Sữa Việt Nam

Tập đoàn TH động thổ dự án sữa hơn 2.500 tỷ đồng tại thị trấn biên giới Cao Bằng

Tập đoàn TH và tỉnh Cao Bằng vừa tổ chức động thổ dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại thị trấn biên giới Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa.

 Dự án này có tổng vốn đầu tư trên 2.544 tỉ đồng, xây dựng cụm trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô đàn bò sữa 10.000 con và nhà máy chế biến sữa công suất 49.000 tấn/năm.

 

Các dự án chăn nuôi và chế biến sữa tại các tỉnh biên giới phía Bắc của tập đoàn TH như Hà Giang, Cao Bằng nhằm đón đầu dư địa thị trường trong nước và khu vực, đặc biệt là nước láng giềng Trung Quốc, thị trường có quy mô khoảng 1,5 tỉ dân. 

 

Trước đó, vào tháng 10-2019, TH True MILK trở thành thương hiệu sữa đầu tiên của Việt Nam được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sữa tươi vào thị trường này.

 

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Cao Bằng là địa phương có rất nhiều thuận lợi cho chăn nuôi các loài đại gia súc ôn đới như bò sữa. Địa hình Cao Bằng chủ yếu là cao nguyên đá vôi xen với đất, độ cao trung bình tại các vùng sát biên giới từ 600-1.300 m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa dễ chịu gần giống ôn đới, nhiệt độ cao nhất trong năm không quá 28 độ C.

 

Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH tại Cao Bằng là một phần quan trọng trong đề án nông nghiệp thông minh của tỉnh. 

 

Bà Thái Hương - nhà sáng lập, chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH - khẳng định chiếc "chìa khóa vàng" công nghệ cao tiếp tục được tập đoàn TH sử dụng tại dự án sữa Cao Bằng với quy trình chăn nuôi, quản lý đàn bò, chuồng trại sử dụng công nghệ đầu cuối hiện đại. Trong đó, có hệ thống quản lý bò sữa tiên tiến nhất thế giới Afimilk (Israel); quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand; quy trình, thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật, Israel, Hà Lan.

 

Tập đoàn TH động thổ dự án sữa hơn 2.500 tỷ đồng tại thị trấn biên giới Cao Bằng - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trao đổi với lãnh đạo tập đoàn TH - Ảnh: T.H

 

Khởi dựng từ dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung công nghệ cao vốn đầu tư 1,2 tỉ USD từ năm 2009 tại Nghĩa Đàn, Nghệ An, tới nay Tập đoàn TH đã sở hữu trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao lớn nhất châu Á, với quy mô đàn bò hơn 45.000 con.

 

Nhà máy chế biến sữa tươi sạch hiện đại nhất Đông Nam Á cũng được tập đoàn triển khai với công suất giai đoạn 1 hơn 200.000 tấn/năm. Sản phẩm sữa tươi sạch mang thương hiệu TH True MILK hiện chiếm hơn 40% thị phần trong phân khúc sữa tươi tại thị trường Việt Nam.

 

Áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0, nhưng dự án chế biến sữa của Tập đoàn TH tại Cao Bằng vẫn liên kết chặt chẽ với nông dân, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng biên giới khi thực hiện liên kết với người dân trồng ngô, cỏ nguyên liệu.

 

Với vai trò hạt nhân, trang trại sữa TH True MILK sẽ cung cấp cho bà con giống và hướng dẫn kĩ thuật để phát triển vùng nguyên liệu thức ăn cho bò sữa đạt năng suất, chất lượng tốt nhất, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về hàm lượng dinh dưỡng phối chế khẩu phần ăn cho đàn bò.

 

Trước khi triển khai dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa tại Cao Bằng, Tập đoàn TH đã cử các chuyên gia Israel giàu kinh nghiệm nghiên cứu điều kiện tự nhiên tại địa bàn tỉnh Cao Bằng, lấy những mẫu đất về Israel để thẩm định, trồng thử các giống cây thức ăn nguyên liệu cho bò sữa nhập từ Mỹ, Úc. Kết quả cho thấy các loại cây thức ăn nguyên liệu trồng ở vùng đất này có chất lượng tương đương các loại thức ăn thô xanh nhập khẩu.

 

Dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa của Tập đoàn TH tại Cao Bằng dự kiến tạo việc làm cho khoảng 500 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp thông qua việc liên kết trồng, thu mua cây nguyên liệu thức ăn cho bò sữa cũng như thúc đẩy phát triển các ngành kinh doanh dịch vụ khác.

 

Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, đánh giá dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao mà Tập đoàn TH thực hiện tại tỉnh Cao Bằng là dự án lớn, có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

 

"Tỉnh kỳ vọng dự án sẽ đánh thức các tiềm năng của vùng đất này, tạo động lực cho phát triển kinh tế bền vững ở vùng biên, đồng thời tạo nguồn cung dồi dào về sữa tươi cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu" - ông Lại Xuân Môn nhấn mạnh.

 

B.N

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác