Sữa Việt Nam

Doanh nghiệp đã mở đường, chính sách còn chưa vội?

Sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để phát triển một nền nông nghiệp lớn mạnh và bền vững.

 

  Nắm bắt được xu thế này, một số doanh nghiệp (DN) lớn đã bắt đầu đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, nỗ lực đơn lẻ của các DN là không đủ. Thực tế, một trong những vấn đề cơ bản nhất phục vụ cho việc đầu tư là đất lại đang “vướng” đối với các DN muốn đưa công nghệ vào nông nghiệp.

 
Tập đoàn TH ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sữa tươi sạch
 
 
 
Tập đoàn TH ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sữa tươi sạch
 

  Thoát khỏi mô hình “nhỏ và đẹp”

 

  Sau khi dứt áo với BĐS, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã tìm thấy “con gà đẻ trứng vàng” khi đầu tư hơn 500 tỷ đồng vào các dự án trồng cao su, cọ dầu … ở Lào, Campuchia.

 

  Mới đây HAGL đưa ra định hướng táo bạo là đầu tư vào nuôi đàn bò lên tới 100.000 con. Định hướng này được Bầu Đức, ông bầu có máu “liều” đưa ra trong bối cảnh HAGL bắt đầu cảm nhận được vị ngọt từ nông nghiệp.

 

  Tuy nhiên, đến nay, tất cả những trang trại khổng lồ của HAGL đều không đặt ở Việt Nam mà ở Lào và Campuchia, nơi có sẵn quỹ đất, nguồn thức ăn dồi dào và nhiều ưu đãi cho DN FDI.

 

  Gặp nhiều khó khăn hơn khi đầu tư trong nước nhưng Tập đoàn TH đã triển khai thành công dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp” tại cao nguyên Phủ Quỳ, Nghệ An với tổng mức đầu tư khi hoàn thành lên đến 1,2 tỷ USD. Toàn bộ đất đai hoạt động kém hiệu quả của Nông trường 19/5 đang trên bờ phá sản đã được sát nhập vào dự án.

 

  Dự án của TH đã chứng minh nếu được đầu tư đúng hướng, nông nghiệp là “mảnh đất vàng”. Doanh thu thuần của Tập đoàn TH (thương hiệu TH true MILK) năm 2013 là 3.500 tỷ đồng, dự kiến tới năm 2015 là 15.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến năm 2015, TH đáp ứng 50% nhu cầu sữa tươi sạch trên thị trường nhờ tự chủ về nguồn nguyên liệu.  

 
  Cũng nhờ ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa và sản xuất nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng hiện nay có tới hàng chục nghìn ha đất NN có doanh thu từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
 
 
  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát cho rằng: “Chúng ta luôn tự hào về cái “nhỏ và đẹp” của nền nông nghiệp trong 30 năm qua khi nó luôn là trụ đỡ của nền kinh tế. Song đến nay, tình hình đã thay đổi, cái “nhỏ và đẹp” đó đang cản trở ứng dụng KHKT vào phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cản trở hàng nông sản thâm nhập sâu vào thị trường thế giới và do vậy nền NN đang đứng trước yêu cầu tái cơ cấu toàn diện".

 

  Chậm trễ sẽ mất cơ hội

 

  Công nghệ đang làm thay đổi thế giới. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu trên thế giới, và đặc biệt đối với Việt Nam trong bối cảnh chúng ta cần cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại hóa.

 
  Tuy nhiên, hiện nỗ lực “công nghệ cao hóa” nông nghiệp vẫn là của một số ít DN đi đầu.
 
Hệ thống nhà kính trồng rau công nghệ cao
 
 
 
Hệ thống nhà kính trồng rau công nghệ cao

 

  Mới đây, bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH đã “máu lửa” tuyên bố rằng “Cứ có đất cho tôi, Tây Nguyên sẽ thay đổi sau ba năm”. Theo bà Hương, hiện việc giao đất cho các dự án nông nghiệp đang ách tắc.

 

  Qua thực tế đầu tư, Chủ tịch Tập đoàn TH cho rằng mặc dù Nghị quyết TW7 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tam nông và nông nghiệp công nghệ cao, song trên thực tế, DN vẫn khó khăn trong khi triển khai các dự án, nhất là về đất đai và về vốn. “Ách tắc ở đâu đó trong khâu chính sách” là từ bà Thái Hương dùng để mô tả việc nguồn vốn và quỹ đất chưa thực sự đến với các DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

 

  TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) nhận định: “Một vấn đề rất lớn là đất đai. Đáng lẽ quỹ đất ở nông thôn phải thuận lợi hơn thành phố. Ở các tỉnh, vào các khu công nghiệp thì được trải thảm đỏ, nhưng muốn làm một vùng nguyên liệu nông sản, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn hoàn toàn không đơn giản vì rất khó kiếm được vài chục hecta đất sạch, muốn trồng rừng cỡ vài trăm hecta lại càng khó, gom được mấy trăm cái sổ đỏ của dân để tập trung đất đai là chuyện cực kỳ khó. Kéo được ông địa chính đi đo vẽ cấp chứng nhận cho hàng trăm cái hợp đồng ấy là chuyện không tưởng”.

 

  Tại Lào, Campuchia và Myanmar, trong số hơn 71.800 ha diện tích đất trồng cây công nghiệp và nông nghiệp mà HAGL đang triển khai dự án, có một phần không nhỏ có được từ chính sách đổi hạ tầng lấy nhượng quyền đất trồng cây. Đây được coi là mô hình công tư với chi phí hợp lý và giúp HAGL dễ dàng phát triển được quỹ đất rộng lớn tại các quốc gia láng giềng.

 

  Câu chuyện tại các nước phát triển và sứ mệnh lịch sử của nông nghiệp Việt

 

  Kinh nghiệm phát triển tại nhiều nước đứng đầu thế giới về nông nghiệp công nghệ cao đã chỉ ra chính sách đất đai hiệu quả là điều kiện tiên quyết.

 

  Hà Lan được mệnh danh là " đất nước trũng" với 1/4 diện tích lãnh thổ thấp hơn mực nước biển, đất đai hiếm hoi, diện tích đất canh tác khoảng 0,058 ha/người, mức thấp nhất của thế giới. Tuy thế, nền nông nghiệp của Hà Lan đã tạo nên những kỳ tích: hiệu suất sản xuất của đất đứng đầu thế giới, nhiều mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới...

 

  Tại Hà Lan, các chính sách về đất đang được áp dụng hiệu quả là: Một là chính sách mua và thuê đất. Ở Hà Lan có 2 loại hình sở hữu đất. Đất tư hữu được mua bán, đất công hữu do Nhà nước đầu tư kè đê lấn biển thì cho thuê thời gian dài. Hai là chính sách khuyến khích trang trại làm ăn kém được giải thể. Trong quá trình cạnh tranh, trang trại làm ăn kém sẽ giải thể, rời bỏ nông nghiệp chuyển cho trang trại làm ăn giỏi mở rộng quy mô, còn những lao động từ trang trại giải thể sẽ được Nhà nước hỗ trợ để tìm được chỗ làm việc mới.

 

  Ngoài ra, chính phủ Hà Lan còn thực thi chính sách đầu tư rất lớn vào phát triển hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách. Hệ thống đường bộ tại Hà Lan đảm bảo giao thông được thông suốt giữa từng vùng miền, địa phương và những cảng biển lớn. Đường hàng không đứng thứ 9 thế giới, với 80 hãng hàng không có 230 tuyến bay đến khắp các nước phục vụ vận chuyển nhanh chóng hoa và rau đến các nước chỉ trong 48h. Chính phủ cũng đầu tư xây dựng hệ thống công trình kết cấu hạ tầng về thủy lợi đủ sức đối phó với mọi loại thiên tai, nhất là lũ lụt.

 

  Ở Việt Nam, không như những công ty FDI được địa phương xây KCN, chuẩn bị sẵn cơ sở hạ tầng và “trải thảm đỏ” chào đón, các DN Việt muốn đầu tư vào nông nghiệp thường gặp khó khăn rất lớn với điều kiện cơ sở hạ tầng kém phát triển ở địa phương.

 

  Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn do những điểm nghẽn của chính sách, thiếu ưu đãi vốn, đất đai, cơ sở hạ tầng, thuế của địa phương và sự nghi ngại của người dân trước cái mới…, các DN Việt như TH, Đà Lạt Hasfarm... đã chứng minh ứng dụng công nghệ cao một cách bài bản, nông nghiệp sẽ “cho trái ngọt”.

 

  Trong khi tiềm năng chưa được khai phá, sức mạnh nông nghiệp Việt dường như đang còn bị kìm nén, chờ “thời” để nở bung. Điều nông nghiệp Việt và các DN đang rất cần hiện nay là việc khơi thông những chính sách để đáp ứng nhu cầu phát triển tất yếu, để Việt Nam không bị “chảy máu” chất xám và vốn sang các nước, và tiến tới lôi kéo cả những DN nước ngoài. Những chính sách hợp lý được thực thi hiệu quả sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nông nghiệp công nghệ cao. Đó là yêu cầu cấp bách để nông nghiệp Việt Nam vươn lên phát triển bền vững.

 

  ”Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang một sứ mệnh lịch sử quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Nếu chậm trễ, nền nông nghiệp sẽ mất cơ hội, rơi vào khó khăn trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng này”, bà Thái Hương khẳng định.

 
H.San

Nguồn: http://dantri.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác