Kinh tế - Thị trường

Nhìn lại các ngành sau một năm - Kỳ 14: Ngành sữa “teo tóp” vì “hổng” quản lý?

Năm 2013, ngành sữa là một trong những ngành được giới truyền thông nhắc đến nhiều. Nó được dư luận và người tiêu dùng (NTD) hết sức quan tâm, đặc biệt là mặt hàng sữa nhập khẩu.

Sự thiếu thống nhất tên gọi giữa Bộ Y tế và Bộ Công Thương đã khiến cho không chỉ NTD mà nhiều doanh nghiệp phải “khốn đốn”.

Thông tư mới chưa “chặt gốc”


Tên gọi là một trong những chủ đề “nóng” được dư luận quan tâm trong năm 2013. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì căn cứ vào hàm lượng Protein để xác định tên gọi của sản phẩm. Theo đó, những sản phẩm có hàm lượng Protein từ 34% trở lên mới được gọi là sữa. Trong khi đó, phần lớn các mặt hàng nhập khẩu được bày bán chủ yếu có tên gọi là thực phẩm bổ sung, được Bộ Tài chính áp dụng mức thuế 15% (mức thuế áp dụng với sữa là 10%) nhưng lại không quản lý và kiểm soát vấn đề tăng giá.

Trên thực tế, việc áp thuế nhập khẩu lại được lực lượng hải quan thực hiện dựa trên phân tích xem chế phẩm thực phẩm được cấu thành từ nguyên liệu gì. Qua kiểm nghiệm các loại thực phẩm bổ sung, chế phẩm thực phẩm dùng cho trẻ em đều đi từ sữa, được bổ sung dầu thực vật, hương liệu, đã đóng gói bán lẻ. Vì lẽ đó, mức thuế suất nhập khẩu vẫn được áp theo thuế suất đối với sữa, là 10%. Như vậy, một số DN nhập khẩu sữa có thể dễ dàng “lách” từ kẽ hở trong quy định của Bộ Y tế và hải quan, mà cơ quan chức năng không thể quy kết họ vào hành vi trốn thuế. Chính điều này đã gây ra nhiều “xáo trộn” trong việc quản lý của các cơ quan chức năng, họ tỏ ra lúng túng để tìm ra giải pháp quản lý và kiểm soát hữu hiệu.

Ngày 20-11, Bộ Y tế đã ra Thông tư số 30/2013/TT-BYT về việc chính thức đưa các sản phẩm thực phẩm bổ sung dinh dưỡng dành cho trẻ từ 0 – 6 tuổi vào diện hàng bình ổn và quản lý giá cùng với sản phẩm sữa. Đây là một động thái đúng, nhằm “kìm chế” việc tăng giá của sản phẩm thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, nó lại không được như mong đợi của NTD, đó là giá sữa sẽ được giảm.

Theo một số chuyên gia kinh tế, Thông tư 30 của Bộ Y tế là cần thiết nhưng nó không giải quyết được “gốc rễ” của vấn đề bởi: Thông tư chỉ mang tính chất đưa thêm “tên gọi” vào danh mục hàng bình ổn chứ chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình quản lý và kiểm soát giá cả của sản phẩm này.


Liệu có chồng chéo?

Đó chính là câu hỏi được nhiều NTD đặt ra khi biết thông tin mới từ Bộ Công Thương trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó có mặt hàng sữa. Theo đó, kể từ ngày 20-12, tất cả các mặt hàng sữa nhập khẩu sẽ phải có chứng nhận đạt yêu cầu an toàn của Bộ Công Thương thì mới được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam.

Thông tư số 28/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc quy định việc kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các thực phẩm thuộc chức năng quản lý của Bộ Công Thương có quy định: Các loại sữa chế biến nhập khẩu sẽ thuộc danh sách các loại thực phẩm phải “tiền kiểm” về độ an toàn chất lượng trước khi thông quan vào Việt Nam. Điều này sẽ giúp Bộ Công Thương siết chặt việc quản lý sữa nhập khẩu, loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng.

Trong khi đó, Cục An toàn thực phẩm cũng là đơn vị cấp giấy chứng nhận chất lượng cũng như tên gọi của sản phẩm. Vậy nếu sản phẩm được Bộ Y tế chứng nhận là đảm bảo chất lượng nhưng Bộ Công Thương lại cho rằng chưa đảm bảo an toàn chất lượng thì sẽ tính sao?

Ngược lại, Bộ Công Thương đồng ý cho sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nhưng khi Bộ Y tế kiểm tra lại không đạt chất lượng sẽ thế nào? Sự chồng chéo trong quản lý vậy sẽ có thể khiến cho hai Bộ dễ “xung đột” khi kết quả kiểm tra “lệch nhau”. Điều này sẽ khiến NTD hoang mang và mất niềm tin vào sản phẩm. Hay nói cách khác, DN sẽ là người “điêu đứng” trong trường hợp này bởi họ chắc chắn sẽ bị “om hàng” trong thời gian chờ hai Bộ có tiếng nói chung.

Trao đổi với PV, ông Phạm Tuấn Anh, thạc sỹ quản trị kinh tế, nhận định, việc quản lý chồng chéo như vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho DN bởi họ sẽ “vất vả” hơn trong việc được xác định sản phẩm hàng hóa đạt yêu cầu về ATVSTP. Song lại giúp cho NTD cảm thấy yên tâm hơn bởi có ít nhất 2 cơ quan kiểm tra và thẩm định về chất lượng sản phẩm.

“Theo tôi, mục đích cuối cùng vẫn là an toàn cho NTD nên việc có 1 – 2 hay 3 cơ quan chức năng kiểm định không quan trọng bằng việc những cơ quan chức năng đó thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, việc kiểm định cũng cần công tâm để tránh gây phiền phức cho DN”, ông Tuấn Anh phân tích.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, nếu chỉ quản lý giá theo cách đăng ký thì khó có thể giải quyết triệt để việc tăng giá sữa bất hợp lý. Bởi bản chất, các DN hoàn toàn có thể kê khai giá sữa nhập khẩu cao lên để đẩy chi phí đầu vào, giá thành sữa sẽ tự động tăng khiến các cơ quan chức năng khó xử lý. Khi ấy, giá sữa nhập khẩu sẽ càng “loạn” hơn, không kém gì giá sữa bán lẻ trong thời gian qua.

Có thể thấy, ngành sữa vẫn còn khá nhiều vấn đề cần thảo luận, để thống nhất một cách thức quản lý chung, hiệu quả hơn. Để làm được điều đó, các cơ quan chức năng đầu tiên cần thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm một cách công tâm. Tiếp đó, các quy định quản lý và kiểm soát đối với ngành sữa cần phải chặt chẽ, có sự thống nhất, tránh chồng chéo trong công tác quản lý. Chỉ cần thực hiện được hai điều đó thì ngành sữa đã ổn định hơn rất nhiều so với hiện nay. Khi ấy, NTD sẽ thực sự được sử dụng những sản phẩm sữa có chất lượng và đảm bảo ATSVTP.

Tính đến ngày 15-11-2013, Việt Nam đã nhập khẩu sữa và sản phẩm chế phẩm từ sữa tới gần 940,6 triệu USD từ nhiều nước trên thế giới, trong đó tập trung ở các khu vực như châu Mỹ, châu Âu, châu Á. Lượng nhập khẩu lớn từ các nước: New Zealand (211 triệu USD), Mỹ (157,7 triệu USD), Singapore (114 triệu USD), Hà Lan (62,3 triệu USD), Thái Lan (54,1 triệu USD)...

Theo thống kê đến đầu năm 2013, toàn quốc có hơn 166 nghìn con bò, trong đó có hơn 120 nghìn con được nuôi tại các hộ gia đình. Điều này khiến chất lượng sữa nhiều khi chưa đạt một trong các tiêu chí về chất lượng. Trong khi, một số DN lại thu mua sữa từ những hộ gia đình này, chiếm tới gần 50%.
Những thông tin trên sản phẩm sữa vẫn khá “tù mù”, mang tính chất “lừa dối” NTD. Đồng thời, nhiều DN cũng chưa công khai và minh bạch về nguồn gốc cũng như chất lượng các sản phẩm từ sữa. Điều này khiến cho NTD hoài nghi trước những sản phẩm sữa nội, tạo tâm lý “sính ngoại” khiến ngành sữa trong nước “teo tóp”.
Mặt khác, với dân số khoảng 90 triệu dân thì chúng ta đang rơi vào tình trạng “khan” nguyên liệu từ sữa. Điều đó khiến cho ngành sản xuất sữa trong nước hoạt động kém hiệu quả. Do đó, mỗi năm ước tính Việt Nam phải nhập khoảng 1,2 triệu tấn sữa từ các nước khác trên thế giới.


Nguyễn Tuấn

Nguồn: phapluatxahoi.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác