Sữa Việt Nam

Kỳ vọng dự án chăn nuôi bò sữa lớn nhất ĐBSCL

Với “Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao” mà Tập đoàn TH đầu tư tại An Giang, sẽ góp phần khai thác dư địa phát triển còn rất lớn trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh. Dự án không chỉ có vai trò rất quan trọng đối với An Giang mà còn xây dựng hình mẫu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho vùng ĐBSCL.

 Tạo thay đổi về ngành sữa tươi

 

Trong vòng 10 năm qua, sự đầu tư mạnh mẽ của Tập đoàn TH vào xây dựng vùng nguyên liệu bò sữa, chế biến sữa tươi sạch đã góp phần làm thay đổi vị thế của Việt Nam về lĩnh vực này trên thị trường thế giới. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, với tư cách là doanh nghiệp (DN) tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Tập đoàn TH đã góp công đánh thức tiềm năng của đồng đất quê hương, đặc biệt là các vùng đất còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, xây dựng được thương hiệu quốc gia, trở thành niềm tự hào của nông nghiệp Việt Nam khi bước ra thị trường thế giới.

 

Bên cạnh đầu tư trong nước, TH còn đầu tư dự án 2,7 tỷ USD vào Liên bang Nga. TH là DN Việt Nam duy nhất tới thời điểm này được cấp mã số để xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sữa tươi Việt Nam vào  thị trường lớn nhất thế giới Trung Quốc, xuất khẩu các sản phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe tới thị trường Mỹ, đầu tư dự án nông nghiệp lớn tại Úc...

 

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh, Tập đoàn TH đã thành công với dự án sữa tươi sạch được triển khai từ năm 2009, sở hữu trang trại bò sữa lớn nhất Châu Á với quy mô hơn 45.000 con tại Nghĩa Đàn (Nghệ An), nhà máy chế biến sữa lớn nhất Đông Nam Á. Tháng 12-2020, cụm trang trại TH tại Nghệ An đã được Liên minh Kỷ lục Thế giới (World Records Union - Worldkings) xác nhận Kỷ lục thế giới mới “Cụm trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín có quy mô lớn nhất thế giới”. TH tiên phong trong cách mạng sữa tươi sạch và chiếm 40% thị trường trong phân khúc sữa tươi trong nước. Tập đoàn đang tiếp tục phát triển hệ thống trang trại bò sữa ra các tỉnh của Việt Nam, như: Hà Giang, Thanh Hóa, Phú Yên, Cao Bằng, Kon Tum, An Giang…

 

“Với sự xuất hiện của TH, sau 10 năm, tổng đàn bò sữa Việt Nam đã tăng từ 41.000 con (năm 2001) lên hơn 335.000 con (năm 2020). Tổng sản lượng sữa tươi sản xuất hàng năm tăng hơn 17 lần, từ 64.000 tấn (2001) lên trên 1,1 triệu tấn (năm 2020). Tỷ lệ sữa bột nhập khẩu từ 92% tại thời điểm sự cố Melamine được phát hiện (năm 2008) đã giảm xuống chỉ còn 60% (năm 2018)” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thông tin.

 

 

 

Theo Phó Thủ tướng, tại Việt Nam, ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa đang trong giai đoạn “thiên thời, địa lợi”, thể hiện ở nhiều điểm, như: sản xuất trong nước mới đáp ứng được 40% nhu cầu nên còn nhiều dư địa; nhu cầu tiêu dùng nội địa đối với sữa, sản phẩm sữa ngày càng cao do tăng thu nhập, công nghiệp hóa, đô thị hóa và chuyển đổi dinh dưỡng của người tiêu dùng. “Trong tương lai, Việt Nam sẽ xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa khi tận dụng tốt các hiệp định tự do thương mại với các đối tác trên thế giới, đặc biệt là 3 hiệp định tự do thương mại thế hệ mới là: CPTPP, EVFTA, RCEP; Nghị định thư xuất khẩu sữa giữa Việt Nam và Trung Quốc” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

 

Cơ hội cho An Giang

 

Ngày 27-2 vừa qua ghi dấu ấn lớn trong thu hút đầu tư của An Giang khi UBND tỉnh đã phối hợp Tập đoàn TH tổ chức lễ khởi công Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao. Buổi lễ có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Bên cạnh đó còn có sự tham dự của 2 doanh nhân lớn là bà Thái Hương (người sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH) và ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn THACO).

 

 

Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại An Giang là bước đi tiếp theo của TH trong chiến lược phát triển đàn bò sữa, giữ vững vị thế DN đứng đầu trong phân khúc sữa tươi, đồng thời cũng hưởng ứng lời mời đầu tư của tỉnh An Giang, phát triển chăn nuôi bò sữa công nghệ cao ở ngay vùng biên giới Tây Nam.

 

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, dự án có quy mô khoảng 178,4ha tại 2 xã Vĩnh Gia và Vĩnh Phước (Tri Tôn), tổng mức đầu tư hơn 2.655 tỷ đồng. Bên cạnh tổng đàn bò sữa chăn nuôi tập trung khoảng 10.000 con, dự án còn sẽ liên kết với người dân để chăn nuôi bò sữa, nâng tổng đàn bò cho sữa lên 20.000 con. Tại đây cũng xây dựng nhà máy chế biến sữa đạt công suất 450 tấn/ngày với 2 dây chuyền: dây chuyền sản xuất sản phẩm mang thương hiệu TH True Milk, chế biến sữa thô từ trang trại chăn nuôi tập trung và dây chuyền sản xuất sản phẩm mang thương hiệu DalatMilk, chế biến sữa thô thu mua của người dân. Thời gian đầu tư của dự án là 4 năm (2020 - 2024), chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2020-2022) và giai đoạn 2 (2022-2024). Vùng nguyên liệu đồng cỏ, bò sữa sẽ thực hiện liên kết với người dân.

 

Theo lãnh đạo Tập đoàn TH, mô hình đầu tư tại An Giang sẽ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 và tinh hoa khoa học quản trị từ Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa đạt kỷ lục thế giới của TH tại Nghệ An, tạo ra những ly sữa đạt chuẩn quốc tế. Cụm trang trại của TH tại An Giang cũng sẽ được thiết kế và vận hành với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới, như: quy trình chăn nuôi, quản lý đàn bò, chuồng trại sử dụng hệ thống quản lý bò sữa tiên tiến Afimilk (Israel); quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand; quy trình, thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật Bản, Israel, Hà Lan…

 

“Dòng sữa tươi sạch từ trang trại TH tại An Giang sẽ góp phần tăng số lượng, chất lượng nguồn cung sữa tươi cho khu vực ĐBSCL, hướng tới xuất khẩu. Trang trại An Giang tiếp tục thể hiện các giá trị cốt lõi của Tập đoàn TH là: vì hạnh phúc đích thực, vì sức khỏe cộng đồng, hoàn toàn từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường và tư duy vượt trội, hài hòa lợi ích.

 

NGÔ CHUẨN

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác