa, thì một đời bò sinh sản sẽ cho nhiều sữa, nhiều thịt hơn.

Vì vậy cần chú ý đảm bảo đầy đủ các nhu cầu của bò sữa, về các chất dinh dưỡng từ lúc còn là bê mới sinh.

a) Protein: Sản lượng sữa và năng suất thịt đạt cao hay thấp là do lượng protein thức ăn quyết định. Nếu thiếu protein, bò sữa gầy yếu, không cho sữa và tăng trọng kém. Để sinh sống, bò cần 0,5g protein cho 1kg khối lượng. Sản xuất được 1 lít sữa, bò cần 60 gam protein từ thức ăn. Khi bò có chửa, cũng cần thêm một lượng protein để nuôi thai.

Những thức ăn giàu protein là cỏ non, cỏ họ đậu, dây lạc, khô dầu lạc, khô dầu đậu tương, bột cá, bã đậu phụ, bã bia v.v

b) Bột đường và mỡ (gluxit và lipit): Là những chất dinh dưỡng cần thiết cung cấp năng lượng cho bò hoạt động và cho sản phẩm. Chất bột đường có nhiều trong bột ngô, bột cao lương, cám, gạo, tấm, khoai lang, sắn.

Chất mỡ cấp năng lượng nhiều nhất, thường gấp 2,5 lần so với protein và bột đường, tuy nhiên đối với bò thường có sự chuyển hoá đường, xơ thành axit béo qua quá trình trao đổi vi sinh trong dạ cỏ.

c) Chất khoáng: Canxi và phốt pho là hai chất không thể thiếu của bò để tạo xương và tiết sữa. Một bò sữa cho 15 lít sữa/ngày cần có 75-85 gam canxi và 60-66 gam phốt pho trong thức ăn. Cho bò ăn thêm bột xương, bột vỏ sò, vỏ hến... có thể bổ sung được lượng canxi, phốt pho. Ngoài ra, bò cần muối ăn mỗi ngày 35- 145 gam tuỳ theo khối lượng và các nguyên tố vi lượng khác như sắt, đồng, kẽm, mangan, côban, iốt... Những chất trên thường có trong cỏ xanh, thân cây ngô xanh, rau, đậu.

d) Vitamin: Bò cần các vitamin thuộc nhóm B, A và D. Vitamin A rất cần thiết để duy trì sức khoẻ và cho sữa. Vitamin A, B có nhiều trong cỏ xanh, cỏ ủ chua, ngô hạt, bí ngô, khoai tây. Vitamin D có nhiều trong các loại thức ăn ủ men, cỏ khô, bã đậu, bã rượu, bã bia. Bò cần được chăn thả ngoài ánh nắng mặt trời để có điều kiện tự tổng hợp vitamin D.

e) Nước uống: Bò thịt, nhất là bò sữa rất cần nước để vận chuyển các chất dinh dưỡng, điều chỉnh thân thiệt và để sản xuất sữa. Hàng ngày bò cần một lượng nước khá lớn bằng khoảng 1/10 khối lượng cơ thể, tức khoảng 50 -60 lít một ngày. Vì vậy cung cấp đủ nước uống cho bò cũng cần như cho nó ăn no vậy.

2. Nguồn thức ăn phân loại

Thức ăn cho bò sữa nói chung không cầu kỳ và khó kiếm như đối với lợn và gia cầm, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng như năng lượng, protein, muối khoáng v.v... bò sữa mới có năng suất sữa cao.

Nguồn thức ăn chủ yếu của bò là cỏ tươi ngoài bãi chăn, cỏ khô, rơm rạ và một vài loại thức ăn xanh thô khác như ngọn lá mía, bã dứa, thân cây ngô, dây lang, dây lạc, các loại bèo, thân cây chuối, lá su hào, cải bắp, mẩu khoai, mẩu sắn v.v..

Đối với bò sữa, trong thời gian vắt sữa ngoài những loại thức ăn xanh thô kể trên, phải cho ăn thêm cỏ trồng, thức ăn tinh (cám gạo, bột ngô, bột gạo...) khô dầu (khô dầu lạc, khô đậu tương, khô dầu dừa, khô dầu hạt bông), củ quả (khoai lang, sắn, bí đỏ) và nhất là thức ăn nhiều nước (bã rượu, bã bia, bã đậu phụ v.v...). Sau đây là một số loại thức ăn chính thường phải gieo trồng chế biến và dự trữ.

2.1. Thức ăn xanh

a. Cỏ voi (Penisetum purpurerum)

Giống cỏ có năng suất cao nhất, thân đứng thuộc họ hoà thảo, rễ chùm, trồng bằng hom, cao cây 1,2 - 1,8 m giống như mía. Năng suất cao, có thể thu cắt 6 - 8 lứa đạt 120 - 180 tấn/năm. Tỷ lệ protein ngang với ngô hạt, trung bình 101 gam/kg chất khô. Thu hoạch lúc còn non (dưới 30 ngày tuổi tỷ lệ protein cao hơn (127g/ kg chất khô). Lượng đường trong cỏ voi, nhất là cỏ voi lai cao hơn nhiều so với các giống cỏ hoà thảo khác, trung bình 70 - 80 gam trong 1 kg chất khô. ở ta hiện nay có các giống cỏ voi napier, kingrass, selecsion 1 thường trồng cắt cho bò ăn tại chuồng hoặc ủ chua dự trữ trong vụ đông và mùa khô.

b. Cỏ pangola (Digitaria decumbens)

Cỏ thân bò, là giống cỏ hòa thảo trồng để chăn thả và cắt phơi khô dự trữ. Cỏ thu hoạch 5- 6 lứa/năm. Sản lượng cỏ xanh đạt 40 - 60 tấn/ha/năm. Sản lượng cỏ xanh đạt 40 - 60 tấn/ha/năm. Lượng protein thấp (7 - 8% chất khô, lượng xơ cao (33 - 36% chất khô) do tỷ lệ lá trong cỏ thấp.

c. Cỏ ghinê (Panicum maximum) còn có tên là cỏ Tây Nghệ An.

Giống cỏ hoà thảo thân bụi, rễ chùm, cao khoảng 0,6 - 1,2 m. Cỏ trồng dùng làm bãi chăn nl~ôi hoặc thu cắt làm thức ăn xanh tại chuồng. Sản lượng khoảng 30 - 50 tấn chất xanh /ha/năm.

Cỏ Ghinê có khả năng chịu hạn và giữ được màu xanh trong vụ đông.

d. Keo dậu (Leucaena leucocephala)

Cây thân gỗ thuộc họ đậu, cao tới 7 - 10 mét, trồng thành rừng để cải tạo đất, chống xói mòn và trồng thành băng lấy lá làm thức ăn xanh cho bò sữa, bò thịt và chế biến thành bột cỏ cho lợn và gia cầm. Năng suất chất xanh bình quân 40 - 60 tấn/ha/năm/ Lượng protein trong lá khá cao (270 - 280 g/kg chất khô), tỷ lệ xơ thấp (15 - 16% chất khô). Tỷ lệ lá keo dậu trong thức ăn xanh thích hợp với bò sữa, là 20 - 25%. Do đó người ta thường trồng xen keo dậu với cỏ voi, cỏ Ghinê tỷ lệ 1/3 - 1/4 để thu cắt làm thức ăn xanh hỗn hợp giàu protein và vitamin nuôi bò sữa.

2.2. Thức ăn thô

a. Rơm

Là thức ăn thô cho bò ở vùng trồng lúa, giá trị dinh dưỡng thấp, nhiều xơ (32 - 34%), nghèo protein (2 -3%), các chất hữu cơ trong rơm tiêu hoá được ít (khoảng 48 - 50%).

Trường hợp nuôi bò sữa, nếu kiềm hoá rơm bằng nước vôi, hoặc ủ rơm với urê, rỉ đường, giá trị dinh dưỡng của rơm sẽ được nâng lên và bò thích ăn.

b. Thân cây ngô sau khi thu hoạch

Là nguồn thức ăn thô cho bò nhiều vùng. Giá trị dinh dưỡng phụ thuộc vào giống ngô và thời vụ thu hoạch. Trong 1 kg thân cây ngô có 600 - 700 gam protein thô và 310 - 320 gam xơ. Đối với bò tỷ lệ tiêu hoá các chất hữu cơ trong thân cây ngô cao hơn so với rơm, trung bình đại 52 - 55%. Tỷ lệ sử dụng và giá trị dinh dưỡng của thân cây ngô sẽ được nâng lên nếu ủ nó với urê và rỉ mật trước khi sử dụng.

c. Cỏ khô

Là nguồn thức ăn thô chính của bò sữa trong vụ đông. Cỏ khô có giá trị dinh dưỡng cao hơn so với các loại thức ăn thô khác. Giá trị dinh dưỡng của cỏ khô phụ thuộc vào thành phần dinh dưỡng của các loại cỏ tươi dùng phơi khô, vào kỹ thuật phơi sấy và điều kiện bảo quản.

Độ ẩm thích hợp trong cỏ khô là dưới 15%, nếu trên 18% cỏ dễ bị mốc, khó bảo quản.

Cỏ tươi non được phơi sấy, sấy khô nhanh có giá trị dinh dưỡng cao hơn cỏ già quá lứa. Cỏ khô từ cỏ bộ đậu có lượng protein, khoáng đa lượng và vi lượng cao hơn cỏ khô từ cây hoà thảo.

2.3. Thức ăn củ quả

Là loại thức ăn dùng tương đối phổ biến trong chăn nuôi bò sữa dễ trồng và cho năng suất cao, gồm có sắn, khoai lang, khoai riềng, khoai sọ, khoai tây, bí đỏ v.v...

Đặc điểm chung của nhóm thức ăn này là nhiều nước, nghèo protein, mỡ, xơ và khoáng, nhưng giàu tinh bột, đường. Các chất hữu cơ trong thức ăn củ quả dễ tiêu hoá và hấp thụ, nên giá trị năng lượng trao đổi của chúng (tính trên chất khô) không thua kém thức ăn hạt.

a. Khoai lang.

Thời gian sinh trưởng tương đối ngắn, trồng được nhiều vụ trong năm, là loại thức ăn củ quả lý tưởng cho bò sữa. Lượng chất khô trong củ quả 270 - 290g/kg, biến động tuỳ theo giống và mùa vụ thu hoạch, độ ẩm của đất và giai đoạn phát triển... Trong củ khoai có nhiều tinh bột và đường (850 - 900 gam/kg chất khô). Khoai lang vỏ đỏ giàu tinh bột hơn khoai bang trắng. Giá trị năng lượng tương đối cao (3100 - 3200 Kcal trong 1 kg chất khô), nhưng nghèo protein (3,5 - 3,6%) và các chất khoáng.

b. Sắn

Được dùng rộng rãi trong chăn nuôi bò sữa bò thịt ở trung du miền núi. Tỷ lệ chất khô, tinh bột trong sắn củ cao hơn khoai lang củ, còn protein, mỡ, khoáng thấp hơn. Trung bình 1 kg chất khô có 22 - 27 gam protein, 3 - 4 gam mỡ, 650 gam tinh bột trong sắn ngọt và 850 gam trong sắn đắng.

Trong sắn tươi có nhiều glucozit - lenamarin dưới tác dụng của các men đường tiêu hoá, phân giải thành axit cyanhydric tự do (HCN) gây độc cho gia súc. Lượng axit cyanhydric trong sắn đắng cao hơn sắn ngọt. Sắn củ thái mỏng phơi khô, hoặc rửa sạch đất ngâm nước 2 - 3 giờ, giảm đáng kể lượng axit cyanhydric, dùng cho bò sữa, bò thịt ăn rất tốt.

c. Khoai tây

Giá trị dinh dưỡng và lượng protein của khoai tây cao hơn khoai lang và sắn. Trong khoai tây có Vitamin B1, B2 và vitamin C. Lượng chất khô trung bình 210 - 240g/kg, protein thô 80 -100g/kg chất khô. Gia súc tiêu hoá chất hữu cơ trong khoai tây rất tốt. Tỷ lệ này ở bò sữa, là 85 - 87%. Khi cho ăn khoai tây sống cần chú ý là ở vỏ khoai và mầm củ có độc tố solanin (400 - 700mg%) có thể gây rối loạn chức năng hệ thần kinh và tiêu hoá, nên khi dùng khoai tây cho bò sữa, cần rửa tróc vỏ và cho ăn loại khoai tươi không mọc mầm.

d. Bí đỏ

Là nguồn thức ăn của người ở nhiều vùng đồng thời cũng dùng làm thức ăn cho bò sữa, bò thịt ở dạng tươi. Bí đỏ có lượng nước cao (88,1% ). Trong một kg chất khô có 101,4 gam chất khoáng, 627 gam dẫn xuất không đạm, đặc biệt, hàm lượng caroten trong một số giống bí đỏ rất cao, tới 70 mg/kg chất khô. Do đó, bí đỏ cùng với khoai lang là nguồn thức ăn củ quả nhiều nước rất tốt cho bò sữa trong giai đoạn tiết sữa.

2.4. Thức ăn hạt

Gồm các hạt của các loại cây hoà thảo và bộ đậu. Hạt hoà thảo giàu tinh bột, là nguồn thức ăn tinh cung cấp năng lượng cho cơ thể. Hạt bộ đậu giàu protein và các axit min không thay thế, là nguồn thức ăn bổ sung protein thực vật cho gia súc, bò sữa bò thịt và gia cầm.

a. Ngô:

Là thức ăn giàu năng lượng. Thành phần chính của ngô là tinh bột, đường, chiếm 80% vật chất khô. Tỷ lệ mỡ trong hạt ngô tương đối cao (4 -6%), chủ yếu tập trung ở mầm ngô. Bột ngô bảo quản khó hơn hạt vì mỡ trong bột ngô dễ bị ôxy hoá. Tỷ lệ protein trong hạt ngô tương đối cao 8 - 12%, xơ 1,5 - 3,5%. Gia súc trong đó có bò sữa, bò thịt và gia cầm tiêu hoá tốt các chất dinh dưỡng trong hạt ngô (trên 90%).

b. Cao lương (Sorghum bicolor)

Là loại cây vùng nhiệt đới, trồng để lấy thân làm thức ăn xanh và lấy hạt làm thức ăn tinh cho chăn nuôi.

Hạt cao lương có lượng protein thấp hơn ngô, nhưng cao hơn thóc. Trong hạt cao lương có 11 - 12% protein thô, 3,0% - 3,1% mỡ, 3,1% - 3,2% xơ, 79 - 80% dẫn xuất không đạm và gần 3000 Kcalo năng lượng trao đổi/kg chất khô.

c. Đậu tương: Là nguồn thức ăn giàu protein (41 - 43% chất khô), mỡ (16 - l8%) và năng lượng trao đổi (3600 - 3700 kcalo/kg chất khô). Đậu tương thường dùng làm thức ăn cho bò sữa ở dạng bã đậu, còn khô dầu và bột đậu tương dành để nuôi các loại gia súc khác như lợn và gia cầm.

d. Lạc: Là cây phổ biến vùng nhiệt đới, có nhiều dầu mỡ: 38 - 40% trong lạc cả vỏ, 48 - 50% trong lạc nhân. Trong chăn nuôi thường sử dụng khô dầu lạc, là nguồn thức ăn thực vật quan trọng. Tỷ lệ protein trong khô lạc nhân là 45 - 50,3%, trong khô lạc ép cả vỏ là 30 -32%. Tỷ lệ xơ tương ứng là 5,7 và 27,2% trong chất khô. Nhược điểm chính của khô dầu lạc là nghèo lysine. Tuy nhiên đối với bò sữa, dùng khô dầu bổ sung vào thức ăn tinh có thể đảm bảo được dinh dưỡng protein cần thiết cho tăng năng suất thịt và sữa.

3. Kỹ thuật gieo trồng một số loại cây thức ăn

3.1. Cỏ voi - Kingrass (Pemsetum Purpureum)

Là loại cỏ thân đứng, sống lâu năm, sinh trưởng nhanh và cho năng suất rất cao khi được trồng ở đất nhiều mùn, tơi xốp, có tầng đất canh tác dày, nhiều ánh sáng. Cỏ phát triển hạn chế ở đất nghèo dinh dưỡng, độ ẩm đất quá cao và không chịu ngập úng. Cỏ trồng để thu cắt chất xanh cho bò ăn tại chuồng và ủ chua làm thức ăn dự trữ trong mùa khô, lạnh.

Thời vụ gieo trồng: Trồng trong mùa mưa nhưng tốt nhất là đầu mùa mưa

Chuẩn bị đất: Cày đất ở độ sâu 20-25 cm, bừa và cày đảo (lần 2) làm tơi đất, vơ cỏ dại và san phẳng mặt đất trồng. Rạch hàng sâu 15-20 cm theo hướng đông-tây; khoảng cách hàng là 60-80 cm.

Phân bón: Đầu tư cho 1 ha cỏ trồng

Phân hữu cơ: 15-20 tấn

Super lân : 250 - 300 kg

Sulfat kali: 150 - 200 kg

Phân đạm urê: 400 - 500 kg

Các loại phân hữu cơ, lân , kali dùng bón lót toàn bộ theo lòng rãnh hàng, phân đạm urea bón chia đều cho các lần thu hoạch trong năm và bón thúc

- Giống: Sử dụng loại thân giống có độ tuổi 80- 100 ngày và được chặt vát thành hom có độ dài 50-60 cm/hom. Mỗi hom có 3-5 mắt mầm. Tốt nhất lấy phần thân bánh tẻ. Sử dụng 7- 10 tấn giống/ha.

- Cách trồng: Đất sau khi rạch hàng và bón phân đầy đủ theo quy định, đặt hom theo lòng rãnh, đặt hom này gối lên nửa hom kia nối tiếp nhau, dùng cuốc lấp kín hom một lớp đất 3-5 cm, đảm bảo mặt đất bằng phẳng sau khi trồng lấp giống.

- Chăm sóc: Sau khi trồng 10-15 ngày, tiến hành kiểm tra tỷ lệ nảy mầm (mầm nhô lên mặt đất). Trồng dặm những chỗ bị chết và làm cỏ phá váng (tránh không làm động thân giống đã trồng). Dùng cuốc làm cỏ dại 2-3 lần trước khi cỏ lên cao phủ kín đất trồng. Dùng 100 kg phân ure/ha bón thúc khi cỏ ở giai đoạn 25-30 ngày tuổi. Sau mỗi lần thu hoạch, lại chăm sóc làm cỏ dại và bón thúc phân urê để cỏ tái sinh lá mới.

- Thu hoạch: Thảm cỏ được thu hoạch khi cỏ được 70-80 ngày tuổi (cây có thân cứng - không thu cắt non lứa đầu). Các lứa tái sinh thu hoạch khi thân cỏ có độ cao 80-120 cm. Tuỳ theo mùa khô hoặc mưa, độ cao cắt gốc để lại khoảng 5 cm. Dùng liệm hoặc dao sắc thu hoạch toàn bộ không để lại cây mầm để thảm có tái sinh mọc lại đều.

3.2. Cỏ Ghinê (Panicum maximum - Guinea grass)

Là loại cỏ sinh trưởng nhanh, phát triển thành cụm khóm, có năng suất cao, có khả năng chịu hạn. Cỏ ghi nê dùng để xây dựng đồng cỏ chăn thả, hoặc thu cắt chất xanh cho ăn tại chuồng. Cỏ có khả năng sinh sản và nhân giống nhanh bằng hạt và bằng thân cụm khóm.

- Thời vụ gieo trồng: Trong mùa mưa nhưng tốt nhất trồng ở đầu mùa mưa để đảm bảo tỷ lệ sống cao.

- Chuẩn bị cày đất: Cày vỡ đất với độ sâu 20 cm, bừa và cày đảo (lần 2), bừa tơi đất, gom sạch cỏ dại và san phẳng mặt đất trồng. Nếu dùng hạt gieo thì phải chuẩn bị đất kỹ hơn, cày bừa nhiều lần đảm bảo đất tơi nhỏ và thời gian chuẩn bị đất phải dài hơn nhằm giảm bớt hạt cỏ dại mọc. Rạch hàng với khoảng 40-50 cm, sau 15 cm (trồng bằng thân khóm) hoặc 7- 10 cm (gieo bằng hạt).

- Phân bón đầu tư cho 1 ha:

Phân hữu cơ 10 - 15 tấn

Super lân 200 - 250 kg

Sulfat kali 100 - 200 kg

Đạm ure 300 -350 kg

Các loại phân hữu cơ, lân, kali dùng bón lót theo hàng. Khi trồng, phân đạm ure bón chia đều cho mỗi lần thu hoạch trong năm và bón thúc.

- Giống: gieo trồng bằng hạt cần 4-6 kg hạt tiêu chuẩn/ha. Trồng bằng thân khóm sử dụng 4-6 tấn/ha và được chuẩn bị như sau: Khóm cỏ ghinê làm giống được xén bỏ phần lá ngọn để lại gốc cao khoảng 25-30 cm. Dùng cuốc đánh khóm cỏ lên, đập rũ đất khỏi gốc rễ, cắt bớt rễ dài để lại còn 4-5 cm. Sau đó tách khóm thành các cụm nhỏ liền khối - đảm bảo mỗi cụm có 4-5 thân nhánh tươi.

- Cách trồng: đất sau khi rạch hàng, bón phân theo quy định, đặt từng cụm giống vào thành hàng rạch với khoảng cách 35-40 cm, dùng cuốc lấp kín 1/2 độ dài của thân giống (phần gốc) và dùng chân dậm chặt đất lấp phần gốc để rễ cỏ tiếp xúc chặt với đất tạo điều kiện độ ẩm, chóng nảy mầm và đạt tỷ lệ sống cao.3

Nếu dùng hạt, gieo rải đều theo hàng rạch và dùng đất nhỏ lấp kín hạt một lớp mỏng hoặc dùng tay khoả đều hạt với đất theo hàng trồng.

- Chăm sóc: Sau khi trồng 15-20 ngày, kiểm tra tỷ lệ sống, những chỗ không có thân mầm xanh mọc thì trồng dặm bổ sung. Nếu là cây con mọc từ hạt thì phải chờ đến khi phân lập rõ (rất dễ nhầm lẫn với cỏ dại mọc) mới chăm sóc cỏ trong hàng và trồng tỉa bổ sung. Chăm sóc làm cỏ dại 2 lần trước khi cỏ phát triển tốt phủ kín mặt đất. Dùng phân ure bón thúc khi thảm cỏ nảy mầm và sau khi làm cỏ dại.

- Thu hoạch: Lứa đầu thu hoạch khi thảm cỏ trồng được 60 ngày tuổi, các lứa tái sinh thu hoạch khi thảm cỏ có độ cao 45-60 cm (tuỳ theo mùa và trạng thái phát dục của cỏ). Phần gốc để lại là 10-15 cm.

Trồng cỏ ghinê để chăn thả thì hai lứa đầu tiên phải thu cắt, đến lứa thứ ba mới đưa bò vào chăn thả. Thảm cỏ chăn thả có độ cao 35-40 cm là hợp lý. Thời gian nghỉ để cỏ tái sinh mọc lại (chu kỳ chăn thả) khoảng 25-30 ngày và thời gian chăn thả gia súc liên tục trên một lô cỏ không quá 4 ngày.

2.3. Cỏ Pangola (Digitaria decumbens)

Là loại cỏ thân bò che phủ mặt đất, sinh trưởng nhanh vào mùa mưa đủ ẩm và có chế độ nhiệt và ánh sáng thích hợp. Mùa khô lạnh cỏ sinh trưởng rất yếu. Cỏ Pangôla trồng làm bãi chăn thả gia súc hoặc thu cắt chất xanh phơi làm cỏ khô dự trữ trong mùa khô, lạnh. Nhân giống bằng thân.

- Thời vụ gieo trồng: đầu mùa mưa là thích hợp

- Chuẩn bị đất: Làm đất trồng cỏ pangola cần được làm kỹ, cày bừa 2-3 lần đảm bảo đất nhỏ, tơi xốp, sạch cỏ dại; mặt đất trồng bằng phẳng và rạch hàng trồng với khoảng cách hàng 50-60 cm.

- Đầu tư phân bón cho 1 ha cỏ trồng

Phân hữu cơ 10 tấn

Super lân 150 -200 kg

Sulfat kali 100 - 150 kg

Dạm urê 250 - 300 kg

Phân hữu cơ, lân, kali dùng bón lót theo hàng rạch trước khi trồng cỏ. Phân đạm ure đùng để bón thúc sau khi gieo trồng và thu hoạch (tập trung vào thời gian mùa mưa trong năm).

- Giống: Trồng bằng thân hom, cỏ giống có độ tuổi 75-90 ngày, được cắt thành hom có độ dài 35-40 cm (xén bỏ phần lá ngọn). Dùng 1,2 -1,5 tấn giống/ha gieo trồng.

- Cách trồng: Đất sau khi đã rạch hàng và bón phân theo quy định, cỏ giống được đặt thành từng khóm áp về một phía thành của hàng rạch tạo góc xiên 35-400. Đặt khóm cách nhóm 15-20 cm (phía gốc ở dưới và phía ngọn ở trên). Trong mỗi khóm có 4-6 thân hom giống, dùng cuốc lấp đất phủ kín 2/3, để hở 1/3 chiều dài hom trên mặt đất; dậm nhẹ đất trên phần thân hom được lấp để tránh khô hom giống, nhưng cũng không làm dập thân giống.

- Chăm sóc: Kiểm tra nảy mầm và trồng dặm sau 10 -15 ngày. Sau khi trồng 2-3 tuần tiến hành diệt cỏ dại, xới phá váng. Cần chăm sóc làm cỏ dại hai lần trước khi cỏ pangola phát triển che phủ đất trồng. Dùng phân đạm bón thúc khi ruộng cỏ có màu xanh và tái sinh ra lá mới.

- Thu hoạch: thu hoạch lứa đầu khi cỏ được 70-75 ngày tuổi, đã phủ kín mặt đất. Thảm cỏ dầy đặc. Các lứa cắt tát sinh thu hoạch khi thảm cỏ có độ cao 40-50 cm (để thu cắt) và 25- 30 cm (để chăn thả). Thảm cỏ pangola thu cắt làm cỏ khô khi 70-80 ngày tuổi (cần lưu ý khi điều kiện thời tiết thuận lợi để phơi cỏ). Độ cao cây khi thu hoạch còn lại 10 cm là thích hợp cho thảm cỏ tái sinh mọc lại.

3.4. Cây keo dậu (Leucaena leucocephala)

Keo dậu còn có tên là bình linh (miền Nam), quả dẹp (miền trung). Một số nơi còn gọi là me dại.

Keo dậu là cây phổ biến ở các nước nhiệt đới. Các nước xung quanh Việt Nam đều đã trồng và sử dụng làm thức ăn xanh giàu protein cho gia súc.

Keo dậu có 3 loại hình chủ yếu:

- Loại Shalvador: Cây cao 20 cm. Hàng năm ra hoa 1 lần, ít kết hạt. Cây có tiềm năng khai thác gỗ và lấy lá làm thức ăn gia súc. Hiện nay Viện Chăn nuôi đã có 2 giống tốt của loại này.

- Loại Pêru: Cây cao 10m. Hàng năm ra hoa 2 lần, kết hạt nhiều. Cây phân cành sớm, bộ lá xum xuê. Loại hình này được nhiều nước sử dụng làm thức ăn gia súc và lấy củi, làm bột giấy ... Hiện nay Viện chăn nuôi đã có 3 giống tốt, trong đó giống lai Cunningham là tốt nhất, đang nhân giống mở rộng diện tích.

- Loại Hawai: Cây cao 5m, ra hoa liên tục, hạt rất nhiều. Cây ít lá, thường người ta dùng làm cây phủ đồi để lấy củi. Năng suất chất xanh của loại Hawai chỉ bằng nửa loại Peru hay Shalvador.

Kỹ thuật gieo trồng

Chọn đất: Đất thoát nước, ít chua (pH = 5,5 - 7)

Làm đất: Cày bừa và làm đất bình thường như các loại đậu đỗ khác. Lên luống rộng 3m. Trên luống rạch hàng cách nhau 70-80 cm.

Bón phân: Nếu có phân chuồng, bón theo hàng 10 tấn/ha, phân lân nung chảy 300 kg/ha. Phân lân và ka li bón trước khi cày bừa lần cuối hoặc hàng năm bón một lần vào đầu mùa xuân.

Hạt giống: hạt giống gieo cho 1 ha là 20 kg. Hạt cần được xử lý trước khi gieo theo phương pháp sau:

+ Ngâm ướt hạt bằng nước lã

+ Đổ nước sôi 90- 1000C với lượng nước gấp 2 lần hạt vào hạt đã làm ướt. Giữ cho nhiệt độ ổn định ở 80-850C (nóng rát tay) trong 4-5 phút.

+ Gạn hết nước, đổ thêm nước lã ngập hạt, ngâm tiếp 6- 10 giờ. Nếu hạt còn ướt quá, trộn thêm đất bột hoặc tro để gieo cho dễ. Nếu đất khô thời tiết không thuận, sau khi xử lý hạt bằng nước nóng 4-5 phút, đổ ra phơi khô ngay, và bảo quản nơi khô ráo. Khi thời tiết thuận lợi đem gieo, không cần xử lý nữa. Hạt đã xử lý không thể để quá 1 tháng. Trường hợp không bảo quản có thể giâm hạt (2 hạt) vào bầu.

Gieo hạt: Hạt đã xử lý, gieo thành hàng đã rạch sâu 7-10 cm, lấp sâu 4-5 cm (không quá sâu). Với lượng hạt 20 kg hạt khô/ha, trung bình 1 m gieo 20 hạt để khi cây 4 tháng tuổi có 10 cây/m. Nếu trồng bằng bầu, cây cách cây 10m.

Chăm sóc: Sau khi gieo hạt 7-10 ngày cây mọc đều. Nếu cây bị chết cần gieo dặm. Sau khi cây mọc 15 ngày làm cỏ đợt đầu. Xới đất giữa hàng, nhổ cỏ trong hàng. 20 ngày sau làm cỏ đợt đầu, làm cỏ lần 2 (chủ yếu xới cỏ giữa 2 hàng) không cần thật hết cỏ, chỉ cần ức chế cỏ dại tạo điều kiện cho keo dậu sinh trưởng

Sau 2 tháng, cây con mọc khoẻ: nếu còn cỏ dại nhiều, cần xới cỏ tiếp, tạo điều kiện cho keo dậu lấn át cỏ dại

Chú ý: keo dậu mọc chậm ở thời kỳ đầu, nên cần làm cỏ để sau 2 tháng, cây sinh trưởng nhanh lấn át được cỏ dại.

Thu hoạch: khi cây cao 1,5m - 1,6 m thu hoạch lứa đầu. Thông thường, để đạt độ cao này thường mất 4-5 tháng tuỳ đất. Khi thu hoạch để chừa gốc 70 cm. Các lứa tiếp sau, 40-50 ngày (nhánh tái sinh 60-70 cm). Lứa sau cắt chừa lại cành mới tái sinh 5cm.

Chế biến và sử dụng: Có thể sử dụng cho bò ăn tươi (đoạn dài 50-60 cm), lượng ăn cho 1 bò sữa, bò thịt là 10- 12 kg, chiếm 20-25% lượng thức ăn xanh/ngày. Cho ăn lẫn cùng với các loại thức ăn xanh thô khác.

Có thể phơi khô, tách lấy lá làm bột cỏ theo cách sau:

Cành keo dậu đã cắt, có thể để lại tại ruộng trên hàng cây đã cắt qua 1 ngày cho bớt nước, sau đó gom lại đưa về sân phơi mỏng, trở đều, tạo điều kiện cho lá khô nhanh. Gặp thời tiết thuận lợi, chỉ phơi đập mạnh, lá rụng hết. Có thể lẫn một số cuống lá. Khi gom lá lại, cần loại bớt cuống lá. Khi lá khô có thể đem nghiền bằng loại máy nghiền thông thường (loại 3,8 KW). Tuỳ yêu cầu độ mịn có thể cho qua lỗ sàng 1-1,5mm.

Nếu dự trữ lượng lá hoặc bột để dành cho mùa đông cần bảo quản trong túi nylon, bên ngoài là bao tơ dứa đen (tránh ánh sáng làm mất màu xanh).

Chất lượng: Lá keo dậu tươi có 18% protein thô. Chất khô 25%. Đây là loại thức ăn xanh rất tốt cho bò sữa, bò thịt.

Bột lá keo dậu có hàm lượng prrotein trung bình 25%, độ ẩm 12%, xơ 10%. Đối với bò sữa, bò thịt có thể trộn vào thức ăn tinh 1 - 1,5 kg bột/ngày/con. Bò sữa được ăn keo dậu năng suất sữa tăng trung bình 10- 15%. Khi cho gà đẻ trứng, gà thịt ăn lượng 3% trong khẩu phần có ngô trắng và 1-1,5% trong khẩu phần có ngô đỏ, lòng đỏ trứng có màu vàng sáng: da, chân và mỡ gà có màu vàng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, làm tăng giá trị sản phẩm (giá bán) lên 10%.

Một năm, keo dậu cắt được 4-5 lứa. Mùa khô, keo dậu thường bị rệp gây hại nặng kéo dài từ tháng 1 đến tháng 5. Thường không cần phun thuốc, vì rệp phá liên tục, phun thuốc không đạt hiệu quả kinh tế. Khi có mưa rào, rệp chết, cây tiếp tục sinh trưởng rất mạnh. Keo dậu sử dụng được nhiều năm. Thường chu kỳ thu hoạch là 5-6 năm mới phải trồng lại. Hàng năm từ năm thứ 2 trở đi chỉ cần làm cỏ bón phân 1 lần vào vụ xuân.

4. Kỹ thuật chế biến, sử dụng thức ăn

4.1. ủ xanh thức ăn (giống nguyên lý muối dưa cải nén chặt và đậy kín)

Là loại thức ăn xanh được cắt ngắn cho vào bể hoặc hố ủ đầm nén thật chặt, tạo môi trường yếm khí, để lên men nhẹ và lấy cho bò ăn dần trong vụ đông.

Thức ăn ủ xanh giữ được chất dinh dưỡng của nguyên liệu ủ. Bò sữa, ăn ngon miệng và cỏ dễ tiêu hoá.

Kỹ thuật ủ xanh

- Nguyên liệu ủ:

+ Có thể ủ xanh cỏ tự nhiên, cỏ trồng như cỏ voi, cỏ Ghinê, thân cây ngô bắp ngậm sữa, thân cây ngô sau thu bắp còn tươi v.v...

+ Cỏ non nên cắt vào thời điểm trước khi ra hoa, không quá non chứa nhiều nước khó ủ, cũng không để quá già. Nếu là cỏ trồng nên thu cắt sau 45 ngày. Có thể ủ nhiều loại cỏ với nhau. Cỏ họ đậu nên ủ chung với cỏ voi hoặc thân cây ngô sau thu bắp.

+ Các nguyên liệu bổ sung: rỉ đường 2 -4%, muối 1 -2% so với khối lượng cỏ tươi.

- Hố ủ:

Tính theo số lượng bò nuôi và lượng cỏ cần dự trữ cho vụ đông và mùa khô mà chuẩn bị hố ủ. Một bò sữa, bò thịt bình thường có thể ăn 10 - 12kg cỏ ủ/ngày. Hố ủ 1m3 ủ được 750 - 800 kg cỏ. Căn cứ vào định mức trên chủ hộ chăn nuôi có thể tính toán kích thước hố ủ: hố ủ hình khối hoặc hố ủ hình trụ (giống như cái giếng).

Chọn chỗ đất cứng cao ráo xây hố ủ, có thể xây bằng gạch trát xi măng. ở đây hố ủ cần có rãnh dốc để thoát nước ủ ra ngoài khi cần thiết.

Hố ủ không nên xây sâu xuống lòng đất, sẽ gặp khó khăn khi lấy thức ăn cho bò ăn. Tốt nhất chiều sâu hố khoảng 1 m, phần nổi trên mặt đất khoảng 1/4 (hố nửa nổi nửa chìm), còn các kích thước khác như chiều dài, chiều rộng (hoặc đường kính) hố ủ tuỳ theo khối lượng thức ăn xanh cần ủ để quyết định.

- Kỹ thuật ủ:

+ Chuẩn bị hố ủ: đáy hố ủ lót một lớp rơm đã cắt nhỏ, dày 10 cm để hút nước cỏ ủ.

+ Cho cỏ vào hầm ủ:

Đây là khâu kỹ thuật quan trọng, quyết định chất lượng cỏ ủ về sau. Công việc này phải làm xong trong ngày, không để qua ngày khác.

Cỏ cắt ngắn 5 -10 cm, nếu cỏ có tỷ lệ nước cao trên 75% đem phơi héo hoặc bổ sung rơm, bã mía cắt ngắn 5 -15%. Trường hợp cỏ ủ quá khô, dùng lượng nước hoà rỉ đường (1 - 2%) tưới vào cỏ cho đủ độ ẩm 65 - 70%.

Cho vào hố ủ một lớp cỏ dày 20 -30cm, rồi rải đều một lớp muối và rỉ đường. Nếu rỉ đường quá đặc có thể pha với một ít nước cho dễ trộn lẫn vào cỏ. Dùng xẻng, cào sắt trộn đều và nén chặt. Lại cho tiếp một lớp cỏ mới, dày 20 - 30cm cộng với muối ăn và rỉ đường như đã thao tác ở trên cho đến khi được 1/3 hố ủ, thì đầm nén cỏ cho thật chặt, nhất là xung quanh thành hố ủ. Có thể dùng xẻng và chân dậm cho cỏ được nén chặt.

Tiếp tục cho cỏ và đầm nén chặt cho đến khi cỏ ủ đầy và cao hơn thành hố ủ 30 cm, tổ chức đầm và nén thật chặt ở thành hố ủ và bề mặt của hố ủ.

Có thể dùng máy kéo công nông đầm nén đối với các hố ủ lớn, còn đối với các hố ủ nhỏ 1 - 2m3, có thể nén bằng chân, nhưng cần được nén kỹ. Lớp cỏ ở giữa bao giờ cũng cao hơn xung quanh.

Trên cùng phủ một lớp rơm dày 15 - 20cm. Phủ nylon, chú ý chèn nylon xung quanh thành. Dùng đất sét hoặc đất bùn phủ một lớp dày 20 cm trên cùng, tiếp là xếp những tảng đá nặng lên trên.

+ Chú ý ủ thức ăn vào hố ủ xong trong ngày, không để qua ngày khác, do đó phải tính toán dự trù đủ nguyên liệu để ủ.

Hố ủ cần có mái che mưa. Tuyệt đối giữ không để nước mưa thấm vào cỏ ủ.

- Dùng thức ăn ủ xanh cho bò ăn

Có thể lấy cho bò ăn khi ủ được hai tháng. Cỏ ủ tốt là cỏ có mùi thơm, màu vàng xanh của dưa cải muối, không mềm nhũn, không quá chua mùi dấm, không bị mốc và có thể dự trữ được nhiều tháng.

Lấy thức ăn ủ xanh cho bò ăn cần lấy lần lượt từ đầu này sang dầu kia (lấy từng lớp một) hoặc xắn cỏ theo chiều sâu từ trên xuống dưới. Chú ý không mở rộng miệng hố, không khí vào nhiều làm thẫm màu.

Lấy cỏ xong, đậy ngay nylon lại cho thật kín.

4.2. Chế biến cỏ khô

Cỏ tạp trong tự nhiên hay cỏ trồng thân bò nhất là cỏ pangola, cỏ Ghinê đều có thể phơi làm cỏ khô dự trữ cho vụ Đông ở miền Bắc và mùa khô ở miền Nam.

Thường thu hoạch cỏ tươi phơi khô vào cuối tháng chín đến đầu tháng 11 là những tháng cuối mùa mưa thời tiết thích hợp cho chế biến cỏ khô. Cỏ sau khi cắt, phơi ngay trên bãi cỏ trong thời gian 3 - 4 nắng đảo 2 - 3 lần, cỏ khô đều, tỷ lệ nước còn 15 - 18%, có thể đóng bánh hoặc đánh đống dự trữ được lâu.

Tuy nhiên, trong thời gian có mưa, cỏ tái sinh nhanh hơn so với tháng 9 tháng 10, thu hoạch được nhiều lứa và nếu thu hoạch làm cỏ khô, sản lượng cỏ khô/ha đồng cỏ sẽ cao hơn nhiều. Kinh nghiệm cho thấy: theo dõi thời tiết biết trong tuần không có mưa, trời nắng, có thể cắt cỏ đầu tuần phơi khô trong 2 - 3 nắng , là có thể đánh đống hoặc đóng bánh cho vào kho dự trữ.

Khi phơi cỏ khô, nếu gặp trời mưa, nước mưa sẽ rửa trôi các chất dinh dưỡng, đồng thời các nấm mốc và vi sinh vật khác sẽ phát triển làm giảm chất lượng cỏ khô. Do đó, việc theo dõi thời tiết để quyết định thời điểm cắt cỏ phơi khô là rất cần thiết.

Cỏ phơi khô loại tối giữ được màu xanh, ánh vàng, có mùi thơm, bò rất thích ăn. Có thể cho bò sữa ăn cỏ khô tự do. 1kg cỏ khô có thể thay được 3 - 4kg cỏ tươi.

4.3. ủ rơm khô với urê

Là biện pháp bổ sung nitơ phi protein vào rơm khô.

- Hố ủ: có thể dùng hố nửa nổi nửa chìm như hố ủ thức ăn xanh, có thể xây bể nổi hoặc ủ trong bao nylon dày hoặc ủ thành cây rơm, xung quanh có nylon dày bao phủ kín, có dây buộc chặt.

- Cách ủ:

+ Cân rơm mỗi lần 10kg, rải đều vào nơi ủ, mỗi lớp dày 20cm.

+ Dùng bình tưới rau (ô doa) chứa đúng 10 lít nước cân đúng 400 g urê (tỷ lệ là 4%) hoà urê vào bình tưới, khuấy trộn đều cho đến khi urê hoà tan hết vào nước.

+ Tưới nước đã pha urê vào rơm, cứ mỗi lớp rơm 10kg rơm thì tưới 10 lít nước. Nếu rơm tươi ướt thì chỉ tưới 6 - 7 lít nhưng vẫn đủ 400g urê.

+ Dùng chân dậm chặt rơm (có thể đi ủng sạch) nhất là các góc bồn hố ủ.

+ Rải tiếp 10 kg rơm. Lập lại các động tác như trên cho đến khi đầy hố ủ và hết rơm.

+ Phủ vải cao su hoặc nylon lên kín bề mặt rơm, nhét kỹ vải cao su hoặc nylon nơi thành hố ủ và các góc để giữ kín hơi. Không cho nước mưa và gió lọt vào.

+ Sau 7 ngày ủ, bắt đầu lấy cho bò ăn và ủ tiếp rơm mới vào bồn, hoặc bể thứ hai. Một hò sữa bò thịt một ngày có thể ăn 9 - 10kg rơm kết hợp với ăn cỏ xanh hoặc chăn thả ngoài đồng. Lúc đầu bò ăn ít, sau 2 - 3 ngày bò sẽ ăn quen và lượng tăng lên dần.

Chú ý: khi cho bò ăn rơm ủ urê phải chú ý cho bò uống đủ nước: 20 lít/con/ngày. Mùa khô cho bò uống nước tăng gấp 2 -3 lần.

Tuyệt đối không cho bò ăn trực tiếp urê.

4.4. ủ rom khô với urê và rỉ đường.

Tỷ lệ rơm, urê, nước cũng giống như trên nhưng thêm rỉ mật đường, 40 kg rỉ đường cho 1 tấn rơm. Rỉ mật giúp cho quá trình lên men tốt hơn, ngoài ra còn cung cấp thêm lượng đường cho bò. Rơm ủ có thêm rỉ đường mùi thơm hơn, ít hăng, vị ngọt, bò sữa thích ăn và ăn được nhiều. Giá trị dinh dưỡng của rơm ủ vì vậy cũng cao hơn.

Cách ủ hoàn toàn giống như trên, chú ý sao cho urê, rỉ mật đường hoà tan đều trong nước.

4.5. ủ rơm khô với vỏ và bã dứa

Vỏ dứa và bã dứa nhất là vỏ dứa tươi không thể cho bò ăn nhiều vì bò bị rát lưỡi, do đó phải ủ vỏ dứa 2 - 5 ngày cho vỏ dứa có vị chua thì mới hết rát lưỡi. Nhưng trong quá trình ủ vỏ dứa dịch chứa nhiều chất dinh dưỡng sẽ chảy đi rất phí; vì vậy cần kết hợp ủ vỏ dứa với rơm, rơm khô háo nước sẽ hút chất dinh dưỡng từ vỏ dứa và dưới tác dụng của vỏ dứa rơm cũng mềm ra, bò dễ ăn.

Kỹ thuật ủ tương tự như trên: sắp một lớp rơm rồi tới một lớp vỏ dứa, cứ thế cho đến hết, rồi phủ kín bằng bao nylon, sau 5 - 7 ngày lấy ra cho bò ăn.

Chú ý: Cách ủ này đòi hỏi phải nén rất chặt và đậy rất kín, có thể phủ thêm một lớp đất dày 10cm bên trên. Cho ăn sau 10 ngày. Công việc ủ phải hoàn thành trong 1 ngày để tránh hỏng.

4.6. Kiềm hoá rơm

Qua kiềm hoá, tế bào xơ trong rợm bị phá vỡ, nhờ đó tỷ lệ tiêu hoá xơ của rơm từ 53% tăng lên 60%.

Công thức kiềm hoá tính theo trọng lượng rơm khô với 6% vôi và 60% nước, nghĩa là cứ 100 kg rơm khô dùng 6 kg vôi và 60 lít nước.

Cho rơm cắt ngắn 6- 10cm vào bể xi măng, hoà nước vôi và đảo trộn đều trong 3 ngày (mỗi ngày đảo 2-3 lần). Sau đó vớt rơm lên giá nghiêng để chảy hết nước vôi. Dùng nước rửa sạch vôi, hoặc cho bò ăn ngay, hoặc phơi khô cho bò ăn dần. Mỗi ngày, bò có thể ăn được 7- 10 kg.

4.7. Sản xuất tảng liếm rỉ mật - urê

- Nguyên liệu và công thức:

Rỉ mật mía (30% chất khô): 40 -50%

Urê: 10%

Muối ăn: 5%

Chất đệm (cám gạo loại 2, cám mì): 25%

Chất kết dính (vôi sống và xi măng): 5 - 10%

- Khuôn ép và khối lượng mẫu:

Kích thước khuôn làm bằng gỗ hay bằng sắt

Loại 5 kg: Dài 200mm

Rộng 200mm

Cao 170mm

Loại 10 kg: Dài 250mm

Rộng 200mm

Cao 200mm

Có thể dùng khuôn bê tông kích thước mỗi khuôn là 2m x 3m x 0,2m (tương đương 1.200kg).

Sau đó cắt nhỏ 250 x 200 x 200 mm (tương đương 10kg).

- Định lượng các thành phần nguyên liệu:

Tuỳ theo khối lượng thức ăn cần sản xuất, có thể định lượng các thành phần nguyên liệu theo công thức trên thành

các mẻ trộn 100kg, 200kg, 1000kg.

- Dụng cụ trộn:

Thùng trộn: Có thể làm bằng sắt hoặc xây bằng gạch có chiều cao 0.5 m và dung tích phù hợp với mẻ trộn cần thiết.

Dụng cụ trộn: xẻng, cào đảo, gậy khuấy, nếu có dầm dùi chạy điện càng tốt.

Các dụng cụ khác để xúc chứa, vận chuyển.

- Trình tự phối hợp:

Bước 1:+ Rỉ mật - urê - muối

+ Khuấy kỹ cho hoà tan hết urê - muối vào rỉ mật. Mùa đông, trời lạnh nhiệt độ thấp, có thể hâm nóng rỉ mật để dễ khuấy tan urê.

Bước 2: + Chất đệm - kết dính

+ Trộn thật đều chất kết dính với chất đệm

Bước 3: + Đổ bán thành phẩm bước 2 vào bán thành phẩm ở bước 1

+ Khuấy đảo nhanh tay, liên tục (không được dừng), cho tới khi được một hỗn hợp dẻo mịn, có nhiệt độ 30 - 350C.

+ Thời gian trộn khoảng 15 - 20 phút.

- ép khuôn:

+ Tuỳ theo khuôn đã chọn, dùng xẻng xúc hỗn hợp đổ vào khuôn.

+ ép mạnh từ phía trên (như ép gạch xỉ) và kết hợp xỉa đều (nhất là xỉa xung quanh) để loại trừ các khe hở, lỗ hổng tạo sự liên kết đều, liên tục, không xốp. Với khối lượng lớn có thể dùng dầm dùi để xỉa.

Chú ý: phải làm nhanh tay, liên tục để lợi dụng nhiệt của hỗn hợp 30 - 350C tạo khối liên kết tốt nhất.

+ Để nguyên cho hỗn hợp tự khô trong khoảng 10 - 15 giờ (cách một đêm, sau đó tháo khuôn). Nếu là khuôn lớn, thì dùng dao dây (như là loại dao cắt đất) cắt thành những tảng nhỏ 10kg hoặc 5kg.

- Bao gói và bảo quản

Nếu dùng ngay, thì chỉ cần lót mỗi tảng liếm một miếng giấy.

Gói bằng giấy xi măng hoặc trong giấy đóng bao thức ăn hỗn hợp, có thể bảo quản trong kho trên 6 tháng.

4.8. Kết quả sử dụng ngọn lá sắn ủ chua làm thức ăn cho gia súc

ước tính hàng năm ở nước ta có khoảng hơn 1 triệu tấn ngọn lá sắn tươi sau khi thu hoạch củ, còn ít được sử dụng làm thức ăn gia súc. Ngọn lá sắn tuy giàu protein (18-20% protein tính trong chất khô) nhưng lại chứa độc tố xyanoglucoxit làm gia súc chậm lớn hoặc có thể gây chết khi có hàm lượng cao. Nhưng khi chế biến bằng phương pháp ủ chua đã làm giảm rõ rệt hàm lượng độc tố (bảng 1)

Bảng 1: ảnh hưởng của phương pháp ủ chua đến hàm lượng độc tố axit xyanhydric trong ngọn lá sắn

Các phương thức chế biến

Hàm lượng HCN (mg/kg chất khô)

- Ngọn lá tươi

862,5

- Ngọn lá ủ chua

32,5

- Ngọn lá ngâm, rửa trong 3 ngày

467,0

- Bột lá sắn

90,2

Theo quy định của Cộng đồng Châu âu thì thức ăn hỗn hợp cho gia súc chỉ được phép chứa thấp hơn 60mg HCN, như vậy hàm lượng này ở ngọn lá sắn ủ chua là rất thấp. Rõ ràng phương pháp ủ chua vừa đơn giản vừa dự trữ được lâu, vừa làm giảm mạnh mẽ hàm lượng HCN. Kết quả sử dụng lá sắn ủ chua nuôi bò sữa:

Bảng 2: ảnh hưởng của khẩu phần có ngọn lá sắn ủ chua đến năng suất sữa của bò thí nghiệm

Chỉ tiêu

Lô 1: Ngọn lá sắn ủ thay thế 60% cỏ xanh

Lô 2: Ngọn lá sắn ủ thay 100% cỏ xanh

Yếu tố thí nghiệm:

- Ngọn lá sắn ủ chua (kg/con/ngày)

14,5

22,7

- Cỏ xanh (kg/con/ngày)

11

0

Năng suất sữa (kg/con/ngày)

- Giai đoạn chuẩn bị (15 ngày)

14,0

14,2

- Giai đoạn thí nghiệm (60 ngày

14,7

14,6

Tiêu tốn năng lượng trao đổi (Kcal/kg sữa)

2132

2216

Mỗi lô gồm 5 bò sữa (Holstein x lai sind) lúc bắt đầu thí nghiệm bò vắt sữa ở tháng thứ 2 và 3. Cả 2 lô bò cùng được ăn 0,3 kg thức ăn tinh tính cho 1kg sữa và 12kg bã bia hàng ngày cho 1 bò mẹ. Kết quả ở bảng 2 cho thấy có thể thay thế 60% cỏ xanh hoặc 100% cỏ xanh bằng lá sắn ủ chua trong khẩu phần cho bò sữa, năng suất sữa vẫn đạt khá cao và chất lượng sữa vẫn tốt. Mặt khác giá tiền chi phí thức ăn để sản xuất 1kg sữa ở lô thay thế hoàn toàn cỏ xanh bằng lá sắn ủ chua đã thấp hơn lô chỉ thay thế 60% cỏ xanh là 11,3%.

3.9. Kết quả nghiên cứu sử dụng thân cây lạc ủ chua làm thức ăn gia súc

Hàng năm nước ta có gần 12 triệu tấn thân cây lạc tươi, nhưng phần lớn khối lượng này được bỏ lại ngoài đồng làm phân bón, 1 phần nhỏ được dùng làm chất đốt. Lạc chiêm là vụ lạc chính, thường thu hoạch vào tháng 6 tháng 7 hàng năm, đúng vào mùa mưa nên thân cây lạc rất khó thảo quản vì cây lạc giàu protein rất dễ bị nấm mốc và vi sinh vật phân huỷ. Nghiên cứu ủ chua để dự trữ thân cây lạc đã được tiến hành tại Viện Chăn nuôi và thu được kết quả tốt. Độ pH của cây lạc ủ chua đạt 4,3-4,5: hàm lượng axit lactic đạt khá cao 2,8%. Kết quả thí nghiệm sử dụng thân lá cây lạc nuôi bò sữa:

ảnh hưởng của khẩu phần có thân lá lạc ủ chua đến sản lượng sữa của bò

Chỉ tiêu

Lô 1

Lô 2

Giai đoạn thí nghiệm 1

- Yếu tố thí nghiệm

ăn cỏ xanh

ăn cây lạc ủ chua

- Năng suất sữa (kg/con/ngày)

+ Giai đoạn chuẩn bị (15 ngày)

8,6

8,5

+ Giai đoạn thí nghiệm (45 ngày)

8,4

8,9

- So sánh với năng suất sữa ban đầu (%)

97,7

104,7

- Tiêu tốn năng lượng trao đổi (Kcal/kg/sữa)

Giai đoạn thí nghiệm II (đảo lô)

- Yếu tố thí nghiệm

ăn cây lạc

ăn cỏ xanh

- Năng suất sữa (kg/mg/con)

+ Giai đoạn chuẩn bị (15 ngày)

8,1

8,7

+ Giai đoạn thí nghiệm (45 ngày)

8,2

8,0

- So sánh với năng suất sữa ban đầu (%)

101,0

92,0

- Tiêu tốn năng lượng trao đổi (Kcal/kg/sữa)

2557

2613

Mỗi lô thí nghiệm có 13 bò sữa. Cả 2 lô cùng được ăn 5,8kg sắn củ; 3,5 kg thức ăn tinh (gồm bột sắn 50%, cám gạo 25%, ngô 24%, premix khoáng 1%), nhưng 1 lô bò được ăn 32 kg cỏ xanh còn lô kia được ăn thân lá lạc ủ chua ăn tự do (nhưng thực tế ăn được hàng ngày là 8,5kg) và 14kg cỏ xanh. Như vậy ở cả 2 giai đoạn thí nghiệm lô bò ăn cây lạc ủ chua đều cho năng suất sữa khá cao, mặc dù cây lạc đã chiếm 39% năng lượng toàn khẩu phần, đồng thời giá tiền chi phí thức ăn đã giảm đi 18%.

Nguồn: vcn.vnn.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác