Kinh tế - Thị trường

DN “vắt sữa” nhà nông

“Nhưng điều khiến người nuôi bò sợ nhất không còn là giá mà là 2 từ Chất lạ được phán ra mỗi khi nhà máy trả lại phiếu thu”. Nhưng, đối tác của họ là những DN thu mua, chế biến sữa thời gian qua liên tục gây sức ép, khiến họ mất tiền một cách oan ức, thậm chí rơi vào hoàn cảnh lao đao.

 Ba năm một giá

 

12 con bò đang cho sữa của gia đình ông M. ở Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) mỗi ngày cho khoảng 50kg sữa. Với giá sữa hiện nay gần 13.000 đồng/kg, mỗi ngày cho thu nhập chưa đầy 700 nghìn đồng, mức rất thấp so với chi phí duy trì đàn bò mỗi ngày một tăng. “Nhưng điều khiến chúng tôi sợ nhất không còn là giá mà là 2 từ Chất lạ được phán ra mỗi khi nhà máy trả lại phiếu thu”, ông M. bức xúc.

 


Người dân nuôi bò sữa hiện nay còn thiếu cơ chế trọng tài trung gian, cơ quan thẩm định chất lượng sữa độc lập để bảo đảm quyền và lợi ích của họ

 

Hàng ngàn hộ nông dân ở huyện Hóc Môn nhiều năm nay sống nhờ nuôi bò sữa như hộ ông M. Nhưng, đối tác của họ là những DN thu mua, chế biến sữa thời gian qua liên tục gây sức ép, khiến họ mất tiền một cách oan ức, thậm chí rơi vào hoàn cảnh lao đao.

 

Ba năm nay, theo ông M., giá sữa điều chỉnh tăng nhưng không nhiều. Về lý thuyết, nếu tính giá sữa hiện tại trừ đi chi phí tiền cám, rơm, thuốc thú y... thì giá sữa tươi hiện tại đối với người nuôi bò sữa vẫn có lãi. Nhưng trên thực tế, người nuôi bò bị trừ rất nhiều chi phí liên quan đến chất lượng của sữa. Tính toán lại thì lời lãi không ổn định, có khi còn lỗ.

 

Cụ thể, theo ông M., mỗi ngày vắt sữa xong, gia đình ông đều đem sữa đến chấm ở nhà máy. Nếu xét trên bảng tiêu chuẩn tổng tạp trùng mà bên thu mua đưa ra thì sữa của nông dân lúc nào cũng bị trừ điểm, trừ tiền đối với một chất nào đó. Mà chất không đạt chất lượng đó là gì thì xưa nay nông dân đều không nắm rõ.

 

Nặng nề hơn là người nuôi bò nhiều năm nay bị mơ hồ với cụm từ “chất lạ”. Theo đó, nếu nhà nào sau 7 ngày nhận được phiếu có ghi 2 từ “chất lạ”  thì coi như cả tuần đó không có tiền. Số tiền mất thường lên đến vài chục triệu đồng. Điều khiến người dân hết sức bất bình là thay vì kiểm tra mẫu sữa của từng hộ/từng ngày để trừ tiền thì tại điểm thu mua, sữa được đổ chung vào một bồn rồi mới lấy mẫu.

 

Sau 7 ngày mới trả phiếu thì coi như bị trừ luôn 7 ngày. “Nói bỏ nghề thì không được vì trước nay nghề chính của chúng tôi là nuôi bò. Tuy nhiên, với chi phí sản xuất sữa đã cao, lại thêm những khoản tiền bị trừ liên quan đến chất lượng sữa thì người sản xuất rất khó khăn”, ông M. nói.

 

Theo phản ánh của một số hộ dân khác, cứ vài ba bữa bên thu mua lại đưa thêm tiêu chuẩn tổng tạp trùng tối đa trên mỗi đơn vị sữa. Theo đó, nếu vi phạm tiêu chuẩn này, cứ mỗi kg sữa tươi sẽ bị trừ vài trăm đến một ngàn đồng. So với 3 năm trước, giá sữa tươi hiện nay có tăng cũng chẳng ý nghĩa gì.

 

Bao giờ hết… vô lý.

 

Khi được hỏi, phía DN cho rằng, việc áp dụng tiêu chuẩn khắt khe là để bảo đảm chất lượng đầu vào cũng như đầu ra một cách ổn định, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Trên thực tế, DN cũng phải chịu áp lực chất lượng sữa thành phẩm trước cơ quan chức năng. “Chuyện kiểm soát chặt chất lượng đầu vào là điều tất yếu”, đại diện DN khẳng định. Thậm chí, mỗi năm các công ty đều có đợt cử cán bộ tập huấn về tiêu chuẩn, phổ biến cho người nuôi bò. Giờ ai sai phạm thì phải chấp nhận bị trừ tiền.

 

Nói là vậy, nhưng rõ ràng có những điều rất nghịch lý khiến người nuôi bò đang chịu thiệt thòi. Chính chị N.T.H, đại lý thu mua sữa tại Hóc Môn chia sẻ, dù các đại lý là đơn vị trung gian thì không bị thiệt hại gì nhiều, nhưng nhìn người nuôi bò bị ép cũng thấy “tội”. Theo chị H, việc bán sữa cho DN hiện nay rất ổn định. Điều này giúp cho các hộ nông dân yên tâm làm ăn. Nhưng cũng chính vì vậy mà họ phải chịu nhiều điều bất hợp lý.

 

Chẳng hạn, nói đến vấn đề “chất lạ”, từ trước đến nay khi trả phiếu thu về nhà máy chỉ viết như thế rồi không trả tiền cho nông dân. Đơn vị thu mua không bao giờ trả lời là “chất lạ” đó là những chất gì và cũng… không trả lại sữa cho người dân.

 

Chuyện “chất lạ” cũng lạ lùng đến mức, mỗi tuần đều có một hộ thuộc diện có “chất lạ”. Cứ xoay vòng như thế từ hộ này đến hộ khác. Biết là bị ép, nhưng người nông dân không thể cắt hợp đồng chuyển sang bán cho DN khác được. Vì nếu làm như thế, đối tác thu mua lâu nay sẽ không bao giờ thu mua lại sữa của người nông dân đó nữa. Lo sợ mất đầu ra ổn định, người nông dân chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chị H chua xót.

 

Rõ ràng, cái khó nhất đối với nông dân nuôi bò sữa Hóc Môn hiện nay là thiếu cơ chế trọng tài trung gian, cơ quan thẩm định chất lượng sữa độc lập để bảo đảm quyền và lợi ích của họ. Cũng vì muốn giao dịch công bằng, người nông dân muốn được chấm sữa ngay tại chỗ thay vì phụ thuộc vào người chấm sữa tại nhà máy. Thế nhưng không hiểu sao mọi lời đề nghị này đều bị phía DN từ chối.

 

Thậm chí, theo lời chị H, nhiều lần nông dân đề nghị không đặt máy kiểm tra chất lượng tại nơi thu mua thì họ có thể cử người lên phòng thí nghiệm của DN lấy mẫu về xem họ đang bị sai ở chỗ nào để cải thiện. Nhưng cũng không được DN đáp ứng.

 

Sự việc cứ kéo dài mà không có một lời giải thích nào, khiến nhiều người chán nản. Trong khi đó, mục tiêu của Bộ NN&PTNT đặt ra là nâng tổng số đàn bò sữa lên 500.000 con vào năm 2020 để sản lượng sữa cung cấp cho các nhà máy chế biến sẽ đạt khoảng 1 triệu tấn/năm.

 

Câu hỏi đặt ra, nếu những bức xúc của nông dân không được DN giải quyết thì liệu mục tiêu có đạt được? Và thị trường sữa Việt Nam hy vọng trong 10-15 năm tới sẽ thoát khỏi tình trạng bị thao túng bởi nguyên liệu ngoại nhập có thể xảy ra không nếu DN cứ “sát phạt” nông dân như hiện tại?

 

Nói như vậy vì khi được hỏi, phần lớn người nông dân nuôi bò cho biết vẫn cứ đợi DN lẫn cơ quan chức năng tìm giải pháp giúp đỡ. Và trong thời gian đợi, người chăn nuôi bò vẫn tiếp tục chịu thiệt thòi và đàn bò sữa ở Hóc Môn nói riêng và TP. Hồ Chí Minh nói chung tiếp tục giảm dần về số lượng.

Quỳnh Chi

Nguồn: thoibaonganhang.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác