Sữa Việt Nam

Tiền Giang: Gò Công Tây: Mô hình nuôi bò sữa cho thu nhập kinh tế ổn định tại xã Đồng Thạnh

Thực hiện 05 nội dung của cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Gò Công Tây phát động nhân dân xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Qua công tác triển khai, nhận thức của cán bộ, đảng viên, các ban, ngành, đoàn thể xã, ấp và nhân dân trên địa bàn huyện được nâng lên rõ rệt. Thông qua việc tham gia xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế nổi bật, trong đó phải kể đến mô hình chăn nuôi bò sữa của anh Phạm Hữu Sáng, ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh.

 Nhận thấy mô hình trồng cỏ nuôi bò (nhất là bò lấy sữa) thời gian vừa qua cho thu nhập khá cao, anh Sáng đã mạnh dạn chuyển 6.000m2 đất trồng lúa sang trồng cỏ, đồng thời đầu tư chuồng trại đạt tiêu chuẩn để chăn nuôi bò sữa. Trại nuôi bò của gia đình anh rộng khoảng 500m2, với 02 dãy chuồng nuôi bò sữa được thiết kế thông thoáng. Mô hình đã đem lại cho gia đình anh thu nhập ổn định, với 10 con bò đang cho sữa, 05 con bò hậu bị và 06 con bò tơ. Hiện tại, mỗi ngày gia đình anh thu được hơn 120kg sữa, với giá bán 15.500 đồng/kg, thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/ngày.

 

Mô hình nuôi bò sữa của gia đình anh Sáng đã phát triển hơn 06 năm qua, liên tục cho thu nhập ổn định. Có được kết quả trên ngoài nỗ lực của bản thân, anh Sáng còn được Hội Nông dân xã tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận về kiến thức khoa học - kỹ thuật để phát triển mô hình nuôi bò sữa. Hiện tại, anh Sáng đang ký hợp đồng với Hợp tác xã Bình Tây - Thạnh Nhựt và Công ty Vinamilk để bán sữa với giá 15.500 đồng/kg. Theo hợp đồng, người nuôi phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt từ phía nhà máy đưa ra, đó là: Chuồng trại đảm bảo vệ sinh, thường xuyên phun thuốc sát trùng, tiêm ngừa các loại dịch bệnh, thức ăn không có chất cấm..., ngược lại, phía nhà máy cam kết thu mua lượng sữa hàng ngày, không giảm giá thu mua nếu chất lượng sữa đạt tất cả các chỉ tiêu yêu cầu, đồng thời, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ trong chọn giống, phối giống, phòng ngừa dịch bệnh và các hỗ trợ khác để có sản phẩm sữa chăn nuôi bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng.

 

Với cách làm sáng tạo này, anh Sáng đã cải thiện đời sống kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trên địa bàn cũng đã học tập và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn.

 

Kim Lan - Quốc Nam

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác