Quản lý chăn nuôi bò sữa

Khắc phục tình trạng bò sữa khó lên giống

Để khắc phục tình trạng bò sữa khó lên giống, trước hết phải xem xét bò sữa không động dục thực sự hay động dục thầm lặng.

Nếu đã theo dõi hoặc thậm chí đã dùng bò đực thí tình mà vẫn không phát hiện được động dục thì chứng tỏ bò sữa không động dục thật sự. Sau đó xác định nguyên nhân (thông qua hệ thống sổ sách theo dõi, hỏi người chăn nuôi, sờ khám qua trực tràng...) mà áp dụng biện pháp thích hợp: Nếu bò mới đẻ lứa đầu mà năng suất sữa cao thì phải chờ đợi thêm. Nếu có bê con trực tiếp bú vú mẹ và theo mẹ thì phải tách ra.

Nếu do chăm sóc, nuôi dưỡng kém, bò gầy yếu thì phải tăng khẩu phần giàu hàm lượng các chất đạm, đường, sinh tố, khoáng và khoáng vi lượng... kết hợp chăn thả trên bãi để bò có điều kiện vận động, tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Nếu bò bị viêm tử cung với thể vàng tồn lưu thì biện pháp điều trị tốt nhất là tiêm prostaglandin hoặc các chất tương tự (2ml chế phẩm estrumate) để làm tiêu biến thể vàng, giảm hàm lượng progesteron và tăng hàm lượng estrogen trong máu để kích thích bò động dục.

Nếu bò không động dục do u nang buồng trứng (có thể là u bao nang hoặc u nang thể vàng), có thể tiến hành theo một trong các biện pháp sau: Thò tay vào trực tràng, qua thành trực tràng phá hủy u nang, để kích thích rụng trứng và hình thành thể vàng mới; tiêm 250 UI liberin (tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp), hoặc 6.000 UI kích tố nhau thai người (HCG) (tiêm tĩnh mạch) để làm tăng tỷ lệ hormone lutein (LH) trong máu; tiêm prostaglandin (2ml chế phẩm estrumate) trong trường hợp u nang thể vàng.

Nếu xác định thể vàng phát triển to trên buồng trứng (đường kính lớn hơn 1cm) thì tiêm prostaglandin F2 (2ml chế phẩm estrumate), để làm teo biến thể vàng, 3 ngày sau động dục xuất hiện. Nếu thấy thể vàng nhỏ thì cần phải xác định xem đó là thể vàng đang hình thành hay thể vàng đang thoái hóa. Nếu thể vàng đang hình thành, bò sẽ động dục sau đó khoảng 2 tuần. Nếu thể vàng đang thoái hóa, động dục sẽ xuất hiện sau một vài ngày...

Trường hợp, một số bò sữa được phối nhiều lần mà không thụ thai, cũng có nhiều nguyên nhân:

1. Do bò cái:

- Bò cái động dục nhưng không rụng trứng, do các rối loạn nội tiết.

- Bò cái động dục, có rụng trứng nhưng trứng yếu, không có khả năng thụ thai hoặc thụ thai rồi phôi chết.

- Bò cái bị bệnh đường sinh dục, tinh trùng không thể thụ tinh được trứng hoặc có thụ tinh nhưng phôi bị chết do các biến đổi môi trường trong cơ quan sinh dục.

2. Do tinh bò đực kém chất lượng:

Số lượng tinh trùng trong liều tinh không đảm bảo, tỷ lệ tinh trùng chết hoặc dị dạng cao.

3. Do kỹ thuật phối giống:

- Phối giống không đúng thời điểm thích hợp, quá sớm hoặc quá muộn.

- Thao tác chuẩn bị phối giống không đúng kỹ thuật: Kỹ thuật giải đông không đảm bảo, để tinh lâu dưới nắng mặt trời...

- Bơm tinh dịch vào âm đạo hoặc quá sâu trong tử cung, gây tổn thương, chảy máu thân, sừng tử cung, gây nhiễm trùng cơ quan sinh dục...

Gặp trường hợp phối nhiều lần mà không đậu thai ta phải xem xét kỹ từng nguyên nhân để loại trừ và tìm biện pháp khắc phục. Nhưng một khi đã áp dụng thụ tinh nhân tạo tới 3 lần mà không có kết quả thì có thể cho bò đực giống nhảy trực tiếp. Cho bò đực giống nhảy trực tiếp một hai lần mà không đậu thai thì phải loại thải.

Nguồn: Kinh tế Nông thôn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác