Sữa Việt Nam

Nông dân Ba Vì (Hà Nội) nuốt nước mắt bán đàn bò sữa: DN khó khăn, nông hộ lĩnh đủ

ANTD.VN - Chiếm đến 60% sản lượng bò sữa của toàn thành phố, được xác định là vùng trọng điểm phát triển bò sữa nhưng các hộ chăn nuôi ở huyện Ba Vì đang phải bán đàn bò vì thua lỗ. Chính quyền cơ sở cũng chỉ biết “sốt ruột” chờ đợi giải pháp trong bối cảnh doanh nghiệp kinh doanh không thuận lợi đã liên tiếp giảm giá thu mua, o ép nông dân.

 Tự lấy mẫu, tự phân tích

 

Từ tháng 2-2016, Công ty CP Sữa quốc tế IDP chính thức giảm giá thu mua sữa tươi nguyên liệu trên địa bàn huyện Ba Vì xuống mức giá sàn 10.200 đồng/kg. Tuy vậy, nhiều tháng nay, rất ít hộ gia đình đạt được mức giá này, giá thu mua sữa trung bình trên toàn huyện vào mức 9.500 đồng/kg.

 

Bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng khối quản lý nguyên liệu nông nghiệp, Công ty IDP thông tin: Công ty thu mua sữa theo chất lượng, nếu đạt các chỉ tiêu mà công ty đưa ra thì được mức 10.200 đồng/kg, nhưng nếu không đạt chất lượng, về vệ sinh thì giá sẽ thấp hơn, tùy theo mức độ và nếu chất lượng sữa tốt thì sẽ được trả cao hơn, có thể lên tới 11.000 đồng/kg. Tuy nhiên, việc đánh giá chất lượng sữa cao thấp để trả tiền hoàn toàn do phía công ty lấy mẫu, phân tích và gửi kết quả tới các hộ chăn nuôi. 

 

Không đồng tình với cách làm này, các hộ nông dân cho rằng, chẳng khác nào công ty “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Thậm chí, phía công ty lấy mẫu có đảm bảo đúng quy trình hay không, có bảo quản mẫu đúng tiêu chuẩn không và kết quả phân tích, kiểm tra có khách quan không (bộ phận phân tích thuộc công ty - PV), người chăn nuôi cũng không được biết và không ai giám sát.

 

Ông Nguyễn Duy Ước, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa, huyện Ba Vì nhìn nhận, đây là cách làm không minh bạch nên nông dân cho biết: “Rất nhiều hộ bị giảm giá mua sữa ở mức thấp với lý do sữa không đạt chất lượng, bị nhiễm vi sinh… nhưng nào họ có biết thực hư ra sao.

 

Mỗi con bò sữa nông dân phải mua với giá 60-70 triệu đồng, cả một gia tài. Hơn nữa, sữa tốt thì giá cao nên chẳng ai dại gì mà bỏ bê đàn bò của mình không chăm sóc, không vệ sinh. Công ty cứ vin vào lý do đó để bắt lỗi nông dân là không thỏa đáng”.

 

Ông Hứa Bá Trình, Phó trưởng phòng Kinh tế, UBND huyện Ba Vì cho biết, việc người dân không đồng tình với cách đánh giá chất lượng sữa của công ty, huyện cũng đã nắm được. Để giải quyết tình trạng này, phía huyện cũng đã kiến nghị Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở KH-CN định kỳ lấy mẫu sữa phân tích, công bố công khai để người dân có thể so sánh, đối chứng, nhưng chưa có sự phản hồi.

 

“Chúng tôi rất sốt ruột vì giá thu mua sữa liên tục xuống thấp, nông dân phải bán đàn bò sữa của gia đình vì không có lợi nhuận. Nhưng chúng tôi không thể dùng mệnh lệnh hành chính yêu cầu doanh nghiệp tăng giá thu mua sữa được”, ông Hứa Bá Trình cho biết.

 

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai cho rằng, công ty cũng khuyến khích thành lập một bên thứ ba, có đại diện nông dân và chính quyền địa phương… để phân tích mẫu sữa làm đối chứng. 

 

Phân loại, tính giá rồi... đổ chung một chỗ!

 

Trần tình về việc giá sữa thu mua thấp, ông Lê Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty IDP cho biết, từ cuối năm 2015, do thị trường cạnh tranh nên công ty đã phải giảm 20% giá thành các sản phẩm bán ra, do đó cũng phải giảm giá thu mua sữa nguyên liệu của người dân.

 

“Hiện giờ, chúng tôi hoạt động không có lãi nhưng vẫn phải tái đầu tư để thúc đẩy sản xuất. Chúng tôi luôn xác định gắn bó với người dân huyện Ba Vì nên luôn cố gắng duy trì việc bao tiêu sữa nguyên liệu tại đây. Chúng tôi mong muốn nông dân cũng hiểu, chia sẻ khó khăn với công ty, khi nào thị trường tốt hơn thì công ty sẽ tăng giá thu mua”, ông Lê Tiến Dũng nói.

 

Bổ sung thêm, bà Nguyễn Thị Mai cho rằng, nhiều năm nay, phía IDP cũng không tổ chức loại thải đàn bò (bò nhiều năm tuổi, bị bệnh tật không đủ tiêu chuẩn - PV), thậm chí một số chỉ tiêu như về vi sinh của IDP còn thấp hơn các doanh nghiệp khác.

 

Đại diện Phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho rằng, do giá thu mua của doanh nghiệp thấp, người nuôi bò không có lợi nhuận nên có tâm lý chán nản, việc đầu tư vào đàn bò cũng giảm nên chất lượng sữa theo đó cũng không còn được như trước. Điều này hoàn toàn hợp logic khi mà giá mua thấp thì khó có thể đòi hỏi hàng chất lượng cao.

 

Theo số liệu từ Phòng Kinh tế huyện Ba Vì, đến tháng 8-2015 toàn huyện Ba Vì có khoảng 9.300 còn bò sữa, nhưng đến thời điểm hiện tại, đàn bò chỉ còn khoảng 7.500 con. Trên địa bàn huyện có 2 công ty ký hợp đồng bao tiêu sữa với nông dân là Công ty CP Sữa quốc tế IDP và Công ty CP Sữa Ba Vì với lượng thu mua khoảng 90%.

 

Trong đó, Công ty IDP thu mua khoảng 80% và Công ty Sữa Ba Vì thu mua 10%. Ông Hứa Bá Trình cho rằng, không những giá thu mua thấp mà chính sách thu mua sữa của các đơn vị không đảm bảo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi nên dẫn đến tình trạng một số hộ phải bán bò khiến tổng đàn bò và sản lượng sữa sụt giảm nghiêm trọng. 

 

Theo các hộ nông dân, mặc dù phía Công ty IDP phân biệt mức tiền theo chất lượng, nhưng khi thu gom lại đổ chung tất cả vào một tank (bồn chứa lớn) đánh đồng với nhau, như vậy là bất hợp lý.

 

Bà Nguyễn Thị Mai cho rằng, do phía Công ty không thể có nhiều tank để chứa riêng từng loại sữa. Hơn nữa, việc kiểm tra chất lượng sữa cũng chỉ lấy xác suất, không phải ngày nào cũng lấy mẫu phân tích vì số lượng hộ ký hợp đồng cung cấp sữa cho Công ty IDP lớn.

 

Trả lời về việc, có phải do công ty làm ăn khó khăn nên đã đẩy phần khó về phía nông dân, o ép nông hộ, ông Lê Tiến Dũng phân trần: “Công ty vẫn cố thu gom hết sữa cho nông dân. Hơn nữa, giai đoạn khó khăn cũng là cơ hội cho nông dân, người nào làm tốt sẽ tồn tại qua giai đoạn này và gắn bó với nghề nuôi bò sữa”.

Nguồn: anninhthudo.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác