TT Sữa ở Việt nam

Phù phép giá sữa ?

Sau đợt tăng giá lần thứ 2 vào tháng 2/2013, mới đây một số hãng sữa bột nhập khẩu trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng giá như: Cty Friesland, Mead Johnson Nutrition VN, hãng sữa Dumex, Cty Friesland Campina VN, hãng sữa Abbott và sữa Nutrifood. Trong khi đó, những tháng vừa qua giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ở mức ổn định và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng, các chi phí khác vẫn khá ổn định. Sự vô lý này đã được các hãng sữa “phù phép” như thế nào?

Người tiêu dùng chưa được hậu thuẫn

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng VN

Với khuôn khổ pháp lý hiện tại, hoàn toàn chúng ta có thể tiến hành điều tra và xác định được các DN sữa có hành vi vi phạm.

Sữa là mặt hàng nằm trong diện bình ổn giá, thế nhưng lâu nay cứ mỗi lần giá sữa thế giới tăng thì các DN nhập khẩu sữa trong nước lại “viện cớ” để thổi giá khiến người tiêu dùng điêu đứng. Vậy câu hỏi đặt ra, việc các DN đổ lỗi cho giá sữa thế giới tăng liệu có hợp lý và trách nhiệm của cơ quan chức năng đặt ở đâu khi giá sữa hiện đang tự tung tác trên thị trường ?

Trong khi đó, những tháng vừa qua giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ở mức ổn định và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng, các chi phí khác vẫn khá ổn định. Vì vậy, quyết định tăng giá từ đầu năm tới nay tôi cho là một sự bất hợp lý. Thế nhưng, những nhận định đó cũng chẳng có ý nghĩa gì vì đã bao nhiều lần bị khẳng định là vô lý, bất hợp lý nhưng các hãng sữa vẫn tăng giá. Rõ ràng, hiện nay, chúng ta chưa có nghiên cứu nào để xác định rõ ràng những yếu tố mà các hãng sữa lấy lý do để tăng giá là có chính xác hay không? Điều này, chỉ có cơ quan nhà nước có chuyên môn mới có khả năng và phải quyết tâm mới có thể làm được. Với khuôn khổ pháp lý hiện tại, hoàn toàn chúng ta có thể tiến hành điều tra và xác định được các DN sữa có hành vi vi phạm pháp luật. Vấn đề là khi nào thì người tiêu dùng mới được sự hậu thuẫn “chân thành” của các cơ quan quản lý nhà nước.

Với nguồn kinh phí nhà nước cấp, các cơ quan chức năng không khó để tìm ra nguồn gốc sự việc bởi trong thời buổi công nghệ thông tin, giá chào, giá bán như thế nào, giá giao dịch thực tế ra sao, ở nước nào đều có thể tìm ra. Vấn đề là họ không thích và không chịu làm, chỉ cho thấy mình vào cuộc khi có thông tin hãng sữa tăng giá trong khi họ chính là đầu mối thông tin trong việc này cho người tiêu dùng. Việc các hãng sữa có đăng ký giá trước khi tăng hay không, có khả năng liên kết bí mật để tăng giá hay không… chỉ có cơ quan quản lý là rõ nhất.

“Lực bất tòng tâm”

 

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp Hội siêu thị Hà Nội

Quản lý giá sữa bằng các công cụ hành chính là thất bại, chưa kể việc “đá” trách nhiệm”giữa các cơ quan quản lý.

Việc quản giá sữa thời gian vừa qua “lực bất tòng tâm”. Chúng ta đang áp dụng các biện pháp hành chính cứng nhắc trong việc quản lý giá sữa bằng cách đi kiểm tra giá, xử phạt các vi phạm về giá. Nhưng thử hỏi chúng ta có bao nhiêu chuyên gia trong lĩnh vực giá thực hiện việc này. Chưa kể, có hàng nghìn mặt hàng sữa chúng ta không thể có đủ lực lượng và thời gian để kiểm tra hết. Do vậy, quản lý bằng các công cụ hành chính là thất bại và kiểm soát giá sữa chính là một thất bại. Đó là chưa kể việc “đá trách nhiệm” giữa các cơ quan quản lý thường xuyên diễn ra.

Việc đưa cả các sản phẩm thực phẩm bổ sung vào kê khai giá, niêm yết và quản lý giá theo đề xuất của các chuyên gia trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Dù đây chỉ là giải pháp trước mắt, nhưng có quản lý thì các hãng sữa còn dè chừng khi tăng giá hơn là không có sự quản lý

Về lâu dài thì chúng ta phải có các biện pháp căn cơ hơn. Thực tế hiện nay, sản xuất sữa của chúng ta đang quá yếu. Thời gian qua, giá sữa của các đơn vị trong nước chỉ tăng ở mức thấp nhưng sữa của nước ngoài vào VN tăng nhiều. Cả nước có tới trên 200 Cty tư nhân chuyên nhập khẩu sữa, không có TCty nhà nước nào nhập nên giá sữa dễ bị thao túng.

Cái gốc cuối cùng vẫn là sản xuất của ta. Nhà nước phải có cơ chế cho sản xuất sữa trong nước phát triển. Sữa bột, sữa nước của ta phải phát triển để cạnh tranh ngang bằng với sữa ngoại (sữa nước của Vinamilk hiện đã chiếm lĩnh tới 50% thị phần, sữa bột của ta thì còn kém). Dù khó khăn, lâu dài, chúng ta cũng phải làm vì không có sự bắt đầu thì không bao giờ làm được. Chỉ có cách đầu tư dài hạn cho sản xuất, còn trước mắt thì khó mà quản được thị trường sữa hiện nay. Nhà nước cần có chính sách miễn thuế cho nông dân nuôi bò sữa, cho đồng cỏ và thiết bị sản xuất sữa, có các cơ chế về tín dụng, lãi suất...

Thị trường sữa bột trong tay nước ngoài.

 

Ông Nguyễn Tuấn Khải - Chủ tịch Cty Cổ phần sữa Quốc tế (IDP)
 
Khi mà thị trường vẫn còn năm trong tay các ông chủ nước ngoài thì việc thị trường sữa bị thao túng là điều khó tránh khỏi.

Thị trường sữa bột là một thị trường tiềm năng nhưng rất khó tính, nó khác nhiều so với sữa tươi.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho giá sữa bột không ngừng tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên có một nguyên nhân ít được nhắc đến nhưng nó lại là nguyên nhân chính khiến cho giá sữa liên tục tăng đó chính là việc thị trường sữa bột đang nằm trong tay các ông chủ nước ngoài. Khi thị trường bị phụ thuộc hoàn toàn vào các ông chủ nước ngoài thì quyền điều phối giá nằm trong tay họ và việc họ thao túng giá là điều khó tránh khỏi.

Mặt khác, về nguyên liệu sữa bột, hiện nay trong nước vẫn chưa thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về kĩ thuật. Làm sữa tươi cứ vắt sữa ra, làm tiệt trùng là bán được, là có lời nhưng đối với sữa bột rất phức tạp, đòi hỏi phải có quy trình, công nghệ cao từ khâu chăn nuôi đến chế biến. Điều đó đồng nghĩa với việc các DN sẽ phải đầu tư lớn. Đây cũng là lý do các DN trong nước mới chỉ tập trung làm sữa tươi, dễ “ ăn”.

Chúng ta đã đưa ra rất nhiều giải pháp để mong  quản lý và “ổn định” thị trường sữa nhưng khi các DN trong nước vẫn chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu sữa bột, khi mà thị trường vẫn còn năm trong tay các ông chủ nước ngoài thì việc thị trường sữa bị thao túng là điều khó trách khỏi. Đây là một bài toán rất phức tạp không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Một nguyên nhân quan trọng khác là cơ chế quản lý giá chưa tạo ra sự canh tranh công bằng cho các DN sữa trên thị trường. Trong khi, chúng ta khống chế DN sản xuất sữa trong nước chỉ được chi 10% tổng doanh thu cho quảng cáo, nhưng lại không khống chế đối với DN kinh doanh sữa nhập khẩu.

Nhiều kẽ hở để DN lợi dụng

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính:
Từ đầu năm 2013 đến nay, Cục chưa nhận được đề nghị nào về tăng giá sữa mà chỉ nhận được đề nghị tăng giá từ những SP mà trước đây gọi là sữa...

Theo Luật giá, chỉ mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi mới nằm trong danh mục bình ổn giá nên khi tung các sản phẩm mới ra thị trường hay có sự điều chỉnh tăng hoặc giảm các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thì cần phải thực hiện việc đăng ký giá. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế đã ban hành quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng. Trên cơ sở tiêu chuẩn này, nhiều sản phẩm trước đây được ghi là sữa và đăng ký giá tại Bộ Tài chính, Sở Tài chính đã được DN thay đổi tên gọi và đăng ký với tên gọi mới như: thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng... Theo đó, những mặt hàng có tên gọi này không nằm trong danh mục được bình ổn giá nên việc điều chỉnh giá không bắt buộc phải đăng ký.

Từ đầu năm 2013 đến nay, Cục chưa nhận được đề nghị nào về việc tăng giá sữa mà chỉ nhận được đề nghị tăng giá từ những sản phẩm mà trước đây gọi là sữa.

Mặc dù Luật Quản lý giá có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, nhưng nghị định và các thông tư hướng dẫn thực hiện đến nay vẫn chưa được ban hành. Trong khi đó, Luật Giá và Pháp lệnh giá đều hết hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Vì vậy, các DN đã lợi dụng kẽ hở này đổi tên sản phẩm sữa để tăng giá vô tội vạ. Do đó, để bình ổn giá các mặt hàng này thì Bộ Y tế cần phải chuẩn hoá tên mặt hàng - điều này là rất quan trọng, từ đó đưa vào kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét đưa mặt hàng này vào danh mục mặt hàng bình ổn giá hay không. Chúng tôi cũng mong Tổ điều hành thị trường, Bộ Công Thương sớm có kiến nghị với Bộ Y tế để có ý kiến thống nhất, có sự phối hợp chung giữa các ngành các cấp kiểm soát về giá sữa tốt hơn, ngăn chặn được việc lách luật của các DN, đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng.
 

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa kiến nghị Bộ Công Thương thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra 3 vấn đề: Thương phẩm, chất lượng và giá cả các mặt hàng sữa.

Phan Nam, Mai thanh

Nguồn: dddn.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác

Bảng giá

Dairy
Price
2011
Price
2011
Price
2010
Price
2010
Price
2010
Grains, Livestock & Hay
Price
2012
Price
2011
Price
2011
Price
2010