Các bệnh thường gập ở bò sữa và cách điều trị

Nội dung quy trình chẩn đoán bệnh chậm sinh và sẩy thai bò sữa


3.1. Quy trình chẩn đoán bệnh chậm sinh bò sữa

 Bò bị chậm sinh có thể do: tình trạng chậm động dục lại sau khi sinh (hơn 3 tháng), chậm thành thục (hơn 16 tháng) hay phối giống nhiều lần (3 lần vẫn chưa thụ thai). Để chẩn đoán các nguyên nhân gây bệnh này, thực hiện các bước sau:

 
 

 Bước 1. Ghi nhận tiền sử bệnh:

Đối với bò rạ kiểm tra các thông số về khả năng sinh sản của chu kỳ trước: ngày đẻ, ngày động dục lại, chu kỳ động dục, biểu hiện động dục, hệ số phối đậu, thời gian mang thai… để đánh giá khả năng sinh sản của bò ở lứa đẻ trước.

 

 

Bước 2. Kiểm tra khả năng sinh sản hiện tại:

ngày đẻ, những can thiệp trên đường sinh dục trước và sau khi đẻ, ngày lên giống lại sau khi sinh, ngày phối giống, ngày khám thai…

 

 

Bước 3. Kiểm tra lâm sàng

 

-     Thể trạng, nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ trực tràng…

-     Kiểm tra tình trạng âm đạo bằng mỏ vịt và đèn soi.

-     Kiểm tra tình trạng tử cung, buồng trứng bằng khám qua trực tràng, siêu âm.

-     Các biện pháp phát hiện động dục, chọn thời điểm phối giống tối ưu, chất lượng loại tinh sử dụng và tay nghề dẫn tinh viên.

 

 

Bước 4. Kiểm tra phi lâm sàng: lấy mẫu máu, mẫu sữa hoặc dịch viêm để xác định hàm lượng một số hormone sinh sản (progesterone, estrogen, LH, FSH…), phân lập vi khuẩn và lập kháng sinh đồ.

 

 

Có hai nội dung xen kẽ nhau trong quá trình chẩn đoán, bao gồm:

Nội dung 1: Kiểm tra sự hoạt động của buồng trứng. Xác định buồng trứng đang trong tình trạng nào sau đây:

- Buồng trứng hoạt động thực sự nhưng không động dục à động dục thầm lặng.

- Buồng trứng có hoạt động nhưng hoạt động kém: buồng trứng có kích thước nhỏ, nang noãn kém phát triển…

- Buồng trứng đang trong tình trạng bệnh lý: u nang noãn, u hoàng thể, viêm buồng trứng…

- Buồng trứng không phát triển do vô sinh.
Kết hợp giữa các phương pháp sau :

- Khám buồng trứng qua trực tràng: được thực hiện 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày (Phụ lục 1)

- Xét nghiệm hàm lượng progesteron trong máu hoặc sữa: bằng phương pháp RIA (Phụ lục 2) hoặc ELISA (Phụ lục 3)... Cần lấy mẫu, bảo quản mẫu theo đúng qui định (Phụ lục 2, 3). Lấy mẫu trong 21 ngày liên tục để đánh giá 1 chu kỳ hoạt động của buồng trứng, khoảng cách giữa 2 lần lấy mẫu là 3 hay 5 ngày với số mẫu cần lấy là 8 hay 5 mẫu, tương ứng.

- Siêu âm buồng trứng cho biết chính xác hơn hiện trạng buồng trứng như: có nang noãn hoạt động hay không, có hoàng thể hay không, có khối u trên buồng trứng hay không… (Phụ lục 4).

Kết quả chẩn đoán tình trạng hoạt động thực sự của buồng trứng dựa trên các phươngpháp này được trình bày chi tiết trong Phụ lục 5

 

Nội dung 2: Xác định các nguyên nhân khác gây ra chậm sinh bò sữa. Đồng thời với xác định tình trạng hoạt động của buồng trứng trên những bò chậm sinh, cần tiếp tục xác định các nguyên nhân gây bệnh khác (Phụ lục 6)

 

3.2. Quy trình chẩn đoán bệnh sẩy thai

 

Các kết quả khảo sát khác nhau trên cả nước (Nguyễn Tiến Dũng, 2000; Chi cục Thú y TPHCM, 2003-2006) đều chưa thấy xuất hiện bệnh sẩy thai truyền nhiễm bò sữa. Kết quả điều tra của đề tài này cũng chỉ thấy bệnh sẩy thai do cơ học hoặc viêm nhiễm tử cung (Cù Hữu Phú, 2005). Chẩn đoán sẩy thai phụ thuộc nhiều vào kết quả xét nghiệm tại phòng thí nghiệm. Do đó lấy mẫu và phân lập vi sinh là rất quan trọng góp phần cho chẩn đoán chính xác. Tiến trình thực hiện gồm các bước sau:

 
Bước 1. Điều tra tiền sử bệnh
 

-       Thu thập thông tin chung:

•     Thời gian mang thai, những triệu chứng bệnh trước khi sẩy thai.

•     Đã tiêm loại vaccin gì, thời gian bao lâu...

•     Chi tiết về nhập đàn: ngày mua, mua từ đâu, có nuôi cách ly hay không...

•     Gieo tinh nhân tạo hay phối trực tiếp, nguồn gốc bò đực giống, giống gì...

-       Phân bố tuổi và phân bố nhóm quản lý:

•     Bò bệnh thuộc nhóm bò tơ hay bò rạ.

•     Bò bệnh thuộc nhóm bò vắt sữa hay cạn sữa

•     Bò bệnh được cầm cột cố định hay thả tự do trong chuồng hoặc trên đồng cỏ.

-       Đánh giá chế độ dinh dưỡng:

•     Dinh dưỡng có đủ hay không: nếu điểm thể trạng ≤ 2,5 à dinh dưỡng chưa cung cấp đủ nhu cầu cho cơ thể bò cái và nuôi thai.

•     Xem xét chất lượng các thức ăn đang sử dụng: rơm, cỏ, thức ăn ủ chua, cám... có nấm mốc, hư hỏng hay không. Đối với thức ăn nghi ngờ, cần lấy mẫu để kiểm tra độc tố: aflatoxin, arsenal, chì, ni trate... Cần tham khảo quy định của phòng phân tích trong việc lấy mẫu, hàm lượng gây độc của từng loại.


 

 

Bước 2. Kiểm tra lâm sàng

 

Kiểm tra thể trạng, thân nhiệt, nhịp tim, nhịp thở, bộ phận sinh dục...

 

 

Bước 3. Kiểm tra thai và nhau

 
-Tuổi thai là một trong yếu tố quan trọng để chẩn đoán.
Công thức ước lượng tuổi của thai là: x = 0,25 (y + 21)

x là tuổi thai (tuần)                 y là chiều dài thân thẳng từ đầu đến mông (cm)

- Ghi nhận các đặc điểm khác của thai: thai tươi hay khô, cân nặng của thai.

- Ghi nhận các đặc điểm của nhau: tình trạng xuất huyết, hoại tử, tình trạng núm nhau...

 

 

Bước 4. Lấy mẫu phân tích tại phòng thí nghiệm

 

- Chọn, thu thập và vận chuyển mẫu phải theo hướng dẫn của nhân viên chuyên trách của phòng thí nghiệm dự tính gửi mẫu phân tích (Phụ lục 7).

- Kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm chỉ xác định được những nguyên nhân sẩy thai do vi sinh vật (Phụ lục 8)

 

 

Bước 5. Kết quả chẩn đoán

 

Kết quả chẩn đoán cuối cùng phải được kết hợp dựa trên tiền sử bệnh, kiểm tra lâm sàng, giai đoạn sẩy thai, tuổi thai, liên quan giữa mầm bệnh phân lập được hoặc bằng chứng huyết thanh học (kiểm tra kháng thể) đối với tổn thương nhau thai hoặc bào thai chuyên biệt, dịch tễ bệnh sẩy thai trong khu vực.

Tác giả: TS. Chung Anh Dũng - TS. Dương Nguyên Khang
Nguồn: ias-cnsh.org
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác