Sữa Việt Nam

Vĩnh Phúc: Chăn nuôi giúp đời sống kinh tế người dân xã Liên Hòa khởi sắc

Là xã vùng bãi ven sông Phó Đáy, kinh tế của người dân xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch trước đây gặp không ít khó khăn, thu nhập chủ yếu từ trồng ngô và các loại cây ngắn ngày, hiệu quả không cao. Những năm gần đây, nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống người dân đã được cải thiện đáng kể, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

 Ðể phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, Liên Hòa đã chú trọng đưa các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Cùng với đó, xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mở các lớp học, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi…

 

Qua đó, khuyến khích được người dân phát triển chăn nuôi dựa trên các tiềm năng sẵn có của địa phương về lao động, tập quán chăn nuôi, lấy khoa học kỹ thuật làm chủ, tạo đòn bẩy thúc đẩy cho chăn nuôi của xã phát triển.

 

Đến nay, toàn xã có hàng trăm hộ chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại với tổng đàn gia súc, gia cầm trên 80.000 con, trong đó, đàn lợn đạt hơn 3.000 con; trâu, bò hơn 1.500 con; dê hơn 400 con… Hiệu quả từ phát triển chăn nuôi đã góp phần nâng cao đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.

 

Chủ tịch UBND xã Liên Hòa Hà Văn Quý cho biết: Những năm gần đây, nghề chăn nuôi của địa phương phát triển, người dân mạnh dạn mở rộng đầu tư các mô hình chăn nuôi bò sữa, dê thương phẩm, lợn siêu nạc…

 

Các cấp chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân chủ động, biết cách phòng chống dịch bệnh, tạo bước phát triển vững chắc trong duy trì, phát triển đàn vật nuôi của xã.

 

Đến nay, trong xã đã xuất hiện không ít hộ có thu nhập 300 - 400 triệu đồng mỗi năm, góp phần đưa kinh tế địa phương khởi sắc. Năm 2020, giá trị thu từ chăn nuôi của xã đạt hơn 60 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo của xã theo chuẩn nghèo đa chiều giảm xuống còn 2%.

 

Gia đình anh Phan Văn Quý, ở thôn Ngọc Liễn là một điển hình trong phát triển chăn nuôi bò sữa cho thu nhập cao. Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng đi mới với mong muốn thoát nghèo, năm 2013, anh Quý mạnh dạn đầu tư vay vốn mua 3 con bò sữa trị giá 250 triệu đồng.

 

Trải qua năm tháng tích lũy kinh nghiệm cũng như sự kiên trì chịu khó, từ năm 2018 đến nay, tổng đàn bò sữa của gia đình anh là 13 con, trong đó, có 9 con đang khai thác sữa, trung bình một ngày đàn bò cho thu hoạch hơn 150kg sữa với giá bán 13.000 đồng/kg.

 

Nhờ có nguồn thu nhập ổn định từ nuôi bò sữa mà đến nay, gia đình anh Quý đã xây dựng được nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, nâng cao đời sống của gia đình.

 

Được biết, gia đình anh và các hộ chăn nuôi bò sữa trong xã đều ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu sữa cho Công ty sữa cô gái Hà Lan. Vì vậy, định kỳ đều được đoàn kiểm tra của công ty xuống tận nơi hướng dẫn cách thức chăm sóc và phòng chống bệnh dịch, nhằm thu hoạch được nguồn sữa đảm bảo chất lượng tốt nhất.

 

Nhận thấy hiệu quả từ chăn nuôi dê thương phẩm mang lại, năm 2014, gia đình bà Hoàng Thị Ngoan đầu tư nuôi 30 con dê từ số vốn tích lũy và được chăn thả trên diện tích đất sẵn có của gia đình.

 

Bà Ngoan chia sẻ: Dê là con vật dễ nuôi, dễ chăm sóc song để đạt được hiệu quả kinh tế, người nuôi phải biết áp dụng kỹ thuật từ khâu làm chuồng cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê.

 

Từ hộ tiên phong đi đầu trong chăn nuôi dê, đến nay, toàn xã Liên Hòa đã có 6 hộ nuôi dê với tổng đàn hơn 400 con. Giá dê trên thị trường hiện tại khoảng 150 nghìn đồng/kg, mỗi năm trừ chi phí, gia đình bà Ngoan thu lãi hơn 120 triệu đồng.

 

Một trong những hộ có nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn với quy mô lớn là gia đình ông Bùi Văn Tường ở thôn Làng Bến.

 

Đến thăm trang trại của gia đình, ông Tường cho biết: Năm 2011, gia đình ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn theo hình thức khép kín. Từ số vốn ít ỏi với vài con lợn nái, đến nay, tổng số đàn lợn của gia đình ông đã lên tới hơn 300 con, trừ chi phí mỗi năm cho thu lãi gần 500 triệu đồng.

 

Cũng theo ông Tường, không chỉ chăn nuôi lợn mà hiện hay phát triển chăn nuôi ở xã có nhiều ưu thế, do người dân đã bắt kịp với nhu cầu thị trường, lại được các thương lái từ khắp nơi về thu mua, đảm bảo khâu đầu ra cho sản phẩm.

 

Nghề chăn nuôi đã giúp người dân xã Liên Hòa nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và trở thành một hướng phát triển kinh tế rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc phát triển bền vững nghề chăn nuôi của xã vẫn gặp không ít khó khăn.

 

Thời gian tới, xã Liên Hòa tiếp tục khuyến khích người dân tận dụng các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ người dân phát triển, nhân rộng quy mô các mô hình chăn nuôi, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác