Sữa Việt Nam

Bài cuối: Từng bước gỡ khó

(HNM) - Chăn nuôi bò sữa (CNBS) đã và đang gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ, nhưng đây vẫn là một trong những nghề mang lại thu nhập cho nông dân và giúp nhiều doanh nghiệp (DN) phát triển.

 Để từng bước tháo gỡ khó khăn, người nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất ở các khâu để nâng cao chất lượng sữa; các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc phát triển đàn bò sữa theo đúng quy hoạch, có chính sách hỗ trợ hợp lý và giúp nông dân liên kết chặt chẽ với DN.


Thành lập Ủy ban quốc gia về sữa



Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân cho biết, nhằm hỗ trợ cho phát triển CNBS bền vững trong nước cũng như tăng cường quản lý nhà nước đối với ngành sữa, Chính phủ đã cho phép thành lập Ủy ban quốc gia về sữa, bao gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, DN chế biến sữa, đại diện cho những người CNBS, người tiêu dùng. 



Ủy ban này sẽ thay mặt các bên liên quan để quản lý hoạt động thương mại và giải quyết tranh chấp trong ngành sữa. Chẳng hạn như khi xảy ra tranh chấp thu mua sữa tươi nguyên liệu thì Ủy ban này sẽ họp lại để có tiếng nói chung giữa các “nhà” (nông dân, doanh nghiệp…) giải quyết. Cơ quan này cũng có tiếng nói quan trọng, tác động đến Chương trình quốc gia về sữa học đường, hạn ngạch nhập khẩu sữa bột và các chính sách khuyến khích phát triển CNBS bền vững ở quy mô quốc gia. Đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng cho Ngành CNBS Việt Nam. 



Tuy nhiên, để thị trường sữa phát triển ổn định, Bộ Công Thương cần phối hợp với các bộ, ngành thành lập Đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành về chất lượng sữa, từ đó công bố tiêu chuẩn chất lượng sữa và danh sách các DN không thực hiện đúng về chất lượng để người tiêu dùng biết và sử dụng sữa tươi nguyên chất. 



Về phía nông dân, ông Dương Văn Hùng - hộ CNBS ở Quốc Oai (Hà Nội) cho rằng, Nhà nước nên có quy định về điều kiện nhập khẩu sữa bột của các công ty sản xuất sữa; xây dựng bộ quy chuẩn về sữa nhập khẩu, sữa hoàn nguyên, sữa tươi trên thị trường để định hướng cho người tiêu dùng sử dụng đúng chủng loại...



Trao đổi về tháo gỡ khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, Nhà nước cần đứng ra làm khâu trung gian đẩy mạnh việc liên kết các DN tiêu thụ sữa với nông dân. Trong đó gắn kết từ người chăn nuôi, trạm thu gom đến nhà máy chế biến sản xuất sữa để bảo đảm chất lượng. 



Các DN cần tăng cường nghiên cứu, phát triển sản phẩm có nguồn gốc từ sữa tươi đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng Thủ đô như bánh sữa, caramen, phomat, sữa chua, sữa tươi nem sống, sữa chua dẻo... Người chăn nuôi cũng cần áp dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến, hiệu quả cao vào sản xuất nhằm giảm giá thành. 



Theo ông Vũ Quyết Thắng - Trạm thu gom sữa Gia Lâm, cần có chính sách hỗ trợ hệ thống trang thiết bị tại các điểm thu gom nhằm đánh giá nhanh, chính xác chất lượng sữa, hạn chế tối đa các rủi ro phát sinh. Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống trang thiết bị cho các điểm thu gom sữa, từng bước nâng cấp các trạm đạt tiêu chuẩn quốc tế.



Quy hoạch đồng bộ



Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang cho rằng, để phát triển CNBS bền vững, Nhà nước phải thực hiện tổng thể các giải pháp, từ quy hoạch đồng cỏ, nguồn thức ăn chăn nuôi tới các nhà máy chế biến. Các nhà máy nên tính toán tỷ lệ lợi nhuận giữa nhà máy và nông dân một cách phù hợp để cả hai cùng hài hòa lợi ích. Bộ NN&PTNT cần sớm xem xét và phê duyệt dự án Quy hoạch phát triển CNBS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 để các tỉnh, thành phố làm cơ sở quy hoạch phát triển CNBS. Đồng thời, xem xét và phê duyệt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa bò tươi nguyên liệu sản xuất trong nước làm cơ sở cho việc định giá sữa.



Ông Nguyễn Đăng Vang cũng đề nghị Bộ Công Thương tiến hành quy hoạch và giám sát việc xây dựng các nhà máy chế biến sữa, công suất phải phù hợp với tổng đàn bò của vùng nguyên liệu và gắn với thị trường tiêu thụ. Các tỉnh, thành phố cần quy hoạch và quản lý chặt chẽ quy hoạch phát triển CNBS ở từng địa phương trên cơ sở bảo đảm cân bằng giữa số lượng bò sữa với diện tích trồng cây làm thức ăn cho bò và công suất thu gom, chế biến của các nhà máy chế biến sữa.



Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường, người dân cũng cần phải tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư và nâng cao chất lượng đàn bò sữa hiện có. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho các trang trại nằm trong vùng quy hoạch, áp dụng quy trình chăn nuôi bò sữa tiên tiến như: VietGAHP, GlobalGAP... 



Từ đó xây dựng hình ảnh sản xuất sữa sạch, chất lượng cao để thu hút các công ty có năng lực đầu tư vào lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sữa tươi trên địa bàn Hà Nội, đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu sữa tươi sản xuất tại Hà Nội. 



Chính quyền các địa phương cần tăng cường hoạt động của các Chi hội, HTX, Ban Chỉ đạo phát triển chăn nuôi tại các xã CNBS để gắn kết người chăn nuôi nhằm tạo mối liên kết, giảm giá thành các dịch vụ đầu vào, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi. Các địa phương cũng cần phối hợp với các đơn vị liên quan, trường học tiếp tục tổ chức triển khai Chương trình “sữa học đường” “ngày uống sữa thế giới” nhằm nâng cao số người tiêu thụ sữa tươi, nhất là mùa đông. Thành phố sẽ tổ chức “Hội thi bò sữa”; “người CNBS giỏi” góp phần thúc đẩy CNBS phát triển đúng quy hoạch.

 

 

Nguồn: hanoimoi.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác