Góc nhìn chuyên gia

FAO cảnh báo khủng hoảng nguồn cung từ chăn nuôi
Thế giới đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng về nguồn cung cấp thực phẩm từ chăn nuôi chỉ trong vài thập kỷ tới.

Ngày 15/12, Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) đã có báo cáo về tình hình chăn nuôi thế giới năm 2011.

Trong đó cảnh báo việc thế giới đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng về nguồn cung cấp thực phẩm từ chăn nuôi chỉ trong vài thập kỷ tới.

Để đối phó với căng thẳng này, ngay bây giờ các nước, đặc biệt là những nước đang phát triển, cần tìm kiếm giải pháp bền vững về chăn nuôi.

Báo cáo cho biết hiện thế giới chưa có giải pháp khả thi về công nghệ hoặc về kinh tế trong chăn nuôi để có thể cung cấp một số lượng lớn các sản phẩm thực phẩm từ chăn nuôi đáp ứng nhu cầu đang tăng rất nhanh của các thành phố trong quá trình đô thị hóa.

Các sản phẩm protein động vật hiện chiếm 12,9% tổng lượng calo tiêu dùng toàn cầu và 20,3% ở các nước đang phát triển. Vào năm 2050, mức tiêu dùng protein động vật sẽ tăng thêm 2/3, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Nhu cầu này có thể được đáp ứng một phần nhờ gia tăng chăn nuôi quy mô lớn. Tuy nhiên, chăn nuôi quy mô lớn đã trở thành mối đe dọa với môi trường, đặc biệt làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đồng thời cũng gia tăng nguồn gây bệnh cho con người.

FAO nhấn mạnh các thách thức chủ yếu ngành chăn nuôi phải đối mặt là đảm bảo vật nuôi khỏe mạnh vì khi số lượng vật nuôi tăng lên, nguy cơ các loại bệnh cũ và mới xuất hiện có nguồn gốc từ vật nuôi đe dọa con người cũng tăng lên.

Thách thức khẩn cấp đối với sản xuất lớn trong chăn nuôi là phải đảm bảo sự lành mạnh của môi trường, bao gồm giảm mức độ ô nhiễm từ chất thải và khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm nguồn nước và ngũ cốc sử dụng để chăn nuôi và tái chế hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi.

Ngoài tăng quy mô chăn nuôi, việc cải thiện hiệu quả của các hệ thống chăn nuôi hiện nay cũng đã trở nên cấp thiết.

Một giải pháp khả thi đáp ứng cả hai yêu cầu này trong thời gian trước mắt cũng là một thách thức lớn đối với cả các nước phát triển và đang phát triển vì cần nguồn vốn đầu tư lớn và các chính sách hỗ trợ thích hợp.

Nguồn: Vietnam+
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác