Sữa Việt Nam

Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa giúp thành viên tăng lợi nhuận 30%

(Cổng ĐT HND)- Thời gian qua, các Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi bò sữa có những bước phát triển mới trong việc xây dựng một quy trình khép kín từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và lợi nhuận cho các thành viên.

 Tại Sóc Trăng, HTX Nông nghiệp Evergrowth được thành lập thông qua "Dự án Nâng cao đời sống nông thôn ở Sóc Trăng", HTX đã chọn mô hình chăn nuôi bò sữa để nhân rộng tại xã Tài Văn, huyện Trần Ðề. Ban đầu, HTX chỉ có 171 xã viên với 352 con bò sữa thì nay số lượng xã viên tăng lên hơn 3.000 người (đại diện hộ gia đình) ở địa bàn thuộc 3 huyện Trần Đề, Mỹ Tú, Châu Thành và thành phố Sóc Trăng. Số lượng đàn bò tăng tới hơn 11.000 con, trong đó khoảng 60% đang cho sữa, đưa tổng đàn bò sữa của tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay sản lượng sữa đạt hơn 15 tấn/ngày...

 

HTX còn phối hợp với ngành ngân hàng đầu tư vốn cung ứng con giống, chuồng trại nuôi bò sữa tập trung ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao với quy mô lớn ở các huyện Mỹ Xuyên, Trần Ðề, Mỹ Tú, Châu Thành và vùng ven TP Sóc Trăng. HTX đã hỗ trợ người dân giống, hướng dẫn cách thức chăm sóc bò để nâng cao sản lượng, chất lượng sữa. Liên kết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, sau đó phân phối lại cho các xã viên với giá hợp lý, bảo đảm chất lượng. HTX kiểm soát bảo đảm sản phẩm sữa luôn đạt chất lượng cao và bao tiêu sản phẩm sữa bò tươi của xã viên với giá bình quân từ 10.700 - 14.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí bà con lãi 7.000 đồng/kg.

 
 HTX Chăn nuôi bò sữa Long Hòa - phường Long Hòa, quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) hiện có 29 xã viên, với tổng đàn bò hơn 300 con. Bình quân mỗi con bò cho sữa trong thời gian từ 8 - 9 tháng, mỗi ngày thu khoảng 10 - 25 lít sữa, mỗi hộ thành viên thu nhập khoảng 230 triệu đồng/năm. Bên cạnh việc giao bán cho các cơ sở nhỏ lẻ, HTX bán sản phẩm sữa cho Nhà máy sữa Vinamilk Cần Thơ.
 
 Đồng thời, HTX còn có nguồn quỹ, kịp thời hỗ trợ thành viên khi gặp khó khăn, cũng như có nguồn vốn mở rộng, phát triển sản xuất. Chính vì những lợi ích đó mà ngày càng nhiều người muốn gia nhập HTX.
 
 Với 5.000 m2 đất vườn, ông Võ Thanh Cần - Giám đốc HTX, đồng thời cũng là 1 trong 3 nông dân đi tiên phong trong nghề nuôi bò sữa xây chuồng trại, nuôi gần 30 con bò sữa. Giá sữa bò tươi hiện nay là 14.000 đồng/lít, sau khi trừ chi phí, ông thu về hơn 30 triệu đồng/tháng.
 
 HTX Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội – huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) hiện có 300 xã viên. Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ xã viên và tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ về chất của HTX, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ trực tiếp với các công ty chế biến sữa. Nhờ đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ trực tiếp, Ban quản trị HTX Bò sữa Tân Thông Hội đã có thể chủ động tổ chức sản xuất, tiêu thụ sữa cho các hộ xã viên.
 
 Đồng thời HTX cũng đứng ra cung ứng các loại thức ăn bò sữa (trước đây chỉ cung ứng một số phụ phẩm nông nghiệp) chất lượng tốt cho các hộ xã viên với giá rẻ hơn so với giá đại lý từ 1.000-2.000 đồng/bao, qua đó giúp cho các hộ giảm một phần chi phí chăn nuôi. Bình quân, mỗi tháng HTX đang cung ứng khoảng 10.000 bao thức ăn cho xã viên.
 
 Hiện HTX có tổng đàn bò sữa 5.000 con, trong đó có 2.000 con là bò cái vắt sữa, sản lượng đạt khoảng 26-27 tấn/ngày. Thông qua 4 trạm thu mua sữa (2 tại xã Tân Thông Hội, 1 ở Tân Thạnh Đông và 1 ở xã Hòa Phú), HTX không chỉ tiêu thụ hết sữa của các hộ xã viên mà còn tiêu thụ sữa cho hàng trăm hộ nuôi bò sữa vệ tinh ở Tân Thông Hội và nhiều xã lân cận như: Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Hòa Phú, Trung An, Phước Thạnh…
 
 HTX còn vay vốn ngân hàng, cộng với vốn góp của xã viên trên 40 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến sữa tươi tại xã Hòa Phú. Nhà máy chế biến sữa tươi của HTX đi vào hoạt động, cung cấp khoảng 5 tấn sản phẩm sữa tươi mỗi ngày cho thị trường. Công suất thiết kế của nhà máy từ 15 - 20 tấn sữa tươi/ngày, chính thức trở thành một nhà cung ứng sữa thành phẩm cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
 
 Với việc phát triển theo mô hình khép kín đã hỗ trợ thành viên nâng cao hiệu quả sản xuất, tổ chức cung cấp các dịch vụ đầu vào, đầu ra và từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, lợi nhuận của các xã viên trong HTX tăng lên 20-30%. Nhiều HTX trở thành “điểm sáng” cho các HTX khác học tập và nhân rộng.
 

Văn Long

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác