Sữa Việt Nam

Việt Nam mới đáp ứng 42% nhu cầu sữa trong nước

Nhằm tăng nhanh đàn bò sữa, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, ngành sữa chủ trương đẩy nhanh, mạnh những tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi.

 Dư địa lớn

 

Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam chi khoảng 1 tỷ USD để nhập sữa trong giai đoạn 2018-2020. Riêng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 1,138 tỷ USD, tăng 12,56% so với năm 2020.

 

Tính bình quân đầu người tiêu thụ sữa ở Việt Nam sản xuất đạt khoảng 12 lít sữa tươi, sữa quy đổi ước chừng 28 -30 lít/năm/người. Trong khi đó, bình quân của thế giới là 106-107 lít/người/năm.

 

Việt Nam hiện có hơn 28.000 trang trại và hộ nông dân nuôi bò sữa, với tổng đàn bò sữa gần 375.000 con; sản lượng sữa tươi sản xuất đạt trên 1,2 triệu tấn, mới đáp ứng khoảng 42% nhu cầu tiêu thụ sữa của người tiêu dùng. 

 

Từ thực tế đó, tại Hội thảo "Sử dụng công nghệ nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò sữa", PGS.TS. Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam nhận định, dư địa phát triển chăn nuôi bò sữa của nước ta rất lớn. 

 

Nhiều mô hình phát triển chăn nuôi bò sữa được hình thành trong thời gian qua. Mới nhất, Vinamilk phối hợp tỉnh Sơn La triển khai xây dựng dự án “Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu”. Dự án có tổng mức đầu tư 3.150 tỷ đồng, có quy mô đàn bò sữa 4.000 con, dự kiến cung cấp 20 triệu lít sữa tươi/năm.


Có nhu cầu cao, nhưng việc phát triển chăn nuôi bò sữa gặp một số thách thức. PGS.TS. Hoàng Kim Giao điểm 4 vấn đề chính. Một, là khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng, ẩm độ cao tại Việt Nam tạo áp lực về phòng chống dịch bệnh từ môi trường bên ngoài đối với bò sữa là rất lớn.

 

Hai, là kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa của người dân chưa nhiều, đặc biệt về khẩu phần ăn và chế độ dinh dưỡng đối với đàn bò sữa năng suất cao. Việc ứng dụng các kỹ thật công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa còn hạn chế hoặc không đồng đều, đồng bộ.

 

Ba, là chăn nuôi còn biểu hiện phân tán, khi gần 60% đàn bò chăn nuôi tại nông hộ, dẫn đến việc quản lý không đồng nhất. Đây là nguyên nhân chính khiến khó kiểm soát dịch bệnh trên đàn bò sữa và chất lượng sữa sản xuất ra không ổn định, không đồng đều giữa các trang trại và hộ chăn nuôi.

 

Bốn, là sự liên doanh, liên kết giữa người chăn nuôi với các cơ sở thu mua chế biến sữa chưa bền chặt.


Tăng cường giải pháp công nghệ

 

Ngoài những yếu tố kể trên, việc tăng nhanh đàn bò sữa đưa đến áp lực về môi trường chăn nuôi. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Hoàng Kim Giao cho rằng người chăn nuôi phải tăng cường các biện pháp kỹ thuật, công nghệ cao để khai thác tối đa tiềm năng cho sữa của vật nuôi, của trang trại chăn nuôi.

 

"Theo định hướng chung của ngành nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa cần tiến tới giảm số lượng vật nuôi, giảm đầu tư, chi phí chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường nhưng tăng hiệu quả khi đầu tư", ông Giao bày tỏ.

 

Để tăng tỷ lệ bò cái vắt sữa trong đàn, tăng năng suất trong một chu kỳ cho sữa, PGS.TS. Lê Thị Thúy -Viện trưởng Viện Khoa học và kỹ thuật Chăn nuôi Việt Nam trình bày 3 tiên tiến gồm: Công nghệ Quản lý đàn; Công nghệ Quản lý, đảm bảo số lượng và chất lượng thức ăn; Công nghệ Tinh, Phôi phân ly giới tính.

 

Từ những công nghệ này, bà Thúy khuyến cáo doanh nghiệp, người dân chăn nuôi bò sữa chú ý: Nhiệt độ trong chuồng thấp hơn nhiệt độ bên ngoài từ 5-8 độ C; Bò được quản lý bằng chip điện tử nhằm thu thập các dữ liệu sức khỏe của từng cá thể; Phối chế khẩu phần tối ưu bằng phần mềm chuyên dụng được tự động hóa hoàn toàn.

 

Tại hội thảo, chuyên gia chăn nuôi Nguyễn Đức Điện nêu giải pháp về việc sử dụng chất tannin trong các chế phẩm, giúp chống hội chứng chướng hơi dạ cỏ; giảm động vật nguyên sinh trong dạ cỏ và phát thải mêtan...

 

Khẳng định tầm quan trọng của chăn nuôi bò sữa trong định hướng phát triển chăn nuôi nói riêng, cũng như ngành nông nghiệp nói chung, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) lưu ý người dân, doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến xây dựng chuỗi giá trị. Đây là tiền đề để đảm bảo sinh kế cho người dân, giúp chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác