Sữa Việt Nam

"Là nước nông nghiệp, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu cỏ để chăn nuôi!"

ANTĐ - Thực trạng này được ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam đưa ra tại hội nghị gặp gỡ giữa doanh nghiệp Việt Nam với đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài diễn ra chiều nay (21-7).

 Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Việt Nam có nền nông nghiệp khá phát triển. Nhưng “là nước nông nghiệp mà vì sao Việt Nam phải nhập cỏ để nuôi bò sữa? Mỗi năm, tổng số tiền nhập thức ăn chăn nuôi của chúng ta là 5 tỷ USD, trong đó nhập ngô là 7 triệu tấn, ngô dầu đậu tương 5 triệu tấn, bột cá… đi 1/2 vòng trái đất mới về tới Việt Nam. Rủi ro từ nhập khẩu rất nhiều, giá ngô dầu đậu tương có lúc lên đến 600 USD/tấn, giờ lại là 380 USD/tấn. Doanh nghiệp Việt Nam phải vay vốn tới 90% nên giá cả biến động như vậy, khả năng mất thanh toán rất cao”.

 

Đại diện Hiệp hội chăn nuôi kiến nghị, các bộ, ngành, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần thông tin đầy đủ cho doanh nghiệp trên qua các kênh khác nhau. “Đặc biệt các trưởng đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cần giới thiệu thông tin thị trường, công nghệ chăn nuôi mới cho doanh nghiệp Việt Nam tham khảo, học tập”- ông Nguyễn Đăng Vang nói.

 

 

Cũng có mong muốn học hỏi kinh nghiệm trồng trọt và khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp từ các nước, bà Nguyễn Thanh Nga- Tổng Thư ký Hội Doanh nhân nữ cho hay: “Doanh nghiệp của chúng tôi trồng chuối để xuất khẩu. Việt Nam có thổ nhưỡng phù hợp với loại cây trồng này, nhưng các đại diện Việt Nam ở Philippines nên tìm hiểu giúp chúng tôi để hoàn thiện về kỹ thuật công nghệ trồng; Thương vụ Việt Nam ở Australia, Hàn Quốc đưa ra nhu cầu của thị trường cho doanh nghiệp trong nước”. Vị đại diện này cũng kiến nghị thương vụ Việt Nam ở nước ngoài quan tâm giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là nông sản- thế mạnh của Việt Nam.

 

Đại diện Công ty CP tập đoàn Minh Dương, ông Phạm Xuân Đạt- Phó Tổng giám đốc cũng kiến nghị, các đại sứ làm cầu nối để gỡ khó cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là cung cấp các thông tin liên quan đến hàng rào thuế quan, công nghệ sản xuất mới.

 

Theo ông Dương Chí Dũng- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng pháp đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, WTO và các Tổ chức quốc tế khác tại Genève, đợt bổ nhiệm mới đây cho nhiệm kỳ 2016 - 2019 có 22 đại sứ, 5 tổng lãnh sự tại 5 châu lục (45 quốc gia) trên toàn thế giới. Các trưởng đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài đã được giao nhiệm vụ làm cầu nối, nắm bắt xu hướng thị trường, tìm kiếm ơ hội đầu tư cho doanh nghiệp, cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt. “Trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ nỗ lực để làm cầu nối giúp doanh nghiệp Việt Nam”- ông Dương Chí Dũng khẳng định.

Nguồn: anninhthudo.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác