Kinh tế - Thị trường

“Giấc mơ” áp trần giá sữa

Mới đây, thông tin có thể thực hiện biện pháp “áp trần” nhằm ghìm cương đối với giá sữa đã khiến người tiêu dùng có đôi chút hy vọng. Tuy nhiên, hóa ra đây cũng không phải là thông tin quá mới mẻ gì khi năm 2009, việc áp trần cho giá sữa cũng đã được nhắc đến nhưng rồi đành bỏ ngỏ.
Trước đó, từ đầu năm 2013 thị trường sữa Việt đã liên tiếp đón cơn bão tăng giá ồ ạt của hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh sữa lớn bao gồm cả nội lẫn ngoại. Dường như sau hàng loạt biện pháp nhằm tăng cường quản lý của liên Bộ Y tế và Tài chính thì giá sữa vẫn thoải mái tăng như bình thường.
 
 Trong cuộc họp khẩn của Bộ Tài chính diễn ra vào sáng 4/3, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn đã chia sẻ thông tin về việc có thể áp dụng biện pháp “áp trần với giá sữa” để quản lý thị trường sữa. Đây được coi là biện pháp khá “kiên quyết” nhằm ghìm cương giá sữa, nhưng chuyện thực hiện được hay không lại là điều hoàn toàn chảng ai dám chắc.
 
Năm 2009, lý do chính cơ quan quản lý cho rằng thật khó áp đặt đầu ra và lợi nhuận thị trường sữa Việt với hàng trăm sản phẩm . Tới nay, thị trường sữa đang diễn ra sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và số lượng những dòng sản phẩm cũng tăng mạnh so với năm 2009 thì liệu việc áp trần giá sữa có khó khăn hơn? Cụ thể, Việt Nam có khoảng 54 công ty sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sữa, chưa kể có hàng trăm tổng đại lý phân phối sữa và tính sơ cũng có trên 500 sản phẩm khác nhau. Đồng thời, các hãng sữa ngoại vẫn đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường sữa bột (khoảng 70%).
 
Để có thể áp trần cho giá sữa Bộ Tài chính cần tính toán được giá thành sản xuất của các mặt hàng sữa, chi phí nhập khẩu, thuế, lợi nhuận định mức... của doanh nghiệp sữa. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm sữa hiện đã vô cùng đa dạng và thường xuyên có sự thay đổi về thành phần, vi chất, nhãn mác… dẫn đến giá thành mỗi sản phẩm sẽ khác nhau. Thêm nữa, thị trường sữa Việt đang phụ thuộc rất lớn vào giá sữa thế giới, và đây cũng chính là cái cớ để doanh nghiệp kinh doanh vin vào để tăng giá, trong khi các nhà quản lý lúng túng mãi chưa tính được giá trung bình mỗi lần giá sữa thế giới tăng hay giảm.
 
Cũng vì thế, các doanh nghiệp kinh doanh dường như cũng khá thờ ơ với thông tin này bởi việc áp giá trần vốn chẳng hề đơn giản và các nhà quản lý muốn thực hiện cũng cần thời gian khá lâu dài. Theo chuyên gia Ngô Trí Long trao đổi với báo giaothongvantai: nếu biện pháp áp giá trần được thực hiện thì các công ty có nhiều khả năng sẽ thực hiện các biện pháp  như: Khai tăng giá nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu từ công ty mẹ hoặc trung gian nước ngoài; khai tăng giá các phụ phí...  là những yếu tố được công nhận trong cách tính giá trần, nhưng khó xác định chính xác để đối phó.
 
Thêm nữa, căn cứ để áp giá trần cho các sản phẩm sữa của Bộ Tài chính cũng chưa vững chắc. Theo Luật Giá và Nghị định 177 hướng dẫn Luật này, sữa không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá… Muốn đưa sữa vào giai đoạn cần áp dụng biện pháp bình ổn, tức là Nhà nước có thể can thiệp hành chính việc tăng giảm giá, Bộ Tài chính sẽ phải chứng minh được, giá mặt hàng này đang có biến động bất thường, tăng giá quá cao so với đầu vào, hoặc mất cân đối cung cầu, tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân. Kèm theo đó, Bộ sẽ phải đảm bảo bù đắp chi phí cho doanh nghiệp trong trường hợp gây lỗ. Tuy nhiên, với mức CPI tháng 2 chỉ 0,55%, lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định như hiện nay thì Bộ Tài chính sẽ khó mà tìm được lý do để trình Thủ tướng đưa sữa vào giai đoạn cần can thiệp.
 
Ngoài ra, 70% sản phẩm sữa bán tại thị trường trong nước là sữa ngoại và từ các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, không thể có chuyện nhà nước lại bù lỗ cho các doanh nghiệp ngoại. Trong khi đó, liên tục những đợt tăng giá sữa trong thời gian trước đây thì những đợt thanh kiểm tra đều không tìm được chứng cứ về việc thông đồng làm giá sản phẩm của các doanh nghiệp. Cuối năm 2013, Bộ Tài chính đã cử 4 đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp sữa, truy thu được 10 tỷ đồng, song cho đến nay, kết quả thanh tra này vẫn chưa được công bố. Lần duy nhất Bộ Tài chính công bố kết quả thanh tra doanh nghiệp sữa là cuối năm 2009.
 
Với những lần thanh, kiểm tra sữa “gắt gao” như trong quá khứ, có thể thấy, giá sữa vẫn là một bài toán hóc búa, một ẩn số khó giải của nhà quản lý, cần những “bổ đề” cơ bản, thực tâm muốn giải quyết chứ không chỉ là giải pháp tình thế bằng lời nói, đưa ra gây sốc và khi không thực hiện được còn khiến người tiêu dùng sốc hơn vì thất vọng.
 
Vĩ Thanh
Nguồn: songmoi.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác