Sữa Việt Nam

Vĩnh Phúc: Vĩnh Thịnh thí điểm nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường

Chăn nuôi bò sữa trong những năm gần đây phát triển cơ bản thuận lợi và đạt hiệu quả kinh tế thiết thực hơn các đối tượng vật nuôi khác hiện có trên địa bàn huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) do sản phẩm sữa bò tươi được các Công ty sữa hợp đồng tiêu thụ cơ bản triệt để với giá mua sữa có lợi cho người chăn nuôi bò sữa.

 Qua 17 năm chỉ đạo thực hiện, đến nay, chăn nuôi bò sữa huyện Vĩnh Tường đã thu được nhiều kết quả quan trọng: Địa bàn chăn nuôi bò sữa mở rộng ở 14 xã, thị trấn với hơn 1.200 hộ chăn nuôi, tổng đàn bò sữa có khoảng 7.500 con, riêng xã Vĩnh Thịnh có  4.779 con ( chiếm 64% số bò sữa của toàn huyện). 

 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của sự “phát triển nóng, thiếu quy hoạch”, việc chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ, trong khu dân cư dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường  nặng nề, đặc biệt là tại xã Vĩnh Thịnh. Việc chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khu dân cư hiện nay ảnh hưởng đến  môi sinh của người dân; đồng thời dễ gặp rủi ro, thiếu bền vững và không đủ sức cạnh tranh cao trên thị trường về năng suất, chất lượng và an toàn vệ sịnh thực phẩm sữa tươi  … Vấn đề ô nhiễm môi trường sống trong khu dân cư đã trở nên báo động là tại xã Vĩnh Thịnh.  Môi trường trong khu dân cư trên địa bàn xã đang dần bị ô nhiễm do các chất thải từ chăn nuôi bò sữa và tiếng ồn từ đàn bò, động cơ máy móc phục vụ chăn nuôi phát ra. Chất thải chăn nuôi bò sữa hàng ngày rất lớn, trung bình 01 bò sữa trưởng thành mỗi ngày thải ra 25- 30 kg phân, 30- 35 lít nước tiểu và một lượng đáng kể nước rửa chuồng trại. Với quy mô đàn bò sữa như hiện nay của xã thì chất thải hàng ngày thải ra môi trường (gồm phân và nước tiểu) có đến 275 tấn/ngày đêm, trong khi đó các biện pháp xử lý như hầm biôgas, ủ phân…chưa thực hiện triệt để, từ đó thải ra môi trường dân cư, gây ô nhiễm nguồn nước mặt và bầu không khí.

 

lon

 

Một số điểm chăn thả gia súc gia cầm tự phát, sử dụng đất sai mục đích tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân

 

Theo báo cáo thống kê của Trạm y tế xã Vĩnh Thịnh năm 2014 xã chỉ có 8 người chết do ung thư, năm 2016 đã tăng  lên 12 người chết và phát hiện mới 31 người bị ung thư.

 

 Để từng bước khắc phục, tiến tới giải quyết căn bản những khó khăn tồn tại nêu trên, tạo điều kiện vừa thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập cho người dân khi chăn nuôi bò sữa; bảo vệ môi trường, sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống, Vĩnh Thịnh cần gắn kết với phát triển du lịch sinh thái, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh Vĩnh Phúc là tỉnh Công nghiệp- Du lịch- Dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.

 

UBND tỉnh Vĩnh Phúc  phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2370/QĐ-UBND ngày 19/7/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường.

 

 Hiện nay đang tiến hành  Quy hoạch và xây dựng các khu chăn nuôi bò sữa tập trung ra ngoài khu dân cư tại  xã Vĩnh Thịnh phù hợp với quy hoạch và pháp luật về đất đai theo hình thức tổ chức sản xuất trang trại đảm bảo vệ sinh môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các thôn xóm, khu vực có mật độ hộ nuôi và đàn bò sữa phát triển lớn. Phát triển sản xuất chăn nuôi bò sữa phải đảm bảo đạt được cả về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường. Qui hoạch xây dựng 03  khu chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư, tổng diện tích qui hoạch 26,5 ha . Giai đoạn 1 ( 2017- 2020): Thực hiện 50% diện tích của mỗi khu (tương đương 13,25 ha) đáp ứng ngay cho các hộ đang có nhu cầu và điều kiện kinh tế cho đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư.  Giai đoạn 2: Tiếp tục thực hiện khi các hộ có nhu cầu và trên cơ sở kinh nghiệm kết quả thực hiện giai đoạn 1 để nhân rộng.  Phát triển đàn bò sữa của xã Vĩnh Thịnh lên trên 10.000 con- Hình thành sản phẩm du lịch từ các trang trại chăn nuôi bò sữa kiểu mẫu gắn với du lịch sinh thái. Qui hoạch diện tích trồng cỏ: 150 ha.

 

Dự án Khu du lịch đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường là một dự án của tỉnh về phát triển du lịch - dịch vụ. Khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ tạo ra việc làm và  tăng thu nhập cho nhiều lao động  địa phương, làm thay đổi diện mạo của vùng nông thôn, vùng bãi trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng văn minh hiện đại, phù hợp với quy hoạch phát triển vùng. 

 

Về hỗ trợ đào tạo nghề - giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, Vĩnh Phúc quan tâm đào tạo, tạo việc làm mới cho người dân, để người dân có thu nhập ổn định hơn nhiều khi dự án đầu tư đi vào hoạt động; đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp khi đầu tư dự án sẽ phải thực hiện cam kết sử dụng lao động tại địa phương. Dự kiến khi dự án chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ cần khoảng 4.000 lao động, trong đó có khoảng 1.500 lao động phổ thông.

 

Với nhu cầu này, dự án sẽ giải quyết nhu cầu việc làm của người dân địa phương 2 xã Vĩnh Thịnh và An Tường và các vùng lân cận, tạo mức thu nhập ổn định cho người lao động. Năm 2017, huyện Vĩnh Tường đã bố trí vốn vay phát triển kinh tế, giải quyết việc làm qua NHCS XH huyện cho xã Vĩnh Thịnh 2,591 tỉ đồng/7.891,4 tỉ đồng, bình quân gấp 8 lần so với xã, thị trấn khác. Đối với 2 xã Vĩnh Thịnh, An Tường mức vay tối đa 100 triệu đồng không phải thế chấp tài sản.

 

Huyện Vĩnh Tường đang triển khai Dự án “Thí điểm tổ chức lại sản xuất, đưa chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường" ở xã Vĩnh Thịnh, giai đoạn 2017- 2020”.  Huyện phối hợp với Công ty CP Sữa Vinamilk và Công ty sữa Cô gái Hà Lan để triển khai chương trình phát triển đàn bò sữa, đề xuất hỗ trợ 9 máy ép phân xử lý môi trường Vĩnh Thịnh trị giá gần 9 tỉ đồng.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác