Sữa Việt Nam

Phát triển đàn bò sữa ở Hà Nam: Làm sao để vượt khó?

Mặc dù là đối tượng nuôi chính và được đánh giá có nhiều lợi thế trong chăn nuôi của Hà Nam nhưng việc phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh còn gặp những khó khăn để bứt phá.

 Quy hoạch chỉ để phát triển

 

Theo Kế hoạch chăn nuôi bò sữa năm 2020 vừa được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu đến hết năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 4.200 con bò và bê sữa; trong đó, đàn bò của các hộ dân là 4.000 con, đàn bò tại các công ty là 200 con. Tỉnh chủ trương phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững, quy mô trang trại theo phương thức hộ gia đình, nhóm hộ ứng dụng khoa học công nghệ tại các khu chăn nuôi bò sữa tập trung đã được quy hoạch, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Xây dựng các hình thức liên kết theo chuỗi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hợp tác cung ứng thức ăn, tiêu thụ sản phẩm sữa, chế biến sữa; thu hút doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đầu tư chăn nuôi bò sữa công nghiệp kết hợp chế biến sữa trên địa bàn tỉnh.

 

Tỉnh Hà Nam cũng hỗ trợ kinh phí đeo thẻ tai bổ sung cho 2.000 con bò, bê sữa để quản lý đàn bò; hỗ trợ các hộ chăn nuôi 10.200 liều tinh bò sữa Holstein Friesian, nitơ lỏng và các vật tư kèm theo để phối giống cho 3.400 con bò sữa có chửa bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo thông qua dẫn tinh viên cơ sở; hỗ trợ kinh phí tiêu độc khử trùng cho các hộ chăn nuôi để phòng chống dịch bệnh. Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Hà Nam cho các hộ chăn nuôi vay 70% tổng số tiền mua 50 con bò sữa giống.

 

UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục hoàn thiện đường giao thông, nước sạch cho 4 khu quy hoạch, đồng thời, quy hoạch và chuyển đổi thêm khoảng 37 ha đất trồng cây thương phẩm làm thức ăn để phát triển đàn bò đảm bảo theo đúng tiến độ. Hà Nam cũng có chủ trương hỗ trợ một lần 20% kinh phí mua mới máy thái cỏ hoặc máy vắt sữa đối với hộ nuôi từ 10 con trở lên trong khu quy hoạch, mức hỗ trợ tối đa không quá 3 triệu đồng/máy thái cỏ hoặc máy vắt sữa; hỗ trợ một lần 50% kinh phí xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải, có bể lắng cho hộ nuôi từ 10 con trở lên trong khu quy hoạch, yêu cầu dung tích bể lắng đảm bảo tối thiểu 1 m3/con bò, tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ.

 

Thiếu quỹ đất

 

Mặc dù việc phát triển chăn nuôi bò sữa nhằm mục tiêu làm giàu cho hộ chăn nuôi và thúc đẩy tăng trưởng cho ngành nông nghiệp nhưng sau nhiều năm thực hiện Đề án về phát triển chăn nuôi bò sữa, tổng đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh tăng nhiều, nhưng so với mục tiêu chưa đạt. Nhiều khu quy hoạch không thu hút được hộ nuôi mới, không tăng được tổng đàn. Vấn đề đặt ra hiện nay chính là cần tính toán lại khả năng phát triển tổng đàn bò sữa.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam cho biết: Quá trình tích tụ ruộng đất tại các khu quy hoạch và đất trồng cây làm thức ăn cho bò rất khó, vì đất đã được chia cho các hộ dân từ trước khi có đề án chăn nuôi bò sữa nên nay khó dồn đổi hoặc chuyển đổi mục đích. Công tác quản lý phát triển chăn nuôi bò sữa tại một số khu quy hoạch còn yếu, lỏng lẻo, dẫn đến có một số hộ sử dụng đất trong khu quy hoạch nuôi vịt, gà, heo, trồng chuối, cây dược liệu… Công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi chưa hiệu quả. Trình độ kỹ thuật của nhiều hộ chăn nuôi còn hạn chế, chưa đồng đều. Thiếu công nghệ chế biến, bảo quản sữa ở cả nông hộ và trang trại. Trên thực tế, phát triển chăn nuôi bò sữa gặp nhiều khó khăn.

 

Những khó khăn trên đã khiến thực tế trong 2 năm trở lại đây, số hộ mới tham gia chăn nuôi bò sữa không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là vì thiếu vốn đầu tư, thiếu nhân lực và đất canh tác. Xét điều kiện thực tế về phát triển chăn nuôi bò sữa tại các xã trên địa bàn huyện, UBND Lý Nhân đề nghị được chuyển đổi một phần diện tích vùng quy hoạch tại xã Nhân Đạo sang chăn nuôi bò thịt, vùng quy hoạch chăn nuôi bò sữa ở xã Hòa Hậu sang quy hoạch khác.

 

Theo ông Ngô Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên: Duy Tiên có thể hoàn thành mục tiêu về chăn nuôi bò sữa, nhưng khả năng phát triển mạnh hơn nữa về tổng đàn thì không lớn, vì đất dành cho chăn nuôi bò sữa không còn. Huyện đã đề nghị mở rộng quy hoạch khu chăn nuôi bò sữa tại xã Trác Văn nhưng chưa được chấp thuận.

 

Theo mục tiêu của Đề án, đến năm 2020, tổng đàn bò sữa tại Hà Nam đạt 20.000 con, trong đó tổng đàn bò sữa của các hộ dân 7.000 con, của doanh nghiệp 13.000 con. Để thực hiện và hoàn thành mục tiêu, cần có quỹ đất, vốn đầu tư, nguồn nhân lực… Nhưng, quỹ đất dành cho chăn nuôi bò sữa ở các địa phương không còn nhiều, thiếu đất trồng cỏ, cây làm thức ăn cho bò. Giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm mạnh, các nhà máy thu mua sữa bò tươi đã thắt chặt khâu kiểm soát chất lượng sữa, trong khi, trình độ chăn nuôi bò sữa của nông dân còn hạn chế... Do đó, địa phương đã xác định cần đánh giá đúng lợi thế, với các lĩnh vực không có lợi thế phát triển phải tính giải pháp khác. Cụ thể, việc đánh giá đúng khả năng phát triển là yêu cầu cần thiết để đề ra những giải pháp đúng, kịp thời và hiệu quả với chăn nuôi bò sữa tại Hà Nam hiện nay.

 

 

 

Kim Phượng

 

 

 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác