Hỗ trợ kỹ thuật

Bò sữa, sữa bò và tiêu chuẩn quốc tế
Có ý kiến lạc quan cho rằng sữa tươi trong nước vẫn cạnh tranh được với sữa nhập. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia am hiểu lại không lạc quan như thế, bởi sức cạnh tranh chủ yếu là ở chất lượng.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) ít nhất đã có 10 tỉnh tạm dừng phát triển bò sữa vì không đạt hiệu quả kinh tế. Điều này từng được cảnh báo khi khởi phát chương trình bò sữa năm 2002.

Lúc đó, nhiều người hào hứng với bài toán trên giấy rằng một con bò một ngày cho 20 - 25kg sữa với giá mỗi kg trên 4.000 đồng thì dân nghèo Việt Nam chẳng mấy chốc đổi đời.

Cùng lúc, đã có ý kiến cảnh báo là một con bò muốn thành một nhà máy sản xuất sữa mi-ni như thế phải có công nghệ chăn nuôi hiện đại và nhiều dịch vụ đi kèm.

Chỉ riêng thức ăn, nếu không đúng chuẩn thì bò làm sao có sữa mà vắt? Cả việc đem sữa đến nhà máy, nếu nhỏ lẻ không khéo tiền vận chuyển cao hơn tiền bán sữa.

Tư duy phong trào là nguyên nhân chính gây phá sản chương trình bò sữa ở nhiều địa phương. Lẽ ra phải tập trung xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng thì nhiều địa phương chỉ lo phát triển số lượng, dùng mệnh lệnh hành chính để tăng số hộ nông dân nuôi bò sữa, thậm chí tập trung cho hộ nghèo.

Một kế hoạch sản xuất lớn được xây dựng trên cơ sở đang lúng túng cả đầu vào lẫn đầu ra. Kết quả, không giúp được nông dân thoát nghèo mà có nơi lại đẩy nông dân vào nợ nần, khó khăn hơn. Lãng phí xã hội rất lớn.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), hiện cả nước có khoảng 106.000 con bò sữa trị giá hơn 100 triệu USD, thêm chừng đó nữa đầu tư cho chuồng trại, trồng cỏ và chi phí khác.

Các nhà máy chế biến sữa phần lớn lại chỉ lo nhập sữa bột về khuấy thành “sữa tươi” đem bán, gián tiếp làm phá sản chương trình bò sữa. Lối làm ăn xổi này còn trực tiếp để hậu quả xấu cho bản thân các nhà máy chế biến sữa.

Khi Việt Nam gia nhập WTO, thuế nhập khẩu sữa tươi sẽ giảm, một kg sữa tươi nhập khẩu đến Việt Nam còn khoảng 4.800 đồng. Trong lúc, theo quyết định tăng giá mua mới đây của Cty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) thì giá một kg sữa trong nước là 4.300 đồng.

Có ý kiến lạc quan cho rằng sữa tươi trong nước vẫn cạnh tranh được với sữa nhập. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia am hiểu lại không lạc quan như thế, bởi sức cạnh tranh chủ yếu là ở chất lượng.

Sữa tươi nhập khẩu có hàm lượng chất béo, chất thô cao hơn sữa tươi trong nước và được cung cấp số lượng lớn, ổn định. Bên cạnh, chi phí chế biến và lưu thông của các nhà máy chế biến sữa nước ta rất cao, mỗi kg xấp xỉ 10.000 đồng.

Tóm lại, đàn bò sữa lẫn các nhà máy chế biến sữa của nước ta sẽ gặp khó khăn lớn khi tham gia WTO. Do từ đầu và trong quá trình hoạt động thiếu phấn đấu theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Nguồn: http://tin247.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác