Sữa Việt Nam

TP.HCM: Đến xã nuôi 8.000 con bò sữa mà không thấy mùi hôi, phân bò đem tái chế không đủ bán

Sau thời gian xây dựng nông thôn mới với việc quyết liệt làm sạch môi trường chăn nuôi bò sữa trong khu dân cư, hiện môi trường ở xã Đông Thạnh (Hóc Môn, TP.HCM) ngày càng xanh, sạch.

 Cao điểm, xã Đông Thạnh có hơn 500 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn khoảng 8.000 con, trong đó có hơn 4.000 con đang vắt sữa.

 

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong chăn nuôi bò sữa

 

Trong quá trình chăn nuôi bò sữa, bà con nông dân không những được các cấp, các ngành tạo điều kiện tham gia các lớp về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, tham quan các mô hình hiệu quả ở các nơi… mà còn được hỗ trợ tiếp cận các dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Ông Trương Văn Thuận - nông dân chăn nuôi bò sữa ở Hóc Môn cho biết, khởi nghiệp chăn nuôi bò sữa từ năm 1988. Trại bò sữa của ông ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường. 

 

"Đảm bảo khi bước vô trại sẽ không ngửi thấy mùi chất thải từ chăn nuôi bò sữa. Nhiều trại chăn nuôi bò sữa ở đây cũng như vậy. Nhiều năm qua, bà con chăn nuôi bò sữa rất ý thức việc đang chăn nuôi trong khu phố nên đã đầu tư hệ thống xử lý môi trường để không gây phiền hà người dân" - ông Thuận thổ lộ.

 

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi bò sữa, những năm qua, UBND TP.HCM đã có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas), đệm lót sinh học và áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt. 

 

Theo thống kê, năm 2022, tổng đàn bò sữa của thành phố hơn 60.000 con, được nuôi tại 4.122 cơ sở chăn nuôi và 1 trang trại quốc doanh, tập trung chủ yếu tại huyện Củ Chi (43.000 con) và Hóc Môn.

 

Giảm triệt để chất thải

 

TP.HCM đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ thu gom, tái chế đến 80% chất thải nông nghiệp. Theo các chuyên gia, việc xử lý môi trường là giải pháp quan trọng để phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng bền vững. Do đó, cùng với phát triển tổng đàn bò sữa, UBND thành phố cần quan tâm hơn nữa đến các giải pháp, hỗ trợ người dân xử lý môi trường chăn nuôi. Đồng thời, cần mở rộng tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện xây dựng hệ thống xử lý chất thải, kết hợp theo dõi, giám sát hoạt động xử lý chất thải của các hộ dân chăn nuôi bò sữa. 

 

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi bò sữa, từng địa phương phải tổ chức tập huấn kiến thức chăn nuôi với các nội dung như sử dụng đúng chủng loại, liều lượng thức ăn; hướng dẫn công tác vệ sinh chuồng trại, vận động tiêm phòng đúng quy trình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm sữa bò. 

 

Đặc biệt, triển khai các hoạt động hướng dẫn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ làm hầm biogas, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.

 

Ông Lê Hoàng Anh Vũ - Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh cho biết, số lượng bò sữa trên địa bàn đã giảm hơn nửa so với lúc cao điểm nhất, do giá bán sữa thấp, đòi hỏi tiêu chuẩn cao... Đối với việc xử lý môi trường chăn nuôi bò sữa trong khu dân cư, ông Vũ cho biết, bà con chăn nuôi bò sữa rất ý thức bảo vệ môi trường. Lượng phân bò thải ra bà con thu gom, tái chế làm phân bón, rồi bán lại cho các trại trồng rau, củ... 

 

 "Phân bò không đủ cung cấp cho thị trường để trồng trọt chứ có đâu thải ra môi trường" - ông Vũ chia sẻ.

 

Hiện, xã Đông Thạnh, Hóc Môn đã được thành phố công nhận là xã nông thôn mới nâng cao. 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác