Người tiêu dùng sữa

Người tiêu dùng vẫn loay hoay giữa 'ma trận' giá sữa

(Dairy Việt Nam) - Gần 1 năm áp trần, mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi về cơ bản đã được bình ổn, với mức giảm từ 0,1-34%. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần phải “siết”, theo quyết định tiếp tục áp trần đến hết năm 2016 của Bộ Tài chính.

Là mặt hàng quan trọng tác động đến từng gia đình và 10 triệu trẻ em, giá sữa luôn là đề tài nóng trên thị trường cũng như các diễn đàn. Vì thế, việc tiếp tục áp trần giá sữa được dư luận hết sức quan tâm. Buổi giao lưu trực tuyến về giá sữa diễn ra mới đây đã nhận được hàng trăm câu hỏi của các độc giả dành cho cơ quan quản lý. Theo đó, những bức xúc chủ yếu là giá sữa ở Việt Nam vẫn còn quá cao, hiện tượng “lách trần” và các vi phạm của doanh nghiệp (DN), cũng như tính hiệu quả của các biện pháp áp giá trần.

 

     Theo dự báo của Tổ chức Nông lương thế giới, giá một số loại sữa nguyên liệu có xu hướng giảm trong năm 2015, vậy thì giá sữa cho trẻ có giảm không, và tại sao giá sữa Việt Nam lại cao hơn giá sữa của các nước trong khu vực... được nhiều độc giả đặt câu hỏi. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, sở dĩ có sự khác nhau về giá giữa các nước trong khu vực là do có nhiều yếu tố khác nhau như môi trường kinh doanh, chính sánh ưu đãi, đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường, đặc biệt là quy mô, cơ cấu, mật độ, nhu cầu, tập quán tiêu dùng của khách hàng, nên nhà sản xuất sẽ có những chính sách phân phối, ưu đãi, mức giá khác nhau cho mỗi quốc gia.

 

    Tại Việt Nam, giá sữa luôn cao hơn các nước trong khu vực. “Hiện nay, nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản xuất sữa thành phẩm phần lớn đều do đối tác nước ngoài chỉ định và có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, do đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa. Ngoài ra, thông tin để so sánh sản phẩm cùng loại tại các thị trường trong khu vực ASEAN còn rất hạn chế.

 

      Còn về giá nguyên liệu giảm, chúng tôi đã tham vấn thông tin từ cơ quan Hải quan, cho thấy giá nguyên liệu và sản phẩm sữa thành phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam có xu hướng ổn định và không chịu tác động giảm do nguyên liệu sữa giảm. Điều này đặt ra vấn đề cần phải rà soát, thu thập thông tin để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về quản lý cạnh tranh thực thi pháp luật, để đảm bảo việc cạnh tranh của các DN là lành mạnh thực sự theo thị trường, có lên có xuống”, ông Tuấn thông tin. Về bức xúc của dư luận trước tình trạng cơ quan quản lý ra quy định, DN liền thay đổi mẫu mã, thành phần để "lách": càng áp trần, càng nhiều sản phẩm mới ra đời, ông Tuấn cho biết, việc lưu hành các sản phẩm ra thị trường là quyền của các DN sản xuất, kinh doanh.

 

     Tuy nhiên, các sản phẩm này có sự kiểm soát khi lưu hành trên thị trường, và danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện bình ổn giá đã được Bộ Y tế quy định. Cơ quan quản lý giá thực hiện điều hành, quản lý giá các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên cơ sở danh mục này. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế để rà soát, kiểm tra các sản phẩm mới.

 

       Trường hợp các sản phẩm mới của các tổ chức, cá nhân chỉ thay đổi bao bì, mẫu mã mà các thành phần không thay đổi, cơ quan quản lý giá sẽ kiên quyết không chấp nhận việc xác định, kê khai giá mới đối với các sản phẩm này”. Một vấn đề đang được nhiều người quan tâm đó là thời gian qua, dù các cơ quan chức năng đã thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hơn 500 triệu đồng, nhưng qua nhiều tháng vẫn dừng lại ở con số này.

 

      Liệu không có DN vi phạm, hay cơ quan chức năng chưa phát hiện ra? Hiện nay có rất nhiều thông tin về tình trạng khai báo giá sữa nhập khẩu (NK) thấp, nhưng khi bán ra thị trường giá cao. Nhiều trường hợp NK sữa nguyên liệu, nhưng khi đưa ra thị trường vẫn ghi sữa NK nguyên lon. Thậm chí, có người tiêu dùng đã mua phải sữa giả, sữa nhái kém chất lượng. Trong khi đó, với quy định về thời hạn cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan tại trụ sở DN là trong vòng 5 năm, khi có nghi ngờ về giá khai báo của DN NK sữa, là quá dài và gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.

 

     Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu cho biết: DN NK mặt hàng sữa có 2 loại: NK nguyên hộp (thành phẩm) và NK nguyên liệu dạng bột (đóng trong bao). Sữa bột nguyên liệu sau khi NK về DN có thể sẽ thực hiện việc pha chế, đóng thành hộp để bán ra thị trường. Theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật hải quan, người khai hải quan tự kê khai, tự tính thuế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung kê khai và kết quả tự xác định của mình.

 

       Cơ quan Hải quan kiểm tra việc khai báo và xác định trị giá tính thuế đối với lô hàng NK của người khai hải quan theo quy định. Riêng về thời hạn, ông Tuấn dẫn quy định của Luật Hải quan 2014, Nghị định 08/2014/NĐ-CP, thời gian kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan Hải quan là 60 ngày, thời gian kiểm tra sau thông quan tại trụ sở DN là 5 năm. Song, ông Tuấn cho rằng, đây không phải là yếu tố tác động đến giá sữa, vì việc giá bán sữa trên thị trường tăng, giảm là phụ thuộc vào nhiều yếu tố như các chi phí: quảng cáo, tiếp thị, chi phí bán hàng, quản lý...

Nguồn: cafef.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác