Sữa Việt Nam

Quỹ bảo hiểm bò sữa 20 tỷ đồng ở Mocchaumilk

100% các hộ nuôi bò tham gia bảo hiểm giúp tổng quỹ bò sữa và giá sữa của công ty lên đến hơn 20 tỷ đồng, sau 12 năm triển khai.

 Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mocchaumilk) là một trong số ít doanh nghiệp tiên phong thực hiện chính sách bảo hiểm vật nuôi và giá sữa cho nông dân. Mô hình bảo hiểm bò sữa và giá sữa được thực hiện từ năm 2004 - thời điểm cả nước đang loay hoay với bảo hiểm nông nghiệp.

Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cho biết, khi đó, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong đó có chăn nuôi, bởi thiên tai, thời tiết, dịch bệnh, giá cả bấp bênh... Không ít hộ nông dân khuynh gia bại sản vì giấc mơ làm giàu từ nông nghiệp.

Mocchau Milk là đơn vị tài trợ 100% sữa học đường cho các trẻ thiểu số ở vùng cao Mộc Châu.

Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Mocchaumilk. Đây cũng là đơn vị tài trợ 100% sữa học đường cho các trẻ thiểu số ở vùng cao Mộc Châu.

"Tại Mộc Châu, ngoài một số trang trại của công ty, phần lớn các hộ nuôi bò đều nhỏ lẻ. Để họ an tâm hơn trong chăn nuôi, chúng tôi nhanh chóng quyết định bảo hiểm toàn bộ đàn bò tại đây", ông Chiến cho hay.

Theo đó, nông dân chỉ cần đóng 600.000 đồng mỗi năm tiền bảo hiểm cho mỗi con bò. Nếu bò không may bị chết sẽ được bồi thường 12 triệu đồng, bò thải loại đền bù 10 triệu đồng. Số tiền đó, cộng với tiền bán thịt bò khoảng 8 triệu đồng, sẽ đủ mua một con bê thay thế. Ngoài ra, với chính sách bảo hiểm giá sữa, nông dân chỉ cần đóng 50 đồng mỗi kg. Nếu sữa giảm giá quá thấp, sẽ được trợ giá 60% số tiền chênh lệch.

Đến nay, sau 12 năm triển khai, 100% các hộ nuôi bò tham gia bảo hiểm giúp tổng quỹ bò sữa và giá sữa của công ty lên đến hơn 20 tỷ đồng. Đặc biệt, khi số vốn này nhàn rỗi, nông dân sẵn sàng cho công ty vay để sản xuất và trả với mức lãi suất bằng ngân hàng.

Theo đánh giá của Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, bảo hiểm vật nuôi, giá sữa ở Mộc Châu do các hộ chăn nuôi đóng góp và họ tự quản lý lấy, để hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro là cách làm khác biệt. “Phải có sự giám sát rất rõ ràng, minh bạch, tạo lòng tin rất tốt thì mới thành công như vậy”, ông Vang nói.

Với nhiều chính sách hỗ trợ từ công ty, đến nay, nhiều hộ chăn nuôi ở thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La) tích cực mở rộng quy mô, tăng đàn cho thu nhập 50-80 triệu đồng mỗi tháng, thậm chí trên 100 triệu đồng.

20-ty-dong-bao-hiem-bo-sua-o-mocchaumilk-1

Nông dân Nguyễn Văn Hải, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay đã thu cả trăm triệu mỗi tháng nhờ chăn nuôi bò sữa.

Anh Nguyễn Văn Hải (tiểu khu Vườn đào, thị trấn Nông trường, Mộc Châu, Sơn La), cho biết nhờ sự hỗ trợ của Mocchaumilk, mỗi năm gia đình anh đều tăng quy mô đàn bò. Hiện anh Hải có 80 con, trong đó hơn 40 con vắt sữa, với sản lượng khoảng 9 tạ sữa một ngày. Trừ mọi chi phí, mỗi tháng anh cũng thu về trên 100 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Quang (Đơn vị 85, thị trấn Nông trường) - chủ trang trại lớn nhất ở Mộc Châu với hơn 200 con bò, bê các loại, trong đó gần100 con cho sữa cho sản lượng khoảng 1,9 tấn trong ngày. Mỗi tháng thu nhập gia đình là 150-200 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Mocchaumilk, để chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập, tỉnh phải nâng dần quy mô chăn nuôi nông hộ. Điều này giúp tăng khả năng ứng dụng cơ giới hóa; áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Công ty dự kiến sẽ nâng tổng đàn từ hơn 20.000 hiện nay lên khoảng 35.000 con bò sữa thời gian tới. Ngoài ra, Mocchaumilk đa dạng hóa các sản phẩm sữa bán ra thị trường, nhằm đáp ứng các yêu cầu tiêu dùng chất lượng cao của khách hàng. Hiện năng suất sữa tươi công ty đạt 7,4 tấn mỗi chu kỳ và mục tiêu trong 5 năm tới, sẽ tăng lên 8 tấn một chu kỳ.

20-ty-dong-bao-hiem-bo-sua-o-mocchaumilk-2

Anh Nguyễn Văn Huấn đã  “gác” lại 2 tấm bằng Đại học để làm giàu từ nghề chăn nuôi bò sữa.

Trước mắt, để đáp ứng quá trình tăng đàn, ông Chiến đã quyết định mở rộng nhà máy thức ăn tinh, nâng công xuất lên gấp 3 lần. Nhà máy thức ăn TMR (ăn theo khẩu phần) đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng tại Mộc Châu, áp dụng công nghệ chế biến thức ăn tổng hợp cho bò sữa tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.

Bên cạnh đó, Mocchaumilk liên kết với nông dân để trồng ngô làm thức ăn ủ ướp, thực hiện chủ trương “thức ăn vào trong công ty, bò sữa ra ngoài công ty”. Nhờ đó, diện tích liên kết trồng ngô ủ ướp đã lên đến hàng nghìn ha. Nơi đây cung cấp khoảng 60% với khoảng 130.000-140.000 tấn ngô ủ ướp trong năm nay. Ngoài ra, công ty đẩy mạnh đào nhân lực trong các mảng như chăn nuôi, thú y, dinh dưỡng, quản trị, áp dụng các chính sách bảo hiểm vật nuôi, giá sữa…

Năm 2016 là năm thứ 13 Mocchaumilk tổ chức cuộc thi Hoa hậu bò sữa - một sân chơi độc đáo của những người nông dân trên thảo nguyên xanh. Dịp này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Mocchaumilk - Trần Công Chiến đồng thời là "cha đẻ" của cuộc thi đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước.

Thanh Thư

Nguồn: vnexpress.net
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác