Kinh tế - Thị trường

Sữa thừa cơ hội tăng mỗi nơi một giá

Điều đáng nói ở đây không phải là sữa tăng giá mà là cách tăng như thế nào? Mỗi đại lý lại có giá bán chênh lệch tới vài chục nghìn đồng/hộp cùng loại khiến người tiêu dùng hoang mang.

Trước thông tin giá sữa rục rịch tăng, phóng viên đã có cuộc khảo sát một số cửa hàng tại Hà Nội. Kết quả, cùng một loại sữa mà 5 cửa hàng bán với 5 mức giá khác nhau.

Cụ thể, tại một cửa hàng lớn và nổi tiếng trên phố Bạch Mai bán sữa Nan Việt Gro3 (900g) với giá 427.000 đồng/hộp (giá chưa tăng là 410.000 đồng/hộp). Cùng loại sữa này, một cửa hàng đầu phố Minh Khai bán với giá 400.000 đồng/hộp (giá cũ là 395.000 đồng/hộp). Trong khi đó, siêu thị Hapro (Vân Hồ, Hoa Lư) bán loại sữa này với giá 422.000 đồng/hộp, tại một cửa hàng ở phố Nguyễn Xiển (Q.Thanh Xuân) bán với giá 408.000 đồng/hộp (cửa hàng này chưa niêm yết giá mới) và một cửa hàng khác trên phố Tuệ Tĩnh (Q.Hai Bà Trưng) bán với giá 415 đồng/hộp (giá cũ là 407.000 đồng/hộp)

Điều gây ngạc nhiên cho người tiêu dùng là tại sao cùng loại sữa mà giá bán lại chênh nhau đến gần 30.000 đồng. Và đây mới chỉ là so sánh tại 5 địa điểm.

Nhiều loại sữa bột khác như: Friso, Physiolac, Vinamilk, Abbott… mức tăng cũng rất đa dạng.

Một hộp Friso3 Gold loại 900g tại cửa hàng ở phố Nguyễn Xiển (Q. Thanh Xuân) đang được bán với giá 445.000 đồng, tại cửa hàng trên phố Tuệ Tĩnh (Q. Hai Bà Trưng) bán với giá 425.000 đồng, còn cửa hàng trên phố Bạch Mai bán với giá 430.000 đồng, một cửa hàng khác trên phố Đội Cấn bán với giá 450.000 nghìn đồng…

Vinamilk là một trong những dòng sữa có mức tăng 6% trong dịp này, song thực tế, giá bán ra đến tay người tiêu dùng lại tăng khá cao và chênh lệch giữa các cửa hàng cũng khá lớn.

Hai loại sữa: Dielac Optimum Step 3 (900g) và Dielac Pedia 1+ (900g) bán tại cửa hàng trên phố Bạch Mai với giá lần lượt: 362.000 đồng/hộp và 368.000 đồng/hộp, tại cửa hàng trên phố Minh Khai là 342.000 đồng và 362.000 đồng, tại một cửa hàng trên phố Kim Giang là 345.000 đồng…

Giải thích về sự chênh lệch giá, chủ một cửa hàng sữa trên phố Tuệ Tĩnh cho rằng: “Dù đã nghe thông báo mức tăng song thực tế giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng như thế nào còn tùy thuộc vào mỗi cửa hàng. Với những cửa hàng đông khách và nổi tiếng thì cũng có thể họ tăng nhiều hơn bởi cho rằng khách hàng không để ý so sánh. Các cửa hàng bé thì thường tăng giá ít hơn để thu hút khách hàng”.

Chủ cửa hàng trên phố Minh Khai thì khẳng định: “Giá tăng cao hay thấp tùy thuộc vào mức chiết khấu khi nhập hàng”.

Sữa là mặt hàng thiết yếu trong đời sống nên đáng lẽ cần phải được kiểm soát một cách chặt chẽ và ổn định. Dù mặt hàng sữa cho trẻ từ 0 - 6 tuổi nằm trong diện được bình ổn giá, song thực tế lại để xảy ra tình trạng chênh lệch giá quá lớn như hiện nay quả là thiệt thòi cho người tiêu dùng.

Chẳng hạn, với mức chênh lệch 27.000 đồng/hộp Nan Gro 3 thì hàng tháng mỗi gia đình có một con nhỏ sẽ mất khoảng hơn 100.000 đồng (mức chênh lệch của 4 hộp sữa - trung bình 1 đứa trẻ uống trong 1 tháng) và gia đình có hai con nhỏ sẽ mất hơn 200.000 đồng.

Với những gia đình có thu nhập bình thường thì đây không phải là số tiền ít ỏi.

Không lẽ, mỗi lần đi mua sữa người tiêu dùng lại phải vào “internet” để tìm xem trong số hàng trăm cửa hàng tại Hà Nội đâu là nơi bán với giá thấp nhất để tìm đến đó mua. Bằng cách này thì người tiêu dùng dù có “thông thái” đến mấy cũng “bó tay”.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài Chính) Nguyễn Anh Tuấn, trong công tác quản lý giá, quan trọng nhất là theo dõi diễn biến yếu tố đầu vào. Tuy nhiên, đây mới chỉ là công tác kiểm tra tại các công ty sữa. Thực tế, giá sữa đến tay người tiêu dùng đã tăng lên rất nhiều vì phải qua các khâu: phân phối, bán lẻ…

Điều đáng nói ở đây không phải là việc tăng giá sữa mà là cách tăng giá như thế nào? Mức tăng có đồng nhất không? Dù biết rằng giá sữa bán lẻ tại các cửa hàng không thể giống hệt nhau do còn liên quan tới các chi phí khác như: mặt bằng, địa điểm…, song mức chênh lệch tới vài chục nghìn đồng giữa các cửa hàng quả là gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Khi phóng viên liên hệ với ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) về việc này, ông Nam cho biết: “Cục Quản lý thị trường chỉ quản lý việc niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết”.

Hiện tại Hà Nội vẫn còn những điểm bán sữa nhưng không niêm yết giá, đặc biệt là trong thời điểm tăng giá nhập nhằng như thế này. Hơn nữa, nhiều cửa hàng tuy niêm yết nhưng giá cao vượt trội so với nhiều cửa hàng khác. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của cơ quan nào, câu hỏi này xin gửi tới các cơ quan quản lý?

Quỳnh Anh

Nguồn: toquoc.gov.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác