Sữa Việt Nam

Phát triển bền vững đàn bò sữa

Tỉnh Sóc Trăng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển còn thấp so với cả nước, nhất là những nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Vì vậy, tìm giải pháp giúp dân thoát nghèo được các ngành chức năng tỉnh quan tâm.

 Tỉnh Sóc Trăng đã thông qua dự án “Phát triển đàn bò sữa trên địa bàn giai đoạn 2013-2020”. Theo đó, mục tiêu dự án là giải quyết việc làm cho 6.000 lao động nông thôn, tổng nguồn vốn thực hiện 266 tỷ đồng. Đây là dự án có “mục tiêu lớn” cả về vốn lẫn ý nghĩa xã hội. 

 

Lâu nay, nông dân Sóc Trăng có truyền thống chăn nuôi bò; trong đó đàn bò sữa được phát triển từ năm 2004 trên nền tảng thành công của mô hình chăn nuôi bò sữa từ Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth, thông qua dự án “Nâng cao đời sống nông thôn ở Sóc Trăng”. Hiện tại, đàn bò sữa của tỉnh đã có bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng và là một trong những tỉnh có tổng đàn bò sữa lớn ở ĐBSCL với 11.120 con (sản lượng 15.460 tấn/năm).

 

Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 lên 17.000 con bò sữa (sản lượng đạt 23.000 tấn/năm). Bên cạnh phát triển mô hình nuôi bò sữa hộ cá thể, tỉnh cũng tập trung phát triển HTX chăn nuôi bò sữa quy mô lớn. Về tiêu thụ, hiện tại có 2 đơn vị thu mua sữa là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth. 

 

Nhằm tìm giải pháp hợp tác và liên kết phát triển bền vững đàn bò sữa trên địa bàn, vào tháng 7-2017 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể cùng lãnh đạo UBND tỉnh đã làm việc với Tập đoàn TH True Milk về dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung với quy mô công nghiệp trên địa bàn. Tại buổi làm việc này, Tập đoàn TH True Milk cho biết, có ý định đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa và xây dựng nhà máy chế biến sữa bò tại tỉnh Sóc Trăng. Nếu ý định này thành hiện thực thì ngoài việc phát triển đàn bò sữa, tập đoàn này còn thu mua sữa bò tươi của người dân trên địa bàn Sóc Trăng. Hiện tiến trình này đang được 2 bên tiếp tục bàn thảo cách thức thực hiện và nếu thành công sẽ góp phần rất lớn đến việc phát triển bền vững đàn bò sữa của tỉnh.

 

Từng chứng kiến cảnh “thăng trầm” của đàn bò sữa trên địa bàn, ông Trần Văn Tâm, Phó ban quản lý Dự án bò sữa tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Trong nghề nuôi bò sữa cần nhất là sự liên kết chặt chẽ và bền vững về đầu ra, vì một khi đàn bò đã cho sữa thì “không thể dừng lại được”. Nếu gặp khó về đầu ra sẽ coi như thất bại. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật cho nông dân, đảm bảo sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn yêu cầu của doanh nghiệp thu mua, nâng cao chất lượng và sản lượng sữa nhằm giảm giá thành…”


NGỌC CHÁNH

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác