Quản lý chăn nuôi bò sữa

Phát triển bò sữa: Nghiên cứu giống siêu năng suất

TS.Chung Anh Dũng, Phòng Công nghệ sinh học (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam) và TS. Dương Hoa Xô, GĐ Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM đều cho biết, hai đơn vị đang đi sâu nghiên cứu một số đề tài khoa học để nâng cao chất lượng giống bò sữa có triển vọng ứng dụng cao tại VN…

Theo TS. Chung Anh Dũng, các chủ trại chăn nuôi đều mơ ước có một phương pháp để tạo gia súc có giới tính theo mong muốn. Đối với chăn nuôi bò sữa, người nuôi luôn mong muốn bò đẻ bê cái. Một bê cái hướng sữa tốt sẽ có giá trị kinh tế cao hơn 50 - 100% so với bê đực trong cùng điều kiện. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi người chăn nuôi luôn muốn có phương pháp SX ra bê cái. Điều này đã trở thành hiện thực nhờ phương pháp phân tách tinh trùng mang nhiễm sắc thể X và Y đã thành công vào những năm 1990.

Ở VN, việc sử dụng tinh bò phân tách sẵn có trên thị trường để phục vụ công tác gieo tinh nhân tạo đã được tiến hành trong vài năm gần đây và đạt được những tiến bộ đáng kể. Trong khi đó, từ những năm 2007 - 2008, thời điểm tinh bò phân tách bắt đầu nhập về VN, Phòng Công nghệ sinh học (Viện KHKT NN miền Nam) đã nghiên cứu thử nghiệm thành công SX phôi bò in vitro xác định trước giới tính, nhằm sử dụng tinh bò phân tách chỉ chứa tinh trùng mang nhiễm sắc thể X để SX ra phôi bò cái hướng sữa.

Sự khác biệt cơ bản của kỹ thuật cấy truyền phôi so với gieo tinh nhân tạo là chỉ sử dụng nguồn nguyên liệu (trứng và tinh trùng) từ những con bò cao sản tốt nhất trong đàn, nên sẽ tạo nhanh và nhiều phôi bê cái có tiềm năng SX sữa rất cao.

Đây là điều mà các nước chăn nuôi bò sữa phát triển đang tích cực áp dụng để nhân nhanh số lượng bò sữa cao sản của mình, giúp cải thiện nhanh chóng năng suất sữa bình quân của toàn đàn. Đó cũng là lý do, Phòng CNSH chủ trì thực hiện đề tài “Sử dụng tinh đã phân tách để tạo phôi bò in vitro xác định trước giới tính” từ năm 2011.

TS Dũng cho biết, hiện sản lượng sữa của VN so với nhiều nước có sự chênh lệch rất lớn. Tính trung bình sản lượng sữa ở VN là 4.600 kg/con/chu kỳ (305 ngày); nhưng ở các nước bình thường cũng trên 6.000 kg/con/chu kỳ; riêng Nhật, Israel lên tới 9.000 - 11.000 kg/con/chu kỳ.

Vì thế, câu hỏi đặt ra là làm sao VN có thể tăng nhanh sản lượng sữa như các nước? TS Dũng cho rằng, kỹ thuật gieo tinh nhân tạo ở ta phổ biến nên không hiệu quả (cả quãng đời 1 con bò chỉ sinh được 4 - 6 con bê), trong khi các nước chủ yếu áp dụng phương pháp cấy phôi bò sữa cao sản cho năng suất rất cao (1 con bò cao sản có thể sinh 100 con bê). Đây là phương pháp cải thiện năng suất sữa trong toàn đàn nhanh nhất. Vì thế, nghiên cứu của ông và ê kíp là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu trên.

Tuy nhiên, để tạo phôi phải qua hai kỹ thuật khó là phân tách tinh X - Y và thọc hút trứng bò cao sản, việc này cần phải có cả một nhóm cùng thực hiện. Hiện kỹ thuật phân tách tinh X - Y đang được TS. Dũng kết hợp với Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM; còn kỹ thuật thọc hút trứng trên bò cái cao sản thì Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam tự làm.

“Các kỹ thuật này tôi đã từng được đào tạo tại Nhật Bản nên luôn có niềm tin sẽ thành công. Qua nghiên cứu này, tôi cũng hy vọng hình thành một ê kíp để chuyển giao cho các trang trại chăn nuôi bò sữa cao sản quy mô lớn”, TS Dũng nói.

TS. Dương Hoa Xô cho biết, Trung tâm CNSH TP.HCM cũng đang triển khai công nghệ tạo phôi bò sữa trong phòng thí nghiệm. Chương trình này đề ra mục tiêu cấy trực tiếp vào một số đàn bò để kiểm tra hiệu quả, từ đó làm căn cứ nhân rộng. Tuy nhiên, một số bước nghiên cứu vẫn chủ yếu thực hiện trên đàn bò của nông dân, rất khó theo dõi chu kỳ động dục, sức khỏe, chế độ ăn uống...

Vì thế, để phương pháp này được ứng dụng nhanh, TP.HCM phải đầu tư một trại bò riêng cho chương trình nghiên cứu phôi bò sữa cao sản. “Ngoài phương pháp này, một số nhà khoa học có ý định nghiên cứu phương pháp chuyển gen bò sữa. Nhưng đây là kỹ thuật rất phức tạp, mới áp dụng chủ yếu trên cây trồng, còn vật nuôi thì hiếm”, TS Xô nói.

Liên quan đến khó khăn của công tác nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ KHKT trên bò sữa, các chuyên gia cho rằng, nhiều chính sách cho phát triển bò sữa còn chưa phù hợp, nhiều bất cập, cần thay đổi cho phù hợp với thực tế.

TS Dũng nêu ví dụ: “Nhiều ý kiến nói các nhà khoa học nghiên cứu xong đề tài rồi cất tủ, không sử dụng. Nhưng thực tế nhiệm vụ của các nhà khoa học là chỉ cho anh thấy phương pháp đó là khả thi, còn trách nhiệm tiếp theo phải thuộc về các đơn vị khác làm nhiệm vụ chuyển giao chứ! Ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc có hẳn một bộ phận chuyển giao cực tốt để người dân nhanh chóng chấp nhận kỹ thuật mới, còn VN thì không thấy, làm sao chuyển giao!?”.

+ TS. Chung Anh Dũng:

Hướng đi cấy phôi bò sữa cao sản là bắt buộc vì các nước xung quanh ta đã và đang đầu tư rất mạnh để nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật này. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc... kỹ thuật cấy phôi bò sữa cao sản đã làm đại trà, năng suất sữa rất cao. Riêng đề tài nghiên cứu của chúng tôi sẽ kết thúc vào năm 2015, khi thành công sẽ tự chủ được công nghệ và chuyển giao cho người chăn nuôi, hạn chế phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài với chi phí cao.

+ TS. Dương Hoa Xô:

Hầu hết các công nghệ tạo phôi in vitro đã được báo cáo thành công ở VN. Năm 2003, 4 bê lai hướng sữa ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm từ buồng trứng OPU; năm 2003 có 6 bê lai sind ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm; năm 2009 có 2 bê ra đời bằng IVF từ trứng bò đông lạnh.

Tuy nhiên, các công bố này chỉ dừng trên phương diện các báo cáo khoa học. Chưa có các báo cáo về ứng dụng công nghệ phôi trên đàn bò của VN theo phương diện thương mại. VN cũng vẫn chưa xuất hiện trong thống kê của Hiệp hội phôi chuyển quốc tế.

Vì thế, hướng đi bắt buộc của VN phải đi theo hướng cải tạo, xây chuẩn lại nguồn giống; đầu tư vốn và mặt bằng lớn để hình thành trại giống đúng tiêu chuẩn. Cần có chính sách khuyến khích đặc biệt cho DN đầu tư vào giống và chăn nuôi bò sữa CNC; giảm số hộ nuôi nhưng tăng quy mô chất lượng đàn bò để đưa năng suất sữa tiệm cận với mặt bằng thế giới.

Nhiều chuyên gia chăn nuôi cũng chỉ ra một số mặt hạn chế cần sớm giải quyết. Cụ thể, quy mô chăn nuôi nông hộ còn nhỏ, đất trồng cỏ hạn chế, chất lượng cơ giới hóa trong chăn nuôi thấp, chi phí SX cao, nhiều chi phí trung gian, tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được cải thiện.

Một bộ phận người dân vẫn chưa quan tâm đến các biện pháp giảm chi phí SX, vệ sinh sữa…, tỷ lệ viêm vú bò sữa tiềm ẩn và nhiễm vi sinh trong sữa vẫn cao; giá thức ăn hỗn hợp, thô xanh và phế phẩm không ổn định...

Nguồn: danviet.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác