Sữa Thế giới

Người Nhật tìm đến sữa để ngày càng cao lên, nhưng chẳng ai muốn nuôi bò, họ đã giải quyết bài toán này thế nào?

Chắc chắn ngành nuôi bò sữa tại Nhật sẽ sử dụng robot nhiều hơn nữa, và nhiều hơn tất cả các nước khác trên thế giới.

 ân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nhật, ông Yuji Yamamoto, khẳng định rằng đầu tư vào công nghệ trong nông nghiệp sẽ là một trong những mục tiêu được chú trọng nhiều nhất trong chiến lược phát triển kinh tế Nhật 5 năm tới. Và câu chuyện dưới đây tại Hokkaido sẽ cho thấy khi công nghệ phát triển, bài toán thiếu nhân lực trong ngành nông nghiệp sẽ được giải quyết ra sao.

 

Dù đang có công việc tốt trong ngành tài chính tại trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, nhưng khi nhận thấy nhu cầu các sản phẩm sữa trên thị trường rất lớn trong khi hoạt động cung ứng nội địa còn quá nhiều vấn đế, anh Jin Kawaguchiya đã quyết định nghỉ việc, đầu tư tiền bạc, thời gian công sức góp phần phát triển ngành sữa Nhật.

 

Trong 2 thập kỷ qua, nhu cầu của người Nhật đối với các sản phẩm sữa ngày một nhiều hơn. Trong khi đó, quy mô ngành sản xuất sữa lại thu hẹp dần qua thời gian. Sản lượng sữa giảm không ngừng và đến năm 2014 rớt xuống mức thấp nhất trong 30 năm. Chi phí sản xuất tăng cao “ăn mòn” vào lợi nhuận của người nông dân; cùng lúc đó lực lượng lao động ngày một thu hẹp, ngành đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động ngày một trầm trọng.

 

Tuy nhiên, công nghệ đang giải quyết phần nào những vấn đề của ngành sữa Nhật. Trên đảo cực Bắc Hokkaido, khu vực cung cấp sữa và các sản phẩm sữa lớn nhất tại Nhật, anh Kawaguchiya đã xây dựng nên nhà máy sản xuất sữa tự động hóa lớn nhất châu Á.

 

Ban đầu khi bố vợ qua đời, ông để lại cho anh Kawaguchiya khu trang trại nhỏ với khoảng 20 con bò sữa, thời gian qua đi, nay số bò sữa đã lên đến 360.

 

Hàng ngày, robot vắt sữa bò đều đặn 3 lần mỗi ngày, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho bò. Máy móc còn giúp thu dọn phân bò và đưa đến chỗ xử lý chất thải đúng quy định.

 

“Nếu như không có robot, mỗi ngày tôi sẽ phải thuê ít nhất 15 công nhân làm việc bán thời gian để chăm sóc cho đàn bò. Nhờ dùng robot, mỗi năm tôi tiết kiệm được đến 15 triệu yên”, anh Kawaguchia cho biết.

 

Khi tiếp quản nông trại từ bố vợ cách đây nhiều năm, Kawaguchia không hề có chút kinh nghiệm nào trong ngành sữa. Bố vợ anh rất tâm huyết với nghề nhưng cả ba con gái của ông không một ai thích theo đuổi cái nghề mà họ cho là “chỉ suốt ngày đi vắt sữa”. Kawaguchia đã chấp nhận nghỉ việc tại quỹ đầu tư Shoko Fund & Co trụ sở tại Tokyo bởi anh tin vào những cơ hội phát triển của ngành nông nghiệp.

 

Ban đầu, để giúp mở rộng quy mô nông trại, anh mua thêm 4 trang trại gần đó để tạo ra Kalm Kakuyama rồi phát triển đàn bò dần dần. Hiện trang trại của anh đang có khoảng 610 con bò trong đó khoảng 250 con là bò con hoặc bò đang mang thai không có sữa hàng ngày.

 

Nắm bắt được tình trạng thiếu nhân lực, anh đã quyết tâm đầu tư vào công nghệ ngay từ đầu. Anh Kakuyama đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ yên (tương đương 14,8 triệu USD) mua robot, máy phát điện.

 

Nhờ có công nghệ, sản lượng sữa của anh năm 2015 đã tăng gấp 4 lần 4.500 tấn và đến năm 2017 sẽ đạt 5.600 tấn, cao gần gấp đôi sản lượng sữa trung bình của trang trại ở Nhật. Hiện nay trang trại của anh là nhà cung cấp sữa lớn nhất tại Hokkaido. Robot giúp tiết kiệm thời gian cho người chủ, nhờ vậy mà anh có thể đầu tư nghiên cứu phân tích dữ liệu sản lượng sữa, chất lượng và sức khỏe của bò giúp sản xuất hiệu quả hơn.

 

Trên đảo Hokkaido cực Bắc nước Nhật, anh Kawaguchiya không phải doanh nhân duy nhất áp dụng công nghệ cao trong sản xuất sữa. Theo giám đốc trung tâm phát triển nông nghiệp Hokkaido, ông Shinichi Otsuka, khắp đảo Hokkaido hiện đang có hơn 100 robot vắt sữa.

 

Công nghệ phát triển, ngành sản xuất sữa Hokkaido đang tăng trưởng nhanh. Nửa đầu năm 2016, sản lượng sữa tại Nhật tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,78 triệu tấn. Dù vẫn còn nhiều trang trại nuôi bò phải đóng cửa nhưng những trang trại đang tồn tại được lại phát triển nhanh chóng về quy mô.

 

Chính phủ Nhật cũng không hề bỏ rơi những người nuôi bò sữa. Chính sách tín dụng cho người nuôi bò sữa đang được nới lỏng hơn khi nào hết. Số liệu từ Japan Finance, ngân hàng cho vay được sự bảo trợ của chính phủ, cho thấy tính đến cuối tháng 3/2016, tổng giá trị các khoản vay dành cho nông dân nuôi bò Nhật tăng 17% trong 1 năm qua.

 

Chắc chắn ngành nuôi bò sữa tại Nhật sẽ sử dụng robot nhiều hơn nữa, và nhiều hơn tất cả các nước khác trên thế giới. Bởi nước Nhật ngày một nhiều người già vì thế với lực lượng lao động ít ỏi, người Nhật sẽ phải học cách làm việc hiệu quả hơn nhiều nữa, theo nhận định của chuyên gia kinh tế trưởng tại viện nghiên cứu Mitsubishi ở Tokyo, ông Yoko Takeda.

 

Cho đến trước năm 2015, số lượng các trang trại nuôi bò sữa tại Nhật giảm không ngừng, xuống chỉ còn 18 nghìn trang trại, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Nhật. Nông dân Nhật cũng ngày một già đi, độ tuổi trung bình cũng lên đến 67 tuổi trong khi vào năm 2005, con số trên mới là 63,2.

 

Trong nhiều trường hợp, những bậc cha mẹ già nua đã không thể tìm được ai kế tục sự nghiệp của gia đình bởi con cái họ, những người trẻ tuổi sinh ra trong sung sướng, không muốn làm công việc tay chân và có phần không được sạch sẽ, bóng bẩy này. Thậm chí nếu không khéo quản lý sẽ rất dễ phá sản.

 

Sau khi ký kết hiệp định TPP vào năm ngoái, chính phủ Nhật đã bắt đầu trợ cấp cho việc phát triển sử dụng robot vắt sữa và chăm sóc bò. Họ biết rõ nếu không làm như vậy doanh nghiệp sữa nội địa Nhật sẽ không thể cạnh tranh nổi khi các sản phẩm sữa nhập khẩu tràn ngập Nhật bản và thêm nhiều doanh nghiệp ngoại sẵn sàng cạnh tranh quyết liệt.

 

Năm tài khóa gần nhất, chương trình hỗ trợ tài chính dành cho phát triển robot trong ngành nuôi bò sữa Nhật đã tăng 12%, lãi suất cho vay dành cho các trang trại nuôi bò được giảm xuống gần 0%.

 

Còn đối với các công ty sản xuất robot toàn cầu ví như DeLaval of Sweden hay Lely Industries NV của Hà Lan, việc người Nhật thích dùng robot trong ngành công nghiệp sữa bò là một tin không thể vui hơn được nữa. Giám đốc DeLaval tại Nhật ước tính doanh số bán robot vắt sữa tại Nhật sẽ tăng 67% trong năm 2015 và tốc độ tăng này còn nhanh hơn nữa trong năm 2016.

 

Mỗi robot có thể vắt sữa của khoảng 60 con bò với tổng khối lượng sữa vắt tương đương 3 tấn mỗi ngày. Robot sử dụng camera để phát hiện ra bò và làm sạch chúng trước khi vắt sữa, mỗi robot cần 10 phút để vắt xong sữa của một con bò.


Ngọc Thanh

Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn: cafebiz.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác