Quản lý chăn nuôi bò sữa

Cẩm nang phòng và điều trị bệnh viêm vú trên bò sữa

Nhằm cung cấp thêm thông tin, kinh nghiệm về việc phòng và điều trị bệnh viêm vú trên bò sữa, website Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu “Cẩm nang phòng và điều trị bệnh viêm vú trên bò sữa” do Trung Tâm Khuyến Nông Tp. Hồ Chí Minh biên soạn dưới dạng hỏi - đáp để giúp các hộ chăn nuôi bò sữa nắm vững phương pháp, chẩn đoán chính xác bệnh và có biện pháp điều trị thích hợp, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa Thành phố phát triển bền vững, ổn định.

Trong những năm qua, nghề chăn nuôi bò sữa tại Thành phố Hồ Chí Minh phát triển khá ổn định. Tính đến đầu năm 2007, tổng đàn bò sữa tại Thành phố khoảng 58.300 con, cung cấp sản lượng sữa hàng hóa đạt gần 157.000 tấn/năm. Đây là sản phẩm hàng hóa nông nghiệp khá ổn định, vì có sự bao tiêu sản phẩm của các công ty Vinamilk và Dutch Lady.

  Tuy nhiên, khi Việt Nam đã chính thức gia nhập tổ chức WTO thì thách thức của việc hội nhập thị trường thế giới đòi hỏi chất lượng của sản phẩm ngày càng cao. Để hòa nhập trong môi trường cạnh tranh mới nông hộ cần phải nâng cao trình độ kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi có hiệu quả. Số liệu khảo sát gần đây cho thấy, đàn bò sữa Tp. Hồ Chí Minh có tỉ lệ mắc bệnh viêm vú tiềm ẩn  khá cao, cần có những biện pháp khắc phục kịp thời để đảm bảo chất lượng sữa sản xuất ra có thể đáp ứng thị trường cạnh tranh trong giai đoạn mới.

Nhằm cung cấp thêm thông tin, kinh nghiệm về việc phòng và điều trị bệnh viêm vú trên bò sữa, Trung Tâm Khuyến Nông Tp. Hồ Chí Minh biên soạn sách: “Cẩm nang phòng và điều trị bệnh viêm vú trên bò sữa” dưới dạng hỏi - đáp để giúp các hộ chăn nuôi bò sữa nắm vững phương pháp, chẩn đoán chính xác bệnh và có biện pháp điều trị thích hợp, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa Thành phố phát triển bền vững, ổn định.

  Trong quá trình biên soạn có thể còn nhiều thiếu sót, rất mong nhận được sự góp ý của các đồng nghiệp, bà con nông dân để nội dung tài liệu hoàn thiện hơn.

 

 

                                                             Trung Tâm Khuyến Nông TP.HCM

 
CẨM NANG

 

 

 

PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH
VIÊM VÚ TRÊN BÒ SỮA

 
1. Hỏi: Tác hại của bệnh viêm vú trong chăn nuôi bò sữa ở nông hộ?

Đáp: Viêm vú là bệnh xảy ra khá phổ biến trên đàn bò sữa. Theo khảo sát cho thấy, tỷ lệ bò cái cho sữa mắc bệnh viêm vú chiếm khoảng 60% trong tổng đàn. Tuy không gây chết ngay cho bò mắc bệnh, nhưng thiệt hại về kinh tế là khá lớn, thậm chí phải loại thải vật nuôi. Do đó, nông hộ cần có biện pháp phòng bệnh để hạn chế thiệt hại kinh tế do bệnh viêm vú gây ra như:

- Trên bò đang vắt sữa, bệnh sẽ làm giảm khả năng tiết sữa (từ 10 – 30%) và chất lượng sữa; gây một số biến chứng hoặc tổn thương trực tiếp trên bầu vú (nang tuyến vú, ống dẫn sữa, thậm chí có thể gây teo bầu vú), ảnh hưởng đến chu kỳ sinh sản tiếp theo.

- Trên bê con đang bú sữa mẹ sẽ kém phát triển, tỉ lệ bệnh và chết cao.
- Nông hộ sẽ bị lỗ do năng suất sữa giảm, chất lượng sữa kém, bò cái sẽ chậm sinh sản hoặc phối giống không đậu thai.
 
2. Hỏi: Tại sao bò sữa bị viêm vú?

Đáp: Viêm vú ở bò là loại bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng đa số các trường hợp là do nhiễm trùng trực tiếp qua đầu vú. Có thể chia thành 4 nhóm nguyên nhân chính gây bệnh viêm vú trên bò sữa:

 
* Vật nuôi:

  - Do bò sữa có bầu vú quá to, núm vú dài thường gặp nhất là trên bò cao sản. Trong quá trình cho bê con bú hoặc vắt sữa làm xây xát, bầu vú bị tổn thương tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở này.

  - Ở một số con bò sữa, cơ vòng núm vú không co thắt hoặc co thắt yếu làm lỗ núm vú hở, tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng xâm nhập.

* Môi trường:
  - Do chăn nuôi kém vệ sinh.
- Chuồng trại không thông thoáng, thiếu ánh sáng. Nền chuồng dơ bẩn, ẩm ướt.
- Không có chỗ vắt sữa riêng, chỗ vắt sữa không sạch sẽ.
- Mật độ chăn nuôi dày, dinh dưỡng kém.
* Con người:
  - Do thao tác vắt sữa không đúng.
  - Không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh trước và sau khi vắt sữa.
* Vi khuẩn:

- Do nhiều loại vi khuẩn và nấm gây bệnh xâm nhập vào tuyến vú qua các vết thương ở bầu vú, núm vú. Sữa là môi trường rất tốt cho vi khuẩn và nấm sinh sôi phát triển nhanh gây ra các ổ viêm, phá hoại các tổ chức tuyến sữa. Các vi khuẩn gây bệnh viêm vú bò chủ yếu là Streptococcus (liên cầu khuẩn) chiếm 86%, Staphylococcus (tụ cầu khuẩn) chiếm 5,4%; và một số Enterococcus (vi khuẩn đường ruột). Ngoài ra còn có vi khuẩn lao, virus FMD và nấm Candida albicaus (theo Tài liệu Giải phẩu sinh lý và sinh sản bò cái – TS. Đinh Văn Cải - 2002) cũng có khả năng gây bệnh viêm vú bò. Đặc biệt nhóm Streptococcus agalactiae, Streptococcus dysagalactiae có khả năng gây viêm vú truyền nhiễm lây lan chủ yếu qua người vắt sữa, dụng cụ chăn nuôi.

  Các loại vi khuẩn, nấm trên thường xuyên có mặt trong môi trường chăn nuôi, do đó nếu công tác vệ sinh chuồng trại, nơi vắt sữa, bầu vú bò trước và sau khi vắt sữa không tốt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào bầu vú gây viêm vú.

 
 
3.Hỏi: Có mấy loại viêm vú? Mối nguy hại của chúng ra sao?
Đáp: Bệnh viêm vú trên bò sữa chia làm 2 loại:

- Viêm vú lâm sàng, là sự nhiễm trùng bầu vú, thể hiện triệu chứng qua sự thay đổi hình dạng bầu vú, mức độ thay đổi tính chất của sữa, có các triệu chứng  bệnh thể hiện ra bên ngoài rõ rệt. Căn cứ vào những biến đổi về bệnh lý và triệu chứng lâm sàng, người ta chia làm 4 dạng khác nhau: viêm vú thể tương mạc, viêm vú thể cata, viêm vú có mủ, viêm vú có máu. Tùy theo mức độ nhiễm bệnh và thể bệnh sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sữa, gây tổn thương bầu vú. Trường hợp nặng bò sữa có thể chết do biến chứng nhiễm trùng huyết.

  - Viêm vú tiềm ẩn, là thể viêm không có các triệu chứng thể hiện ra bên ngoài rõ rệt, chỉ được phát hiện qua các xét nghiệm mức độ nhiễm vi sinh trên sữa hoặc qua nuôi cấy vi trùng, nhưng không có sự thay đổi rõ rệt về mặt cảm quang của sữa. Viêm vú tiềm ẩn rất nguy hiểm vì có thể làm gia tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh viêm vú cho toàn đàn, nhất là trong trường hợp vắt sữa bằng máy.

 
4. Hỏi: Thế nào là bệnh viêm vú thể tương mạc?
Đáp: Bệnh thường xảy ra vài ngày sau khi sinh, biểu hiện:
- Con vật có hiện tượng sốt toàn thân (39,5 – 40oC), ít hoạt động, kém ăn và lượng sữa giảm.
- Bầu vú bị xung huyết, sưng ở một thùy hay toàn bộ bầu vú. Con vật có phản ứng đau khi ấn mạnh vào bầu vú.
- Lượng sữa sẽ giảm rõ rệt ở thùy vú sưng.
- Lúc đầu, sự biến đổi trên sữa không rõ rệt nhưng khi bệnh lan rộng sẽ thấy sữa loãng, có những hạt lợn cợn.

Bệnh viêm vú thể tương mạc do các loại vi khuẩn Staphylococci, Streptococci, E.coli xâm nhập qua các vết trầy, xây xát trên bầu vú đi vào tuyến vú gây bệnh. Bệnh cũng có thể kế phát do viêm tử cung, viêm nội mạc tử cung, vi khuẩn theo đường máu đến tuyến vú gây bệnh. Nếu bệnh nhẹ, sau 7 – 10 ngày hiện tượng viêm giảm nhưng có thể chuyển sang thể mãn tính. Khi bầu vú bị tổn thương nặng có thể bị xơ cứng, mất khả năng tiết sữa ở chu kỳ sau.

 
5. Hỏi: Thế nào là viêm vú thể cata?

Đáp: Đặc trưng của bệnh viêm vú thể cata là tế bào thượng bì biến dạng bị bong tróc ra, ở chỗ viêm có dịch thẩm xuất. Dịch này cùng với tế bào bạch cầu tạo ra một màng phủ trên niêm mạc đường tiết sữa. Khi vắt sữa, màng này tróc ra lẫn vào sữa tạo thành cặn sữa và đôi khi cặn sữa này làm tắt nghẽn ống dẫn sữa. Nếu tiếp tục vắt sữa, thời gian sau có thể sữa trở lại bình thường nhưng lượng sữa sẽ giảm đi. Kiểm tra bằng mắt thường thấy bầu vú gần như trở lại bình thường nhưng thành vú dầy lên và mềm, kiểm tra bằng tay thấy bên trong đầu vú có những cục mềm.

Bệnh viêm vú thể cata do vi khuẩn Staphylococci, Streptococci hay E. coli xâm nhập khi cơ vòng đầu vú không khép kín. Vi khuẩn đi vào bể sữa đến các tuyến vú gây viêm. Ngoài ra, bệnh viêm vú thể cata còn do các nguyên nhân: nền chuồng không sạch, sử dụng chung khăn lau vú cho bò, hoặc do việc vệ sinh vắt sữa kém gây lây nhiễm từ bò bệnh sang bò khỏe mạnh. Thông thường, bệnh này sau 7 – 10 ngày nếu được chăm sóc tốt thì bò sẽ khỏi bệnh, ít ảnh hưởng đến sản lượng sữa và con vật không có biểu hiện triệu chứng toàn thân.

 
6. Hỏi: Thế nào là viêm vú có mủ?

Đáp: Đặc trưng của dạng này là vi khuẩn gây mủ tạo ra các ổ viêm lan tràn trong tuyến vú làm cho mủ và dịch thẩm xuất chảy xuống ống dẫn vào bể sữa. Thể viêm này thường kế phát từ thể viêm cata.

Thể cấp tính: Con vật thể hiện triệu chứng toàn thân, sốt cao 40 – 41oC, mệt mỏi, bỏ ăn, thùy vú sưng, nóng, đỏ, đau. Lượng sữa giảm hay ngưng hẳn, trong sữa có lẫn các cục sữa vón và dịch mủ màu vàng hay vàng nhạt.

Thể mãn tính: Con vật qua thời kỳ cấp tính 3 – 4 ngày bệnh sẽ chuyển sang thể mãn tính. Bầu vú giảm hiện tượng sưng, nóng, đỏ, đau nhưng lượng sữa tiếp tục giảm và trong sữa loãng có các cặn mủ và nhớt màu vàng nhạt. Nếu bệnh chuyển sang thể mãn tính, điều trị không kịp thời thì các tuyến sữa bị teo, các tổ chức liên kết tăng lên thì lượng sữa khó trở lại bình thường. Có trường hợp bầu vú mắc bệnh đã điều trị khỏi nhưng ở chu kỳ sinh sản tiếp theo bệnh sẽ tái phát.

 
7. Hỏi: Thế nào là viêm vú có máu?

Đáp: Đặc trưng của bệnh này là các thùy vú có nhiều bọc mủ to nhỏ khác nhau, thường do tái phát thể viêm cata có mủ. Khi đường tiết sữa bị tắc thì bọc mủ hình thành, các tổ chức của ống tiết sữa bị xuất huyết và tụ huyết. Bình thường ở thể cấp tính, con vật sốt cao 40 – 41oC kéo dài hàng tuần, thú mệt mỏi, kém ăn, có thể sưng một bên hay toàn bầu vú. Trên bầu vú có từng đám tụ huyết đỏ sẩm, con vật có biểu hiện đau đớn khi ta ấn tay vào bầu vú. Lượng sữa giảm hẳn hay ngưng tiết sữa, sữa loãng có màu hồng hay đỏ như máu, có những mảnh sữa vón lại. Bệnh tiến triển nhanh, biến chứng thường xảy ra nhiễm trùng huyết, con vật sẽ chết sau 7 - 9 ngày.

 
8. Hỏi: Biểu hiện của bệnh viêm vú tiềm ẩn ra sao?

Đáp: Bệnh viêm vú tiềm ẩn là bệnh không gây hiện tượng viêm trên các tổ chức của tuyến vú mà sự có mặt của các vi khuẩn trong bầu vú chỉ làm thay đổi tính chất và giảm sản lượng sữa từ từ. Chính vì không có các triệu chứng rõ rệt nên người chăn nuôi rất khó phát hiện, nguy cơ lây lan mầm bệnh trong toàn đàn cao, gây thiệt hại về kinh tế rất lớn.

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh viêm vú tiềm ẩn là do:
- Bệnh viêm vú trước đó không được điều trị khỏi hẳn, bệnh chuyển sang thể mãn tính và tái phát khi có điều kiện thuận lợi;

- Sức đề kháng của cơ thể con vật kém trong quá trình chăm sóc dinh dưỡng và vệ sinh môi trường, chuồng trại kém, nhiệt độ thời tiết thay đổi bất thường sẽ làm bệnh bộc phát.

 
 
9. Hỏi: Làm thế nào để biết được bò bị bệnh viêm vú?

Đáp: Chẩn đoán bệnh viêm vú là yếu tố quyết định để khống chế sự nhiễm trùng trên bầu vú. Chẩn đoán sớm sẽ giúp điều trị nhanh chóng, thú mau lành bệnh và hạn chế thiệt hại do các biến chứng của bệnh viêm vú. Các phương pháp để chẩn đoán và xác định bệnh viêm vú:

1.   Kiểm tra qua triệu chứng lâm sàng trên bầu vú: là biện pháp đơn giản, ít tốn kém nhưng rất quan trọng để xác định bệnh viêm vú trên bò sữa.

Cách làm: kiểm tra những biến đổi bất thường về màu sắc, hình dáng, kích thước của bầu vú, đầu núm vú, lỗ tiết sữa, sự phát triển hệ thống mạch máu trên bầu vú qua việc quan sát bằng mắt, sờ nắn bầu vú để sớm phát hiện các ổ viêm trên bầu vú.

2. Kiểm tra sữa và dịch tiết trong sữa: được đánh giá qua các chỉ tiêu về màu sắc, mùi và sản lượng sữa giảm, thử CMT sữa để chẩn đoán thể viêm và mức độ viêm.

 
10.Hỏi: Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh viêm vú tiềm ẩn trên bò sữa?

Đáp: Đối với trường hợp viêm vú tiềm ẩn hoặc viêm vú lâm sàng thể nhẹ rất khó phát hiện bằng mắt thường hoặc thông qua việc sờ khám bầu vú. Hiện nay, các nông hộ chăn nuôi thường chẩn đoán nhanh bệnh viêm vú bằng các phương pháp sau:

- Phương pháp thử cồn 700-750: dựa vào nguyên tắc chất đạm trong môi trường acid sẽ bị tủa bởi cồn. Tỷ lệ cồn và sữa là 1:1.
Cách tiến hành:
Bước 1: cho 2ml sữa vào 2ml cồn chứa trong ống nghiệm.
Bước 2: lắc nhẹ, sau đó quan sát trên thành ống nghiệm.
Bước 3: đọc kết quả:
  - Dung dịch đồng nhất: bò không có bệnh.
- Có mảng bám lợn cợn trên thành ống nghiệm: khả năng bò bị nhiễm bệnh.

- Phương pháp thử CMT (California Mastitis Test): là phương pháp nhằm phát hiện bệnh viêm vú qua số lượng tế bào bạch cầu trong 1ml sữa. Hiện nay, đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán viêm vú tiềm ẩn.

Tỷ lệ sữa và dung dịch CMT là 1:1.
Cách tiến hành:
Bước 1: lau sạch núm vú trước khi vắt sữa.
Bước 2: vắt sữa của 4 núm vú vào 4 đĩa Pétri khác nhau, mỗi đĩa lấy 2ml sữa.
Bước 3: cho 2ml dung dịch CMT vào từng đĩa.
Bước 4: xoay tròn đĩa, đặt đĩa Pétri trên nền hơi tối để quan sát.
Bước 5: đọc kết quả dựa trên sự đóng vón và thay đổi màu sắc của hỗn hợp.
 
Ðộ đồng nhấtt
Màu sắc
 
Kết quả

 

 

Số lượng tế bào bạch cầu/
1ml sữa

 

 

Kết luận
- Hỗn hợp đồng nhất.
- Hỗn hợp lợn cợn.
 
- Sự đóng ván nhìn thấy.
- Sự đóng ván dày thành từng đám nhớt.
- Sự đóng ván dày giống lòng trắng trứng.
màu xám
màu xám hoi ngã tím
màu xám tím
 
màu tím         
 
màu tím đậm
0
 
 
 
+
 
+ +
 
 
+ + +
 
0 200.000 tế bào/ml
200.000 tếbào/ml
 
400.000 tếbào/ml
 
800.000 tế bào/ml
 
 
5.000.000 tế bào/ml
không viêm
nghi ngờ
 
 
viêm
 
viêm
 
 
viêm nặng
 
(Nguồn: TS. Đinh Văn Cải – 2002; TS. Nguyễn Văn Thành - 2004)
 
Kết quả:
-    Bò khỏe mạnh: dưới 300.000 tế bào bạch cầu/ 1ml sữa.
-    Bò bị nhiễm bệnh: trên 800.000 tế bào/ 1ml sữa.
Khi thấy kết quả khả nghi bệnh, nên cách ly bò bệnh để tránh sự lây lan cho bò khỏe, mời bác sĩ thú y đến để điều trị kịp thời.

Ngoài ra có thể dùng Phương pháp thử Blue Methylen dựa vào nguyên tắc sự mất màu của thuốc thử khi cho vào sữa, tùy theo thời gian đổi màu thuốc thử có thể ước tính mức độ nhiễm vi sinh của sữa.

Cách tiến hành:
Bước 1: cho 10ml sữa và 1ml dung dịch Blue methylen vào trong ống nghiệm.
Bước 2: lắc nhẹ cho dung dịch trộn đều sau đó để vào tủ ấm 37C. Sau mỗi 1 giờ lắc nhẹ một lần.
Bước 3: đọc kết quả qua thời gian mất màu của dung dịch Blue methylen như sau:
 + Nếu mất màu trước 15 phút, sữa bị nhiễm vi sinh rất nặng.
 + Nếu mất màu sau 15 phút – 1 giờ, sữa bị nhiễm vi sinh nặng.
 + Nếu mất màu sau 1 giờ - 3 giờ, sữa bị nhiễm vi sinh nhẹ.
+ Nếu mất màu sau hơn 3 giờ, sữa được xem là đạt tiêu chuẩn về mức độ nhiễm vi sinh.

Tuy nhiên phương pháp này chỉ xác định mức độ nhiễm vi sinh trong sữa. Để có thể xác định bò có bị bệnh viêm vú hay không, cần kết hợp với 2 phương pháp xét nghiệm trên.

 
 
11.Hỏi: Khi trong đàn có bò bị bệnh viêm vú, nông hộ phải làm gì để hạn chế sự lây lan bệnh?
Đáp:Khi phát hiện trong đàn có bò bị bệnh viêm vú, nông hộ cần phải:
          * Đối với bò bị bệnh:
- Cách ly thú bệnh sang khu vực riêng biệt.
- Không khai thác sữa bò bệnh để bán, mà vắt sữa bỏ vào hố được sát trùng kỹ lưỡng.

- Mời bác sĩ thú y đến khám và điều trị bệnh (trước tiên nên thử kháng sinh đồ để dùng thuốc có hiệu quả hơn, giảm chi phí điều trị cho bò).

  * Đối với bò khỏe: ta nên áp dụng đúng quy trình kỹ thuật vắt sữa, như sau:
-  Vắt sữa trên bò khỏe trước.
-   Rửa sạch bầu vú trước và sau khi vắt sữa.
-   Mỗi 1 con dùng 1 khăn lau vú riêng.
-  Nhúng đầu vú vào dung dịch sát trùng (Iod) sau khi vắt sữa xong.
- Định kỳ hàng tuần kiểm tra bệnh viêm vú cho bò đang vắt sữa.
 
12.Hỏi: Bò đã bị viêm vú thì điều trị như thế nào?

Đáp:Điều trị bò bị bệnh viêm vú nhằm 2 mục đích: giúp bầu vú tránh khỏi vi trùng phá hoại, đồng thời ngăn ngừa bầu vú trở thành nguồn truyền bệnh viêm vú trong đàn gia súc cái. Trong thời gian điều trị, gia súc bệnh phải được nhốt riêng, có người chăm sóc và dụng cụ riêng. Phân và chất độn chuồng, chất thải khác phải được xử lý tiêu độc hàng ngày. Cần tiên lượng những con không còn khả năng chữa khỏi nên loại thải sớm.

Phương pháp điều trị:
* Điều trị tại chỗ:
-    Massage bầu vú nếu bầu vú sưng, nóng, đỏ, đau.
-    Nhúng núm vú vào dung dịch Iod.
-    Dùng các loại Pomade như Mastijet fort hay Super Mastikort, mỗi ống cho 1 núm vú viêm, liệu trình điều trị 2 – 3 ngày.
-    Dùng kháng sinh thay cho Pomade bơm vào núm vú, dùng tay vuốt thuốc lên trên. Liều dùng 200 – 400mg/1 núm vú.
* Điều trị toàn thân:

- Dùng Bio-dexa: 5 – 15 ml/ con, tiêm bắp hay tĩnh mạch (từ 1 – 3 ngày). Lưu ý không nên dùng trên bò cái đang mang thai vì thuốc có thể gây sẩy thai.

- Giảm đau, sốt dùng Vitamin C + Analgine 20ml/1con, tiêm bắp.

- Sử dụng kháng sinh Remacycline (liều 1ml/10kgP), hoặc một số loại kháng sinh như: Gentamycine, Cephalexin, Amoxillin, … tiêm bắp. Thời gian tiêm kháng sinh điều trị toàn thân từ 3 - 5 ngày.

Chú ý: Đối với liệu trình điều trị kháng sinh trên bò, ta nên làm kháng sinh đồ để xác định tính đề kháng của vi khuẩn với kháng sinh thì việc điều trị có kết quả hơn.

Ngoài ra trong quá trình điều trị cũng cần các biện pháp hỗ trợ như: giảm lượng thức ăn tinh trên bò bị viêm vú (do trong thời gian điều trị không khai thác sữa), có chế độ chăm sóc riêng, bổ sung ADE và các vitamin.

Tùy loại kháng sinh điều trị, thời gian khai thác sữa trở lại sau điều trị là 2 - 3 ngày.
 
13. Hỏi: Làm thế nào để phòng bệnh viêm vú trên bò sữa?
Đáp: Nông hộ cần phải:
-    Áp dụng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng tốt.
-    Định kỳ vệ sinh sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và các dụng cụ vắt sữa.
 
-    Đảm bảo chuồng trại khô ráo, không đọng phân, nước tiểu.
-    Cho bò ăn sau khi vắt sữa để giữ bò ở tư thế đứng trong một thời gian, hạn chế vi trùng xâm nhập vào đầu vú.
-    Thực hiện quy trình kiểm soát vệ sinh vắt sữa.
-    Thực hiện thao tác vắt sữa đúng kỹ thuật.

-    Thường xuyên kiểm tra bầu vú, kiểm tra độ nhiễm vi sinh của sữa bằng phương pháp thử cồn, CMT (6 tháng/ 1 lần) để sớm phát hiện bệnh viêm vú.

-    Dùng vaccin phòng bệnh viêm vú bò sữa (định kỳ 6 tháng/ lần).
 
14.Hỏi: Kiểm soát vệ sinh vắt sữa là gì?

Đáp: Hộ chăn nuôi phải kiểm soát thật tốt quá trình vắt sữa để phòng ngừa sự lây lan bệnh từ bò bệnh sang bò khỏe; Đồng thời, ngăn chặn những điều kiện thuận lợi giúp cho các vi khuẩn xâm nhập vào bầu vú gây bệnh.

Vắt sữa bằng tay: nên vắt nắm, hạn chế kéo vuốt tránh gây tổn thương niêm mạc vú.

Vắt sữa bằng máy: chỉ sử dụng máy vắt sau khi bò đẻ vài ngày, bầu vú hết thủy thũng. Thời gian vắt bằng máy từ 3 – 5 phút, không được để ống hút ở đầu vú quá 6 phút; Áp lực hút vừa phải, không nhanh. Trước khi vắt cần xoa bóp bầu vú để kích thích tiết sữa.

* Trước khi vắt sữa
-   Chuồng vắt phải khô ráo, sạch sẽ.
-   Toàn bộ dụng cụ vắt sữa phải sạch sẽ, sát trùng hoặc tráng qua nước sôi phơi khô.
-   Quần áo người vắt sữa phải sạch, rửa tay bằng xà phòng và lau khô bằng khăn sạch trước khi vắt sữa.
-   Dùng khăn sạch nhúng vào nước ấm 40 – 42oC rửa sạch đầu vú, sau đó lau khô bằng khăn sạch, mỗi bò sử dụng 1 khăn lau riêng.
* Vắt sữa:
-   Vắt bỏ tia sữa đầu ở mỗi núm vú vào ca (không vắt trực tiếp xuống nền chuồng), cho vào hố tiêu độc.

-   Quan sát màu sắc, mùi vị, trạng thái (có vón cục không?) những tia sữa đầu. Loại bỏ những phần sữa bị ô nhiễm. Vắt kiệt sữa để tăng tỷ lệ mỡ sữa và giảm nguy cơ viêm vú.

-   Bò khỏe vắt trước, bò bệnh vắt sau.
-   Sữa của những con bò đang bị viêm vú và đang điều trị kháng sinh phải để riêng không nhập chung vào sữa sạch để bán.
* Sau khi vắt sữa:
-   Vệ sinh bầu vú bằng nước sạch, nhúng các đầu vú vào dung dịch sát trùng Iod.
-   Rửa sạch toàn bộ dụng cụ vắt sữa bằng xà phòng, đem phơi dưới nắng.

-   Nên cho bò ăn ngay sau khi vắt sữa xong để bò trong tư thế đứng trong thời gian chờ cơ vòng đầu vú co hẳn lại, tránh sự xâm nhập của các vi khuẩn.

Chú ý: Không nên cạn sữa đột ngột bò dễ bệnh viêm vú.
 
15.Hỏi: Các biến chứng do bệnh viêm vú gây ra cho bò sữa là gì?
Đáp: Một số biến chứng thường thấy do bệnh viêm vú trên bò sữa gây ra là:

1. Teo bầu vú: trong bệnh viêm vú, phần lớn các tế bào vú bị tổn thương, cơ năng tiết sữa không phục hồi. Thể tích thùy vú mắc bệnh nhỏ hơn bình thường, khả năng tiết sữa của tuyến vú giảm hoặc mất hẳn.

2. Xơ cứng bầu vú: là hậu quả do kế phát viêm vú nặng, các tổ chức tuyến vú bị teo đi. Khi sờ bầu vú hoặc ấn các tuyến vú thấy những cục rắn hoặc rắn toàn bộ. Quan sát sau khi vắt sữa, thể tích thùy vú không giảm. Lượng sữa giảm. Nếu xơ cứng một phần tuyến vú thì sữa loãng màu xám, vón cục lợn cợn.

3. Bầu vú hoại tử: là hiện tượng bầu vú thối loét và phân hủy do vi khuẩn gây hoại tử xâm nhập vào tuyến vú qua đường tiết sữa, vết thương trên bầu vú hoặc mạch máu. Triệu chứng ban đầu bề mặt vú có những mảng màu hồng tím, cứng, đau. Sau đó loét và hoại tử có mủ, toàn bộ thùy vú sưng to, ấn vào thấy nước hồng chảy ra. Hạch lâm ba vú sưng to, đau, có triệu chứng bại huyết.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. CẨM NANG CHẨN ĐOÁN TIÊU CHUẨN VỀ CÁC BỆNH GIA SÚC Ở VIỆT NAM
Jica – Snivr. Viện Thú y Quốc gia - Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu Viện thú y Quốc gia, tháng 1/2002.
2. SINH ĐẺ Ở BÒ
Guy De Carille. Nhà xuất bản nông nghiệp TP.HCM, 1995
3. BỆNH VIÊM VÚ TRÊN BÒ SỮA
TS. Nguyễn Văn Thành. Tài liệu giảng dạy, 2004.
4. GIẢI PHẪU SINH LÝ VÀ SINH SẢN BÒ CÁI
       TS. Đinh Văn Cải. Tài liệu giảng dạy, 2002.
(Trung tâm Khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh) (27/08/2007)


Nguồn: sonongnghiep.hochiminhcity.gov.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác