Thức ăn cho bò sữa

Công nghệ biến đổi gen: Hướng đi tất yếu

Những loại cây gì để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong điều kiện đất trồng trọt ngày càng ít đi, số lượng lao động trong nông nghiệp mỗi năm một giảm và khí hậu biến đổi bất thường? Hơn ai hết, các nhà khoa học ở Viện Di truyền Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phải tìm ra câu trả lời.


Thực phẩm biến đổi gen đã xuất hiện ở Việt Nam. Có thể chúng ta đã sử dụng chúng mà không để ý. Gói bim bim “Đệ nhất khoai tây” chẳng hạn. Nó được sản xuất ở trong nước nhưng nguyên liệu có thể nhập từ Mỹ và có thể đó là sản phẩm của công nghệ biến đổi gen. Hàng năm chúng ta nhập khẩu hơn 1 triệu tấn ngô và 2 triệu rưỡi tấn đậu tương, phần lớn trong đó là sản phẩm biến đổi gen.
    
Đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp và dân số mỗi năm một tăng. Bởi vậy, ứng dụng những thành tựu của công nghệ sinh học, trong đó có biến đổi, cấy ghép gen được Viện Di truyền Nông nghiệp coi là công cụ rất quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia


Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp

Tiến sĩ Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, cho biết: “Dùng công nghệ gen để biến đổi giống cây trồng là bước phát triển tiếp theo của con người trên con đường chinh phục thiên nhiên. Để đảm bảo sự sống cho chính mình, để đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, con người không thể không dùng biện pháp này. Con người buộc phải nghĩ đến công nghệ sinh học. Công nghệ gen hứa hẹn rất nhiều. Mỗi gen là một đặc tính mà có hàng trăm nghìn gen, có hàng trăm nghìn hình thức biến đổi gen có thể tạo ra mà mỗi gen đều có thể mang lại nhiều lợi ích cho con người. Các gen như những công cụ rất tốt giúp con người đảm bảo an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học… Đây không phải là công cụ duy nhất nhưng là công cụ quan trọng mà chúng ta phải sử dụng để đảm bảo sự sống của chính con người”.

Trên thực tế Viện Di truyền Nông nghiêp đã nghiên cứu thành công quy trình tạo vật liệu ban đầu phục vụ chuyển gen kháng thuốc diệt cỏ và kháng bệnh khô vằn vào giống lúa DT10, DT13, gen kháng sâu tơ vào cải bắp CB26; các gen Bt, GNA, Xa-21 được đồng chuyển vào lúa loài phụ indica nhằm tạo ra cây lúa có khả năng chống chịu rộng.

Viện Di truyền Nông nghiệp cũng đã xây dựng quy trình tái sinh đối với cây ngô phục vụ cho chuyển gen, quy trình chuyển gen bằng Agrobacterium và súng bắn gen, tạo các cây chuyên gen bền vững bằng các phương pháp này trên các dòng ngô có nguồn gốc ôn đới như A188, H99. Viện đã tạo được các dòng ngô chuyển gen bền vững mang các gen: kháng thuốc diệt cỏ, gen GFP, gen kháng kháng sinh, gen tăng cường hấp thụ nitơ và gen chịu lạnh.



Hiện nay, Viện Di truyền Nông nghiệp đang nghiên cứu chuyển gen kháng sâu để tạo giống ngô Việt Nam có khả năng kháng sâu đục thân. Các dòng ngô chuyển gen kháng thuốc diệt cỏ đã được chuyển cho Viện nghiên cứu ngô để tạo giống. Trong thời gian tới, tất cả vật liệu tạo ra tại Viện Di truyền Nông nghiệp sẽ được chuyển giao cho các nhóm chọn giống ngô trong nước để tạo thành giống.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đồng - Phó giám đốc Phòng Thí nghiệm Trọng điểm về Công nghệ tế bào sinh học thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp, đang là chủ nhiệm đề tài "Tạo giống ngô biến đổi gen chống chọi sâu đục thân và thuốc diệt cỏ". Đề tài đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang tiếp tục giai đoạn 2. Ngô biến đổi gen đã được trồng thử nghiệm tại Trung tâm thực nghiệm của Viện Di truyền Nông nghiệp. Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoảng năm 2015 những sản phẩm được chế biến từ ngô, đậu tương biến đổi gen do Việt Nam sản xuất sẽ xuất hiện trong các siêu thị và chợ ở nước ta.

Trả lời phỏng vấn của CTV Tamnhin.net, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đồng nhấn mạnh: "Trong điều kiện canh tác của Việt Nam, ngô hầu như 80% phụ thuộc vào nước trời và chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, cho nên chúng tôi chuyển gen mới vào nền những giống ngô đã thích hợp với các địa phương ấy để chúng có thể phù hợp với từng địa phương một. Hiện tại đề tài được thực hiện trong khuôn khổ chương trình sinh học nông nghiệp mà chương trình sinh học nông nghiệp thì hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Ngô biến đổi gen tham gia xóa đói giảm nghèo một cách gián tiếp, đặc biệt phục vụ chiến lược tăng cường thức ăn gia súc và xóa đói giảm nghèo một cách lâu dài".


Ngô biến đổi gen ở vườn thực nghiệm

Tại Trung tâm thực nghiệm đóng ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, các phóng viên không thể phân biệt được đâu là giống ngô đã được biến đổi gen, đâu là giống ngô thường trồng để đối chứng. Các cán bộ của Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết, rằng khi sâu đục thân tấn công ngô biến đổi gen, hệ tiêu hóa của chúng sẽ tổn thương và nhanh chóng bị chết trong khi ở luống ngô bình thường, sâu đục thân vẫn phát triển tốt. Ngô được trồng trong nhà lưới để tránh sự tác động của các yếu tố ngoại cảnh.

Trên thế giới những người ủng hộ thực phẩm biến đổi gen khẳng định đây là một cách để cứu số dân cư ngày càng đông đúc trên Trái đất khỏi chết đói, bởi cây cấy ghép gen có thể sinh trưởng tốt trên đất xấu và cho mùa màng bội thu mà lại bảo quản được lâu. Tuy nhiên, các nhà sinh thái lo ngại rằng các loại thực vật biến đổi gen có thể tình cờ lọt ra ngoài thiên nhiên hoang dã và gây ra những biến đổi thảm họa đối với hệ sinh thái. Họ cũng lo rằng các loại cây chống chọi được với chất diệt cỏ, chẳng hạn đậu nành và ngô biến đổi gen, có thể tích tụ trong hạt nhiều độc tố khiến người ăn bị ngộ độc. Nhưng, điều này chưa được chứng minh trên thực tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, khẳng định: "Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu lương thực nói riêng và nông sản nói chung, cho nên việc tiếp cận với cây trồng biến đổi gen có những sự thận trọng nhất định. Năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 11 về chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp, cho phép thương mại hóa cây trồng biến đổi gen vào năm 2011 với ba loài bông, ngô và đậu tương. Đây là những cây trồng biến đổi gen rất phổ biến trên thế giới, đã được đánh giá an toàn về mặt sinh học, môi trường; đồng thời không được sử dụng trực tiếp làm lương thực cho con người mà chủ yếu làm thức ăn chăn nuôi. Vì thế chúng không ảnh hưởng đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể sử dụng công nghệ sinh học để rút ngắn quá trình tạo giống. Đây là hướng kết hợp giữa công nghệ hiện đại và công nghệ truyền thống, là hướng đi tất yếu để phát triển các giống cây trồng, vật nuôi, trong đó có cây lương thực".

Còn đây là ý kiến của Giáo sư, TSKH Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hợp tác Khoa học – Kỹ thuật châu Á – Thái Bình Dương: "Hiện nay còn một số quan điểm chưa thống nhất. Người ta lo ngại rẳng cây biến đổi gen sẽ cạnh tranh mạnh với các cây trồng khác. Và vì nó kháng được các loài sâu bệnh nên gen đó có thể tái tổ hợp từ loài này sang loài kia để tạo ra những loài cây trồng biến đổi khác không mong muốn. Thí dụ người ta lo ngại gen kháng thuốc diệt cỏ khi nó tràn lan ra ngoài có thể tạo ra loài "siêu cỏ". Về mặt lý thuyết người ta lo ngại như vậy nhưng trên thực tế sẽ không bao giờ xảy ra. Về thực chất, việc biến đổi gen, chuyển gen trong thiên nhiên đã xảy ra từ ngàn đời. Khi một loài A tự thụ phấn hoặc giao phấn để tạo ra một cá thể thì nó truyền toàn bộ bộ gen từ cây này sang cây kia. Nhưng cái khác hiện nay là người ta có thể tách riêng rẽ một loại gen hoặc thậm chí một đoạn gen mà nó quyết định, điều khiển tính trạng mong muốn để có kết quả hiệu nghiệm hơn, định hướng hơn so với trong tự nhiên và rút ngắn được nhiều quá trình chuyển gen, vì vậy nó mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực phẩm biến đổi gen hoàn toàn không có tác hại đối với con người cũng như gia súc. Còn về liều lượng thì bất cứ thực phẩm nào, nếu dùng không đúng đều gây nên tổn hại. Đấy là khuyến cáo từ trước đến giờ chứ không nhất thiết đối với sinh vật biến đổi gen. Ví dụ, ngô biến đổi gen thì biến đổi một gen, tạo ra tác động thông qua các hoạt động của gen đó trong cơ thể sống, hình thành nên các loại protein ở trong đó để sâu (đục thân) ngán ăn, không ăn được thân ngô; chứ ngô biến đổi gen không ảnh hưởng tới sự trao đổi chất ở cơ thể con người“.

Trần Quang Vinh



Nguồn:
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác