Sữa Việt Nam

Tăng giá sữa: Thanh tra xong dân ngậm ngùi rút ví?

Dù sự vào cuộc rất nhanh chóng của các cơ quan chức năng nhưng rồi giá sữa vẫn lần lượt năm sau cao hơn năm trước.

Mới đây, 4 hãng sữa cùng đồng loạt tăng giá, hơn 90% nhãn sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi cũng tăng giá theo. Trong khi giá các mặt hàng khác bình ổn thì việc các hãng sữa rủ nhau tăng giá đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Những câu hỏi như: trách nhiệm của cơ quan quản lý giá đến đâu? Liệu có nhóm lợi ích trong các doanh nghiệp sữa hay không? Hay có sự liên kết để tăng giá hay không... đã được đặt ra.

Chia sẻ trên tờ VEF, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định rằng, doanh nghiệp sữa tự ý tăng giá trong khi chưa giải trình xong là dấu hiệu vi phạm về giá.

Tuy nhiên, phải chờ cơ quan thanh tra vào cuộc làm rõ vấn đề này mới có thể kết tội được doanh nghiệp.

Dù Cục Quản lý giá đã có công văn yêu cầu trong thời gian đang giải trình lý do, đề nghị bán giá như cũ, song các DN phớt lờ và họ vẫn quyết định tăng giá.

Theo ông Tuấn: “Thái độ của doanh nghiệp như vậy là hơi coi thường văn bản của Cục quản lý giá.Chúng tôi không làm lơ chuyện này. Ngay khi có thông tin như vậy, Cục Quản lý giá đã báo cáo Bộ Tài chính và đã đề nghị Bộ vào cuộc thanh tra, kiểm tra, làm rõ việc này”.

Về mặt lý thuyết, chiểu theo Nghị định 109, công ty có dấu hiệu vi phạm về giá. Nghị định này cho phép xử lý các doanh nghiệp có hành vi tự ý nâng giá bán trong thời gian phải giải trình theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.

“Tuy nhiên, để kết luận doanh nghiệp có vi phạm hay không thì phải chờ cơ quan thanh tra, kiểm tra của Bộ thực hiện, cơ quan này sẽ công bố thông tin. Nếu doanh nghiệp làm sai, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và sẽ bị xử lý”, ông Tuấn nói.

Ngay cả đến Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng phải đặt nghi vấn các đơn vị liên kết để tăng giá, khi chỉ trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp sữa lớn đồng loạt điều chỉnh giá bán. 

“Trước đây dư luận đã đề cập 3 doanh nghiệp viễn thông lớn tăng cước 3G cùng thời điểm liệu có vi phạm luật cạnh tranh không? Lần này thì đến các doanh nghiệp sữa, chỉ trong một thời gian ngắn các doanh nghiệp sữa lớn như: Mead Johnson, Vinamilk, Nestle, FrieslandCampina đều tăng giá”, ông Nhân nói và đặt nghi vấn, có hay không việc các doanh nghiệp lớn này liên kết để tăng giá, vi phạm Luật Cạnh tranh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính, Công Thương chỉ đạo kiểm tra việc tăng giá sữa thời gian qua, xem có dấu hiệu liên kết tăng giá bất hợp lý hay không.

Nhưng giống như 3G, sau kết luận thanh tra là đồng nghĩa với việc người tiêu dùng phải chấp nhận mức giá đã tăng. Lý do là vì cơ quan thanh tra khẳng định không có sự “bắt tay” như dư luận vẫn nói.

Và rồi đến giá sữa, dù DN đã đồng loạt tăng nhiều lần, nhưng gần như kết quả thanh tra không “vạch” ra được cái sai của DN để làm nghiêm.

Và bây giờ người tiêu dùng lại tiếp tục chờ kết quả thanh tra.

Trung Quốc phạt nặng các công ty sữa thao túng giá

Mới đây 5 “đại gia” của thị trường sữa thế giới gồm Mead Johnson, Abbott, Dumex, Friesland, Fonterra và 1 hãng sữa Biostime của Trung Quốc vừa bị chính quyền nước này phạt tổng cộng 108 triệu USD vì thao túng giá.

AFP đưa tin, lệnh phạt đã được ban hành với các hãng sữa từ Mỹ, Pháp, Hà Lan và một công ty Trung Quốc sau khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) đưa ra yêu cầu điều tra sau 5 tháng.

Tân Hoa Xã đánh giá đây là án phạt cao kỷ lục trong cuộc chiến chống độc quyền của Trung Quốc.

Lệnh phạt cũng được đưa ra giữa lúc dân chúng lo lắng về mức độ an toàn của sữa trẻ em khi các sản phẩm của hãng Fonterra đã bị thu hồi ở một số nước do lo ngại nhiễm một loại vi khuẩn có thể dẫn tới chứng ngộ độc thịt nguy hiểm tới tính mạng.

NDRC trong một tuyên bố cho biết cơ quan này phạt hãng Mead Johnson và Abbott từ Mỹ; Dumex, một thương hiệu thuộc hãng Danone của Pháp; một chi nhánh Trung Quốc của Hãng Royal FrieslandCampina, Hà Lan; Fonterra và hãng Biostime của Trung Quốc.

Theo NDRC, các hãng trên ấn định giá tối thiểu với nhà phân phối và phạt các đại lý nếu bán sai giá. Hành động của các hãng này làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường và duy trì giá sữa bột ở mức cao một cách vô lý.

“Các hãng này đã làm suy yếu tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và làm tổn hại lợi ích của người tiêu dùng”- NDRC nhận định.

 Phương Nguyên

Nguồn: baodatviet.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác