Giải pháp cho hộ nông dân

Hiệu quả từ mô hình liên kết chăn nuôi bò sữa

(Dairy Vietnam) Trong khi nhiều địa phương, doanh nghiệp vẫn loay hoay với việc liên kết 4 nhà trong nông nghiệp thì ở Lâm Đồng, một mô hình liên kết được đánh giá cao không chỉ từ chính những người tham gia liên kết mà còn cả những chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước. Đó là mô hình Liên minh hợp tác chăn nuôi bò sữa Hiệp Thạnh giữa Công ty cổ phần sữa Đà Lạt (Dalat milk) với tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa Hiệp Thạnh (Huyện Đức Trọng – Lâm Đồng).

hông phải đến khi có sự hỗ trợ của Dự án cạnh tranh nông nghiệp do Ngân hàng thế giới tài trợ, việc liên kết giữa những nông dân nuôi bò sữa ở Hiệp Thạnh với Dalat milk mới diễn ra. Tuy nhiên có thể nói với sự hỗ trợ của Dự án cạnh tranh nông nghiệp, mối liên kết này được nâng lên tầm cao mới, có tính chất mới nhờ có sự bảo đảm của “Nhà nước” về mặt pháp lý cũng như sự hỗ trợ về mặt tài chính, kỹ thuật…, trở thành một “liên minh” vững chắc cho sự phát triển của tất cả các bên tham gia.

Chỉ mới chính thức ra đời một năm (từ tháng 10/2010) nhưng Liên minh hợp tác chăn nuôi bò sữa Hiệp Thạnh đã đạt được những kết quả hơn cả mong đợi. Nếu như trước đây từng hộ dân ký hợp đồng bán sữa cho Dalat milk thì giờ đây, 67 hộ dân nuôi bò sữa đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác và toàn quyền bầu người đại diện của Tổ để lo về mọi vấn đề trong khuôn khổ hợp tác với Dalat milk cũng như lo các khoản hỗ trợ cho tổ viên. Tính đến nay, Liên minh này đã hỗ trợ với tỉ lệ vốn lên đến 60% mua cho tổ viên trong liên minh được 29 con bò sữa, 4 máy phát điện, 9 máy vắt sữa, làm mới 6 chuồng trại và sửa chữa 7 chuồng trại khác với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Không chỉ thế, tất cả các tổ viên tham gia liên minh đều được tập huấn và hỗ trợ, tư vấn…về việc lựa chọn con giống bò sữa, thực phẩm và cách chế biến thực phẩm cho bò sữa, chế độ dinh dưỡng cho bò sữa trong từng thời kỳ, công nghệ và kỹ thuật vắt sữa, bảo quản sữa, cách vệ sinh chuồng trại…

Ông Lê Hồng Duyên – Tổ trưởng tổ hợp tác trong liên minh hồ hởi nói: Một năm liên minh ra đời và đi vào hoạt động, Dalat milk mua của các hộ nuôi bò sữa trong liên minh khoảng 700 tấn sữa tươi với mức giá hấp dẫn. Lợi ích về kinh tế cũng như các vấn đề pháp lý khác mà người nuôi bò sữa có được từ việc tham gia liên minh này là khá cao. Cụ thể mức lợi nhuận mà tổ viên trong liên minh đạt được trong năm qua là hơn 2 tỷ đồng.

“Với liên minh này, chúng tôi có thêm được một nguồn nguyên liệu chất lượng cao, ổn định tại chỗ mà không phải đầu tư nhiều. Chúng tôi cũng có thêm nguồn tài chính để quảng bá, tiếp thị mở rộng thị trường” – Ông Nguyễn Đắc Cường, Phó Tổng Giám đốc Dalat milk cho biết.

Triển vọng của một hướng đi mới

Nhờ cách làm đúng với nhu cầu thực tế, đáp ứng nguyện vọng của các bên tham gia… Liên minh hợp tác chăn nuôi bò sữa Hiệp Thạnh đã từng bước đạt được các mục tiêu quan trọng. Đó là đã tạo được sự “gặp gỡ” giữa nông dân sản xuất nhỏ với doanh nghiệp trong hướng phát triển của các bên, từng bước định hình và nâng cao khả năng cạnh tranh của những nông dân sản xuất nhỏ thông qua việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường ở quy mô lớn để từ đó xóa bỏ được bất cập về việc doanh nghiệp cần khối lượng nguyên liệu hàng hóa lớn, nông dân có hàng hóa nhưng lại không bán được. Nông dân được c ung cấp và ứng dụng công nghệ sản xuất mới, tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao, ổn định cho doanh nghiệp…

“Chúng tôi được lợi về kinh tế, về kỹ thuật…khi tham gia liên minh và hơn thế nữa. Điều mà các tổ viên nông dân thấy hài lòng nhất đó là Dalat milk luôn đảm bảo mua hết sữa tươi của các tổ viên với giá cao dù lượng sữa phát sinh khá nhiều do tổ viên tăng đàn bò. Việc thu mua của Dalat milk rất minh bạch chứ không lập lờ, ép cấp ép giá” - ông Lê Hồng Duyên – Tổ trưởng tổ hợp tác của Liên minh này khẳng định. Cũng theo ông Duyên, điều mà người nông dân sợ nhất trong ký hợp đồng với các doanh nghiệp là tranh chấp pháp lý thì với cách làm của liên minh này, mọi thắc mắc đều được những người đại diện cho các bên trong liên minh giải quyết ngay từ khi mới nảy sinh theo hướng hài hòa lợi ích cho tập thể giữa các bên. Như vậy việc hình thành liên minh như Liên minh hợp tác chăn nuôi bò sữa Hiệp Thạnh còn tạo được niềm tin và cơ sở pháp lý cho nhau, giải quyết được cái đáng lo nhất liên kết, hợp tác nhỏ lẻ lâu nay đó là một trong các bên, hoặc hộ nông dân hoặc doanh nghiệp tự ý phá vỡ hợp đồng khi thị trường tự do có những biến động về giá cả.

Thời gian hỗ trợ liên minh của Dự án cạnh tranh nông nghiệp chỉ 2 năm. Thế nhưng với cách làm cũng như những gì đã đạt được và vì lợi ích lâu dài, chắc chắn liên minh sẽ tiếp tục được phát triển. Đó là niềm tin chung của các bên tham gia liên minh. “Chắc chắn thời gian tới quy mô hợp tác của liên minh sẽ lớn hơn vì đàn bò của 67 hộ chúng tôi đã tăng lên gần 500 con. Ngoài ra có nhiều hộ khác cũng xin tham gia liên minh” - ông Lê Hồng Duyên cho biết.

Từ hiệu quả của liên minh hợp tác chăn nuôi bò sữa Hiệp Thạnh, một liên minh mới nữa cũng đang chờ “phát hiệu” chính thức ra đời trong tháng tới giữa Dalat milk với những hộ nông dân ở Đơn Dương - vùng nuôi bò sữa lớn nhất Lâm Đồng. Đó là liên minh HTX bò sữa Cầu Sắt. Theo ông Chu Bá Thông – Giám đốc Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, việc ra đời các liên minh như thế là điều cần khuyến khích, nhân rộng và đó là triển vọng của một hướng đi mới trong nông nghiệp nông thôn ở Lâm Đồng./.

Nguồn: TTXVN
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác