Sữa Việt Nam

Thế trận mới trong ngành sữa

Nhiều thương vụ M&A cùng sự bứt tốc của nhóm thương hiệu mới cho thấy ngành sữa đang có biến chuyển lớn.

 Blue Point và Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa mua lại cổ phần của Công ty Sữa Quốc tế (IDP) từ nhóm VinaCapital, Daiwa IP Partners. Với thương vụ này, thị trường sữa sẽ có thêm thế lực cạnh tranh trực tiếp với các tên tuổi quen thuộc như Vinamilk, TH True Milk.


Sóng M&A


Trước khi về tay nhóm Blue Point và VCSC, IDP đã có giai đoạn thua lỗ (2016-2018). Dù vậy, điều bất ngờ là lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, IDP đạt doanh thu 1.905,5 tỉ đồng, tăng 117% và lợi nhuận sau thuế 150,5 tỉ đồng, tăng 2,4 lần so với nửa đầu năm 2019. Tính đến cuối tháng 6.2020, Công ty vẫn còn lỗ lũy kế nhưng đây là kết quả tích cực cho IDP sau 3 năm liên tục thua lỗ. Cùng với đó, vốn điều lệ của IDP cũng tăng từ 525 tỉ đồng lên 589,5 tỉ đồng.


IDP từng là gương mặt đáng chú ý trong ngành sữa khi thành lập cách đây 16 năm, với 3 thương hiệu chính là Ba Vì, LIF và Kun. Nhà đầu tư nước ngoài từng nắm 70% cổ phần ở IDP. Tuy chưa thể sánh ngang với Vinamilk, TH True Milk về quy mô nhưng IDP từng để lại dấu ấn không nhỏ trên thị trường.

 

 Trước các khoản thua lỗ của IDP, VinaCapital đã tìm cách tái cấu trúc IDP cũng như tìm kiếm nhà đầu tư mới thay thế. Đến nay, với sự xuất hiện của người chủ mới cùng những chiến lược mới như đẩy mạnh các sản phẩm thế mạnh (sữa cho trẻ em, sữa bắp), hợp tác đối tác, lãnh đạo IDP kỳ vọng Công ty sẽ lọt vào top 4 các công ty sữa Việt Nam trong 3 năm tới.


Về phía Vinamilk đã tạo thêm thế lực khi tiến hành nhiều thương vụ M&A mà tiêu biểu là M&A với GNTFoods. Nhờ đó, Vinamilk sở hữu thêm thương hiệu sữa Mộc Châu. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, Vinamilk tiếp tục dẫn đầu ngành sữa với doanh thu thuần hợp nhất đạt 29.648 tỉ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 5.861 tỉ đồng, tăng nhẹ và hoàn thành 55% kế hoạch năm. Trong khi đó, GTNFoods, sau M&A với Vinamilk, đã có kết quả kinh doanh khả quan hơn. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của GTNFoods giảm 5% nhưng lãi ròng tăng 112%, đạt 88 tỉ đồng.


Riêng các doanh nghiệp như VitaDairy, NutiFood dù không M&A nhưng đã ra sức tăng tốc mở rộng. Kết quả là năm nay, VitaDairy đã trở thành đối tác duy nhất của Bộ Y tế trong năm hành động miễn dịch toàn quốc. Dòng sản phẩm sữa miễn dịch của VitaDairy đã ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp dịch bệnh. Trước đó, VitaDairy từng khánh thành nhà máy thứ 2 tại Bình Dương, với công suất 5.000 tấn/năm. Còn NutiFood ra mắt thương hiệu mới NutiMilk và đầu tư trang trại bò sữa hơn 1.000 ha. Lợi thế của NutiFood còn là ký kết nhiều đối tác, được cấp chứng chỉ FDA Mỹ. Vì thế, NutiFood không giấu tham vọng lấn sân thị trường EU sau Hiệp định EVFTA.


Cơ hội vẫn rộng mở


Theo báo cáo của SSI Research, ngành sữa Việt Nam năm 2020 dự đoán chỉ tăng 0,5% về vốn hóa thị trường so với năm 2019, thấp hơn so với kỳ vọng. Dự báo ngành sữa tiếp tục tăng trưởng 1 con số trong năm nay.


Trên thực tế, theo nhìn nhận của giới phân tích, sữa là ngành hấp dẫn, khi phục vụ cho dân số đông, với quy mô toàn thị trường lên tới hàng tỉ đô. Tuy nhiên, sữa không phải là miếng bánh dễ ăn. Theo bà Mai Kiều Liên, CEO Vinamilk, để đạt tăng trưởng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2020, Công ty phải tìm kiếm cơ hội từ nhiều nguồn. Đó là M&A, hợp tác chiến lược để hợp lực sức mạnh các bên, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường mở rộng hệ thống phân phối rộng khắp.


Thực tế, các công ty sữa đang nỗ lực đạt tăng trưởng bằng nhiều cách như chú ý đến các sản phẩm cao cấp, hợp xu hướng. Đơn cử, Vinamilk sản xuất thêm sữa tươi organic, sữa công thức organic, sữa A2, đưa nhà máy sang New Zealand, Mỹ, Campuchia, Lào...  và thuê sản xuất gia công sữa bột tại Nhật. NutiFood hợp tác với Asahi để phân phối sữa bột cho trẻ em tại Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hà, Tổng Giám đốc VitaDairy, thì cho biết: “VitaDairy sẽ tiếp tục lấy sản phẩm nền tảng chăm sóc sức khỏe miễn dịch tự nhiên làm cốt yếu. Ba năm tới dồn lực để mở rộng con đường này và củng cố vị trí dẫn đầu”. 

 

 Nhìn chung, dù sữa khó tránh khỏi bị ảnh hưởng khi dịch COVID-19 bùng phát và thu nhập người dân giảm, nhưng theo Nielsen, tiêu thụ sữa chỉ giảm 4% so với mức giảm 7,3% của toàn ngành FMCG. Mức giảm chủ yếu ở vùng nông thôn. Còn ở các thành phố, tiêu thụ sữa vẫn ổn định. Theo Nielsen, sữa chiếm 12% tiêu thụ hàng FMCG của người Việt trong 6 tháng đầu năm.

 

 Ngành sữa còn có thể hy vọng ở giá nguyên liệu sữa. Theo Rabobank, năm nay và cả năm sau, giá sữa nguyên liệu ước sẽ giảm, nên tỉ suất lợi nhuận ngành sữa sẽ được hỗ trợ. Các công ty sữa còn có thể tìm kiếm cơ hội thúc đẩy kinh doanh nhờ đẩy mạnh bán hàng ở kênh hiện đại. Theo SSI, tuy kênh này chỉ chiếm 10-15% doanh thu của các công ty sữa nhưng lại tăng trưởng vượt trội. Bù lại, chi phí và chiết khấu bán hàng ở kênh hiện đại lại cao hơn kênh truyền thông. Đó là lý do để các công ty sữa mở rộng bán hàng online.


Sữa hiện nằm trong top sản phẩm có lượng mua qua các nền tảng thương mại điện tử tăng trong thời kỳ đại dịch, theo Kantar Worldpanel. Sức hút của ngành sữa còn đến từ nhu cầu sử dụng sữa tươi ở Việt Nam còn thấp, bình quân khoảng 26 lít/người/năm. Con số này thấp hơn Thái Lan (35 lít/người/năm), Singapore (45 lít/người/năm), các nước châu Âu (80-100 lít/người/năm).


Rõ ràng, dù có những biến động, thay đổi trong các tên tuổi tham gia ngành sữa nhưng theo giới chuyên gia, dư địa và tiềm năng của ngành sữa vẫn lớn. Ngoài những sản phẩm sữa nước, sữa bột, các hãng còn có thể tham gia sản xuất sản phẩm phục vụ cho chế biến (bơ, phô mai, sữa chua...). Đây là những mảng chưa nhiều người để ý nhưng người tiêu dùng lại ưa chuộng
.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác