Giải pháp cho hộ nông dân

Mô hình sản xuất sữa bền vững ở nông hộ ấn độ

Hội thảo về sản xuất sữa ở nông hộ cho các nước đang phát triển đã được tổ chức ở xã Anand, huyện Kaira, bang Gurjat, ấn độ từ ngày 13 đến 16 tháng 3 năm 2001 do Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) và Hội đồng phát triển sữa quốc gia (NDDB) của ấn độ tổ chức và tài trợ. Hội thảo này gồm 26 thành viên từ 14 nước ở châu Phi, châu á tham gia với sự cố vấn và điều hành của các chuyên gia thuộc INRI và NDDB.

Mục đích của Hội thảo này là duy trì việc trao đổi thông tin giữa các nước đang phát triển ở châu á, châu Phi; từ đó hoạch định các chính sách, hướng nghiên cứu và biện pháp phát triển sản xuất sữa ở nông hộ.

Qua các báo cáo, quá trình thảo luận và thăm quan thực tế một số cơ sở sản xuất sữa ở nông hộ ấn độ, hội thảo đã kết luận: Mô hình liên hiệp các hợp tác xã sản xuất sữa ở ấn độ rất phù hợp và có thể áp dụng cho các nước khác. Đầu những năm 40, ở huyện Kaira, bang Gurjat, ấn độ đã tự phát lên phong trào sản xuất sữa do một Công ty tư nhân Polson ở xã Anand ký hợp đồng trực tiếp với nông dân thu mua, bảo quản lạnh sữa tươi để cung cấp cho thành phố Bombay cách đó hơn 1000 km và các khu đô thị trong bang Gurjat. Công ty Polson cũng đã bắt đầu chế biến sữa thành pho mát và bơ. Để thúc đẩy việc sản xuất sữa của nông dân, Công ty này đã thu mua sữa tươi với giá khuyến khích theo chất lượng và khối lượng sữa của mỗi gia đình.

Năm 1946, ông Tribhuvandas Patel, một nông dân sở tại cũng là một chiến sĩ đấu tranh cho tự do đã tổ chức nông dân thành hợp tác xã sản xuất và chế biến sữa trâu, bò, dê (bao gồm cả Công ty Polson) để bán cho Bombay. Năm 1949, ông Verghese Kurien, một tiến sỹ cơ khí tốt nghiệp ở Mỹ về đã phối hợp với ông T. Patel thay đổi công nghệ sản xuất sữa của các hợp tác xã bằng cách mua thiết bị bảo quản lạnh và thanh trùng sữa tươi. Từ đó, số lượng sữa thu mua được nhiều hơn, phong trào sản xuất, lưu thông và tiêu thụ sữa đã trở nên một khái niệm sản xuất quen thuộc trong cả nước ấn độ.

Liên hiệp các HTX sản xuất sữa của Kaira (KDCMPUL) đã được đăng ký hoạt động và phát triển nhanh chóng từ việc giúp đỡ kỹ thuật sữa chữa, bảo dưỡng và mua thiết bị mới nhằm tổ chức nông dân vào HTX và điều hành các HTX hoạt động có hiệu quả.

Một nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất của HTX là đảm bảo quyền tự quyết của người nông dân. Bất kỳ nông dân nào có 1 con bò hay 1 con trâu vắt sữa mà tự nguyện bán sữa trong một số ngày đều được trở thành xã viên HTX. Hàng ngày, vợ hoặc con họ có thể đưa sữa đến một điểm thu mua trong làng để cân đong và kiểm tra chất lượng sữa theo hàm lượng chất béo và được trả tiền ngay sau một buổi trong ngày. Bằng cơ chế này, nông dân rất phấn khởi, tin tưởng và trung thực với chất lượng sữa mà họ cung cấp.

Liên hiệp các HTX sản xuất sữa còn hỗ trợ nông dân kịp thời trong việc dịch vụ thú y (phòng và trị bệnh), thụ tinh nhân tạo, nuôi dưỡng, giống, thức ăn tinh, hạt cây trồng làm thức ăn thô và quản lý gia súc để tăng khả năng sản xuất của con giống. Các dịch vụ trên, nông dân đều phải trả tiền theo giá khuyến khích. Với chính sách thu mua sữa ổn định theo giá hợp lý, sau 10 năm liên tục, các HTX này đã lan rộng ra cả bang Gurjat với quy mô ngày càng lớn lên theo mô hình của Anand. KDCMPUL đã đặt tên thương mại cho các sản là "AMUL". AMUL bắt nguồn từ ngôn ngữ của bang Sanscrit là Amulya, có nghĩa là "Vô giá" và cũng là từ viết tắt của Hiệp hội sữa Anand (Anand Milk Union Limited).

Xuất phát từ lượng sữa thu mua ngày càng nhiều lên, cần thiết phải xây dựng nhà máy chế biến sữa hiện đại. Năm 1954, AMUL đã xây dựng nhà máy sản xuất bột sữa và bơ. Năm 1958, một nhà máy sữa khác được xây dựng để chế biến sữa cô đặc có đường. Năm 1960, nhà máy này mở rộng thêm một phân xưởng sản xuất pho mát và một phân xưởng sản xuất bột dinh dưỡng cho trẻ em. Năm 1965 và 1966 lại xây thêm 2 nhà máy như thế nữa. Tại thời điểm đó, lượng sữa của AMUL thu mua được 1,44 triệu lít/ngày, trong khi ngày đầu của năm 1946 chỉ mua được 250 lít/ngày.

Vào tháng 10/1964, nhân dịp khánh thành nhà máy thức ăn bò của AMUL, Thủ tướng ấn Độ Lal Bahadur Shastri đã dành một đêm đến thăm một chi hội hợp tác xã sản xuất sữa ở gần Anand. Với những ấn tượng sâu sắc về sự thay đổi kinh tế - xã hội từ các hợp tác xã sản xuất sữa mang lại, ông đã yêu cầu ông Kurien áp dụng mô hình này mở rộng ra toàn ấn độ trong một chương trình quốc gia mà Chính phủ phát động với tiêu đề là "Dòng thác hành động - Operation Flood". Để thực hiện và điều hành chương trình này, Hội đồng phát triển sữa quốc gia (National Dairy Development Board - NDDB) đã được thành lập vào năm 1965, do Tiến sĩ Verghese Kurien làm chủ tịch và đã được đăng ký theo các đạo luật qui định. Trụ sở của NDDB được đặt ở Anand với sự tài trợ của Chính phủ ấn độ và Đan mạch và một số tổ chức quốc tế.

Quá trình hoạt động của "Dòng thác hành động"

Mục đích của "Dòng thác hành động" là xác định và làm thoả mãn nhu cầu của những người tiêu thụ sữa và những người sản xuất sữa; tức là hấp dẫn người tiêu thụ và người sản xuất sữa có thể thu lợi nhuận cao hơn từ sữa sản xuất ra. Chiến lược phát triển sản xuất sữa ở ấn Độ thực tế đã được công bố vào cuối những năm ?60. Trong vòng vài năm, sau khi NDDB thành lập, nó đã đề ra chương trình của dòng thác hành động và được Chính phủ xác nhận. Chiến lược đó được áp dụng khuôn mẫu Anand với 5 mục tiêu sau:

1. Chiếm lĩnh được phần lớn thị trường sữa, ban đầu tập trung ở 4 thành phố trung tâm và sau đó mở rộng ra các thành phố và thị xã khác.

2. Gắn những thị trường sữa với các vùng sản xuất đã chọn bằng cách tổ chức nông dân vào các hợp tác xã ở từng xã. Ban đầu, HTX chỉ có ở 10 bang, dần dần phát triển ra hết các bang của ấn Độ.

3. Hệ thống tuyến đường vận chuyển sữa quốc gia bao trùm các khu vực của ấn Độ và nối liền các trung tâm tiêu thụ và sản xuất.

4. Thiết lập các nhà máy chế biến sữa và sản xuất thức ăn gia súc trong khuôn khổ của các HTX.

5. Khuyến khích và giúp đỡ các HTX sữa bằng cách cung cấp các dịch vụ đầu vào để tăng cường sản xuất và tiêu thụ sữa.

 

 

"Dòng thác hành động" là một tiếp cận duy nhất đối với phát triển sản xuất sữa ở ấn Độ. Trong suốt những năm 1970, sữa ở châu Âu đã dư thừa, Tiến sĩ Kurien đã thấy được sự dư thừa đó như là sự đe doạ và cũng là một cơ hội. Điều lo sợ là sự xuất khẩu sữa với khối lượng lớn vào ấn Độ với giá rẻ sẽ làm thất bại chiến lược sản xuất sữa của đất nước ấn Độ. Để đối phó với tình hình này, một dự án tiêu thụ sữa đã được xây dựng. Dòng thác hành động đã ghi nhận sự dư thừa sữa ở châu Âu như là sự cần thiết cấp bách phải có đầu tư cho việc hiện đại hoá công nghiệp sữa của ấn Độ. Với sự giúp đỡ của chương trình thực phẩm thế giới, được các nước thuộc khối cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) tài trợ, việc chế biến sữa thành bột sữa và bơ đã đạt được kết quả tốt. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển kinh tế, chương trình giúp đỡ thực phẩm này được coi như một nguồn đầu tư quan trọng để làm bền vững thị trường và duy trì, phát triển sản xuất sữa nội địa.

 

 

Dòng thác hành động" là một chương trình phát triển sản xuất sữa bằng cách áp dụng mô hình Anand được thử nghiệm trước đây nửa thế kỷ và được phát triển qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất của dòng thác hành động được phát động vào năm 1970, sau một thoả thuận với chương trình thực phẩm thế giới cam kết cung cấp 126.000 tấn bột sữa gầy và 42.000 tấn dầu bơ để tài trợ cho chương trình đó. Chương trình liên quan với tổ chức các hợp tác xã sữa ở các xã tạo nên cơ sở hạ tầng cho việc thu mua, chế biến, tiêu thụ và phục vụ sản xuất. Các hợp tác xã sữa đó được thành lập với các trại chăn nuôi gia súc lấy sữa trong bốn thành phố chính là Bombay, Calcutta, Delhi và Madras. Để đạt được mục đích đó, giai đoạn đầu tiên của dòng thác hành động đã đặt nền móng cho ngành sản xuất sữa hiện đại của ấn Độ, đáp ứng nhu cầu sữa và sản phẩm sữa của đất nước. Giai đoạn thứ hai của chương trình đã được thực hiện giữa các năm 1981-1985. Trên cơ sở của giai đoạn đầu, các dự án phát triển sản xuất sữa có sự giúp đỡ của Hội đồng sản xuất sữa ấn Độ thực hiện ở một số bang. Trong giai đoạn này, khoảng 150 triệu đô la Mỹ được Ngân hàng thế giới cung cấp và với sự tài trợ bằng hàng hoá từ EEC để mở rộng khu vực sản xuất trong cả nước..

Hiện nay là giai đoạn thứ ba của dòng thác hành động với mục đích đảm bảo các hợp tác xã trở nên bền vững. Với sự đầu tư 360 triệu USD từ ngân hàng thế giới bằng hàng hoá và tiền mặt từ EEC và nguồn nội địa tự có của NDDB, chương trình này đã mở rộng các điều kiện chế biến và tiêu thụ sữa, mở rộng cơ sở hạ tầng thu mua sữa, tăng cường các hoạt động phát triển sản xuất và chuyên môn hoá việc quản lý trong các cơ quan sản xuất sữa.

Kết quả và những bài học kinh nghiệm từ "Dòng thác hành động"

Dòng thác hành động có thể được coi như là sự kiện trọng tâm về sản xuất sữa của thế kỷ 20 ở ấn Độ. Các bài học rút ra từ thực hiện của chương trình có lợi cho sự hình thành các chính sách về phát triển bò sữa đối với các quốc gia đang phát triển ở châu á và châu Phi.

Ngày nay, 22 bang của ấn Độ đều có Liên hiệp sữa, trong đó có 170 hiệp hội cấp huyện, gồm 76.000 hợp tác xã sữa cấp xã với hơn 11 triệu thành viên sản xuất sữa. Lượng sữa thu mua được của hợp tác xã này lên tới 15 triệu kg/ngày, trong đó 8,3 triệu lít được tiêu thụ ở dạng sữa tươi thanh trùng, đóng gói bán cho trên 1000 thành phố, thị trấn ở ấn Độ, số còn lại được chế biến thành các sản phẩm như sữa bột, bơ, pho mát, bơ sữa trâu lỏng và một loạt sản phẩm sữa truyền thống. Giá trị sữa hàng hoá bán được bằng 1,75 tỷ USD/năm. Công suất chế biến sữa ở các nhà máy sữa khoảng 15,6 triệu lít/ngày, công suất bảo quản làm lạnh là 6,5 triệu lít/ngày và công suất sản xuất bột sữa là 726 tấn/ngày đã được thiết lập qua chương trình này.

Một trong những khó khăn lớn của phong trào sản xuất sữa ở nước nhiệt đới và cận nhiệt đới là sự vận chuyển sữa đường xa. Trong phong trào dòng thác hành động, việc vận chuyển sữa phải sử dụng 140 xe chuyên dùng chở sữa, mỗi xe có công suất 40.000 lít, bổ sung bằng 25 tàu chở sữa khác có công suất 21.000 lít; có khoảng 1000 xe chở sữa đường bộ trên khắp đất nước theo sự phân bố đều trong các khu vực thu mua sữa.

Sự đầu tư để hiện đại hoá ngành sữa ấn Độ đã có một ảnh hưởng lớn vào sản xuất sữa. Một số nhà máy sữa do NDDB thành lập với công nghệ mới nhất và có thể cạnh tranh với các nước tiên tiến. Cơ sở hạ tầng của hợp tác xã mà NDDB tạo ra ban đầu đã được thay đổi theo công nghệ hiện đại và áp dụng tương đối dễ dàng để tăng cường mức sản xuất sữa. Sản lượng sữa hàng năm đã tăng từ 20-22 triệu tấn (những năm 1960) lên khoảng 59 triệu tấn hiện nay, với tỷ lệ tăng trưởng là 7,8%/năm. Mức sữa sản xuất trên đầu người là 107g/ngày (1951-1970) đến nay tăng lên 187g/ngày, cùng với sự tăng trưởng dân số. Mức tiêu thụ sữa trên đầu người cũng có thể tương đương với các nước dẫn đầu về sản xuất sữa.

Nhập khẩu sữa đã là một điểm đặc trưng phổ biến trong những năm 1950 và 1960, chiếm 50-60% tổng số ngành sữa. Ngày nay chỉ nhập sữa hàng hoá theo các chương trình hành động do EEC trợ giúp (Mielke, 1993) với số lượng không đáng kể. Tất cả sự phát triển này đã đưa ấn Độ lên hàng thứ hai về sản xuất sữa trên thế giới sau Mỹ.

Một số chương trình phát triển sữa và chính sách quốc gia đã đóng vai trò tích cực trong thành công của ngành sữa. Tất nhiên, việc áp dụng công nghệ hiện đại cho nông dân và cho chế biến sữa là yếu tố quan trọng. Đồng thời, việc thiết lập thị trường sữa ở thành thị đã tạo nên sự bền vững và khuyến khích nông dân đầu tư vào sản xuất sữa mở rộng. Có lẽ quan trọng nhất vẫn là cơ chế tổ chức hợp tác xã sản xuất sữa. Bằng cách hướng dẫn cho nông dân những kinh nghiệm kỹ thuật, họ sẽ làm ra được lợi nhuận tối đa từ mỗi đồng rupi mà người tiêu thụ trả họ về sữa và sản phẩm, và chính điều đó đã cung cấp cho họ sự kích lệ để tăng trưởng ngành sản xuất sữa.

Kinh nghiệm của ấn Độ có thể cung cấp những bài học cũng như những mô hình cho các nước khác. Trong thập kỷ qua NDDB đã cung cấp và giới thiệu mô hình Anand cho một số nước và đã tiếp nhận nhiều đoàn điều tra từ các nước đó. FAO, EEC và Ngân hàng thế giới đang quan tâm tài trợ cho các nước đang phát triển các dự án tương tự ở Sri Lanka, Malaysia và Bangladesh.

Điều quan trọng nhất là dòng thác hành động đã thể hiện rằng nông dân ấn Độ có năng lực lớn, sáng tạo và tài giỏi. Tuy nhiên, với tài năng đó, có các nguồn kinh phí và kinh nghiệm này sẽ không thể thành công được nếu chỉ áp dụng đơn thuần các dịch vụ vào công việc sản xuất sữa ở châu Phi và châu á mà không có sự đổi mới phù hợp.

Nguyễn Quang Sức

Nguồn: vcn.vnn.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác