Sữa Việt Nam

Lâm Đồng-Cát Tiên: Hiện thực hóa kế hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa

Việc phát triển chăn nuôi bò sữa được Đảng bộ, chính quyền huyện Cát Tiên xác định là bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân và góp phần từng bước chuyển đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”. Vấn đề này phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cát Tiên lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 SỰ HÀO HỨNG TỪ CHÍNH QUYỀN ĐẾN NGƯỜI DÂN 

 

Cát Tiên là một huyện thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất, chăn nuôi. Vì vậy, việc nâng cao thu nhập cũng như đời sống cho bà con từ lĩnh vực này luôn là trăn trở của các cấp, các ngành trong huyện. Trong khi đó, nhu cầu thị trường sữa tươi đang rất lớn, và từ thực tế các nông hộ ở các địa phương trong và ngoài tỉnh đã có thu nhập ổn định, bền vững với hiệu quả cao từ nuôi bò sữa. Đồng thời, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có từ ngành Chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, huyện Cát Tiên đang đặt quyết tâm rất cao trong việc hiện thực hóa chăn nuôi bò sữa chất lượng cao trên địa bàn.

 

Chính vì vậy, sau khi đồng chí Đặng Trí Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác gồm lãnh đạo các sở, ngành và Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt đã có buổi làm việc với huyện Cát Tiên về định hướng hợp tác, liên kết với doanh nghiệp phát triển chăn nuôi bò sữa, các cấp, chính quyền huyện Cát Tiên đã nhanh chóng bắt tay vào cuộc. 

 

Mới đây, vào ngày 18/3, đồng chí Nguyễn Khắc Bình - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên dẫn đầu đoàn công tác bao gồm các đồng chí Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện, các phòng, ban cùng hơn 50 nông dân huyện Cát Tiên đã có chuyến tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa tại các nông hộ trên địa bàn huyện Đơn Dương và mô hình chăn nuôi, sản xuất sữa tại Trang trại bò sữa Dalat Milk Farm. 

 

Qua thực tế, hầu hết các hộ nông dân, cán bộ chuyên môn huyện Cát Tiên đều rất hào hứng và có chung nhận định việc chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện là hoàn toàn khả thi. Ông Trần Quang Trừng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên cho biết: Tính đến hết Quý I/2022, tổng đàn bò trên địa bàn huyện là trên 9.800 con, tỷ lệ bò lai khoảng 98% tổng đàn; có trên 200 hộ chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô từ 10 con trở lên với số lượng khoảng 3.500 con. Về diện tích trồng cỏ, hiện, trên địa bàn huyện có gần 500 ha trồng cỏ với năng suất bình quân khoảng 100.000 tấn/năm, chưa kể sản lượng lớn thức ăn tinh bột (cám gạo, cám bắp) và phụ phẩm nông nghiệp (rơm) phục vụ chăn nuôi bò. 

 

Bên cạnh đó, về chuồng trại chăn nuôi, qua khảo sát, đánh giá của Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt thì chuồng trại chăn nuôi bò thịt hiện có của nông dân cơ bản có thể sửa chữa, nâng cấp và chuyển đổi sang chăn nuôi bò sữa. Ngoài ra, nguồn lao động và kỹ thuật chăn nuôi thì đa số nông dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là các hộ chăn nuôi trang trại, gia trại đã có kinh nghiệm và nguồn lao động trong chăn nuôi. Do đó, việc chuyển đổi từ chăn nuôi bò thịt sang bò sữa sẽ không quá khó đối với nông dân huyện Cát Tiên.

 

QUYẾT TÂM ĐỘT PHÁ CỦA HUYỆN CÁT TIÊN

 

Ngay sau buổi làm việc lần 2, UBND huyện Cát Tiên và Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt đã thống nhất và ký Biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác sản xuất nguyên liệu đầu vào và phát triển chăn nuôi bò sữa giữa UBND huyện Cát Tiên và Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt. 

 

Ông Bùi Văn Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Trước mắt, UBND huyện Cát Tiên và Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt sẽ hợp tác để thành lập HTX chăn nuôi bò sữa nông hộ tại các xã thuộc địa bàn huyện Cát Tiên, với quy mô hướng tới tổng đàn 10.000 bò sữa (5.000 bò tơ thay thế và 5.000 bò cho sữa tương đương 100 tấn sữa/ngày). Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt sẽ thu mua toàn bộ sữa nguyên liệu tại huyện Cát Tiên. Riêng năm 2022, Công ty sẽ xây dựng ít nhất 1 trang trại mẫu chăn nuôi bò sữa tại huyện Cát Tiên.

 

Bên cạnh đó, UBND huyện Cát Tiên sẽ tiến hành phát triển vùng nguyên liệu ngô sinh khối, phục vụ đầu vào cho ngành Chăn nuôi bò sữa để cung cấp cho Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt với sản lượng hướng tới khoảng 75.000 tấn/năm, tương đương diện tích 1.080 ha trồng ngô. UBND huyện Cát Tiên cũng tạo nguồn nguyên liệu phế phụ phẩm từ các sản phẩm nông nghiệp như: rơm, trấu để cung ứng cho Công ty phục vụ phát triển chăn nuôi bò sữa với quy mô hướng tới 8.640 tấn/năm tương đương 2.880 ha trồng lúa. 

 

Mặt khác, Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt sẽ tư vấn các quy trình chăn nuôi, trồng trọt cho huyện Cát Tiên để chăn nuôi bò sữa và phát triển vùng nguyên liệu. Đồng thời, xây dựng trạm thu mua sữa tại huyện Cát Tiên và UBND huyện Cát Tiên có trách nhiệm tạo điều kiện quỹ đất và cơ sở hạ tầng (nếu có) cho công ty.

 

Theo ông Bùi Văn Văn, trong thời gian đến, UBND huyện Cát Tiên sẽ chỉ đạo cho các ngành chức năng của huyện xây dựng Đề án phát triển vùng nguyên liệu và chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện. Trong đó, năm 2022 sẽ xác định 3 địa bàn trọng điểm gồm: xã Quảng Ngãi, Đức Phổ và thị trấn Cát Tiên để triển khai xây dựng các trang trại mẫu chăn nuôi bò sữa với quy mô chăn nuôi đạt từ 200 - 500 con để làm cơ sở định hướng nhân rộng trên địa bàn huyện. Đồng thời, UBND huyện sẽ làm việc với các ngân hàng để có giải pháp nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân vay phát triển vùng nguyên liệu và chăn nuôi bò sữa.

 

HOÀNG SA

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác