Kinh tế - Thị trường

Doanh nghiệp sữa trở lại kê khai giá

(TBKTSG Online) – Sau 31-3, biện pháp áp giá trần với các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ chính thức hết hiệu lực. Sau thời điểm này, doanh nghiệp thực hiện kê khai giá và cơ quan chức năng quản lý trên mức giá kê khai này.

 Trao đổi với TBKTSG Online vào hôm nay, 13-3, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, ngày 31-3, biện pháp áp giá trần ở mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ hết hiệu lực. Sau ngày 31-3, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này sẽ thực hiện kê khai giá.

 

Cũng theo ông Quyền, việc chuyển đổi biện pháp quản lý từ hình thức cao nhất là áp giá trần xuống kê khai giá có căn cứ vào quy định hiện hành là Luật Giá và Nghị định 177/2013/NĐ-CP và Nghị định 149/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177). Theo đó, trong thời gian Nhà nước không áp dụng biện pháp đăng ký giá thì các mặt hàng trong danh mục thực hiện bình ổn giá (mà sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là một trong số này) phải kê khai giá.

 

Như vậy, việc tiếp theo của Bộ Công Thương là ban hành văn bản hướng dẫn về trình tự, quy trình kê khai giá ở bộ này, tương tự như Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 56/2014 hướng dẫn cho Nghị định 177 khi còn được giao quản lý giá sữa.

 

Theo một nguồn tin của TBKTSG Online, văn bản này đang trong quá trình soạn thảo và dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 3.

 

Liên quan đến dự thảo thông tư này, website của Bộ Công Thương thông tin, định hướng của cơ quan quản lý là để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa tự xác định giá bán lẻ và thực hiện việc kê khai (trong trường hợp không áp dụng biện pháp bình ổn giá) hoặc đăng ký giá (trong trường hợp áp dụng biện pháp bình ổn giá) với Bộ Công Thương.

 

Trên cơ sở kê khai giá (hoặc đăng ký) của doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ xem xét, đánh giá tính hợp lý và sẽ thông báo mức giá nêu trên đến cơ quan quản lý tại các địa phương để thực hiện giám sát giá ở khâu bán lẻ. Nghĩa là, không một cửa hàng, điểm bán nào được bán giá vượt mức doanh nghiệp đã kê khai hoặc đăng ký.

 

Phương thức quản lý này được đánh giá là sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả...  để ràng buộc trách nhiệm của nhà sản xuất khi có vi phạm.

 

Trong một diễn biến khác, theo đại diện của một số doanh nghiệp sữa, trong thời gian qua, đại diện Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp tại các công ty sữa và ghi nhận các ý kiến của họ xung quanh các biện pháp quản lý ở thị trường sữa.

 

Các khái niệm liên quan đến giá trong Luật Giá

Đăng ký giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lập, phân tích việc hình thành mức giá và gửi biểu mẫu thông báo giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi định giá, điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Kê khai giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gửi thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá.

Bình ổn giá là việc Nhà nước áp dụng biện pháp thích hợp về điều hòa cung cầu, tài chính, tiền tệ và biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết khác để tác động vào sự hình thành và vận động của giá, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý. Định giá cụ thể (tối đa hoặc tối thiểu) là một trong 10 biện pháp bình ổn giá.

Nguồn: thesaigontimes.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác